Theo năm tháng, vòng eo sẽ tăng lên dù bạn nghĩ mình không hề thay đổi thói quen ăn uống. Điều này xảy ra với rất nhiều người và là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Có nhiều lý do khiến cơ thể béo lên khi bạn già đi, theo Medical Daily.
Liệu có bao giờ bạn nhìn những đứa bé chơi đùa rồi tự nói với mình: 'Ước gì có lại năng lượng như thế một lần nữa'? Trẻ em thường xuyên vận động nên chúng ít khi thừa cân. Thiếu niên cũng hay tham gia hoạt động thể thao giúp vóc dáng thon thả. Đến khi học đại học và đi làm, con người càng ngày ngồi nhiều hơn, khiến cơ thể tích trữ mỡ. Ngoài ra, từ sau tuổi 30, mỗi 10 năm bạn lại mất đi 3-5% cơ bắp. Hiện tượng này còn gọi là sarcopenia do tuổi tác.
Càng lớn tuổi, bạn càng căng thẳng hơn do phải gánh vác hàng loạt trách nhiệm. Stress ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa của cơ thể và khiến con người ăn uống phản khoa học, dẫn đến tăng cân. Bên cạnh đó, stress còn dẫn đến nhiều hệ quả khác như suy giảm khả năng học tập, ghi nhớ cùng chức năng miễn dịch; làm tăng huyết áp, cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Quá trình lão hóa thường đi kèm với sự hao hụt đáng kể các hoóc-môn, trong đó có hoóc-môn tăng trưởng, estrogen, progesterone, testosterone và hai hoóc-môn tuyến giáp. Hiện tượng thoái hóa tự nhiên này được gọi là suy giảm nội tiết tố liên quan đến tuổi, bắt đầu khi cơ thể bước sang tuổi 30. Để bù đắp lại, nhiều thành phần trong cơ thể thay đổi dẫn đến tăng mỡ bụng, teo cơ bắp, rối loạn giấc ngủ hoặc rối loạn tâm trọng như trầm cảm.
Tuổi tác khiến việc duy trì cân nặng hợp lý trở nên khó khăn, bạn vẫn có thể cải thiện nếu sử dụng phương pháp thích hợp và biết kiên trì. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ít calo; hoạt động thể chất và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn bảo vệ vóc dáng của mình.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh