Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút viêm gan C. Vi rút viêm gan C lây truyền từ người nhiễm sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Đa số bệnh nhân khi nhiễm vi rút viêm gan C sẽ tiến triển bệnh viêm gan C mạn tính và tiến triển đến xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh viêm gan C mạn tính thường tiến triển âm thầm, không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, thậm chí xét nghiệm chức năng gan chưa có thay đổi. Khi phát triển đến giai đoán có biểu hiện lâm sàng thì là dấu hiệu bệnh gan tiến triển. Vì vậy việc phát hiện nhiễm vi rút viêm gan C bằng xét nghiệm là rất quan trọng giúp điều trị sớm và hoàn toàn khỏi bệnh với phác đồ thuốc kháng vi rút trực tiếp.
Theo các hướng dẫn quốc tế cũng như của Bộ Y tế (Quyết định số 2065/QĐ-BYT) về chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C: hai xét nghiệm được dung để chẩn đoán cũng như theo dõi đáp ứng điều trị là Anti-HCV (là xét nghiệm ban đầu để xác định tình trạng đã hoặc đang nhiễm vi rút viêm gan C) và HCV-RNA trong huyết tương. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng chúng tôi ghi nhân những ca bệnh, đặc biêt trên nhóm đối tượng là ung thư điều trị hóa chất, bệnh nhân không có nguồn lây trong thời kỳ theo dõi, nhưng lại phát triển thành viêm gan C. Như vậy liệu có thể viêm gan C thể tiềm ẩn, bệnh sẽ tiến triển khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu không?
Khi tra cứu y văn, thuật ngữ nhiễm vi rút viêm gan C thể tiềm ẩn (Occult hepatitis C virus infection: OCI) đã được mô tả lần đầu tiên bởi Castillo và cộng sự vào năm 2004. Nghiên cứu tiến hành trên 100 bệnh nhân với biểu hiện tăng enzyme gan kéo dài mà chưa phát hiện được căn nguyên gây tổn thương gan. Trong số 100 bệnh nhân, phát hiện 57 ca có sự hiện diện của HCV-RNA trong tế bào gan bằng phương pháp RT-PCR. Trong thời điểm đó, có hai thể được ghi nhận là thể anti-HCV âm tính và thể anti-HCV dương tính (HCV-RNA âm tính ở huyết tương). Như vậy, nhiễm vi rút viêm gan C thể tiềm ẩn được đình nghĩa là có sự hiện diện của HCV-RNA trong tế bào gan hoặc bạch cầu đơn nhân (mononuclear cells) ở máu ngoại vi mà không phát hiện HCV-RNA trong huyết tương.
Các nghiên cứu đánh giá tỷ lệ lưu hành của OCI trên các quần thể khác nhau cho thấy, tỷ lệ lưu hành của bệnh giao động 1,27%-57% tùy thuốc vào quần thể nghiên cứu cũng như phương pháp phát hiện HCV-RNA từ tế bào gan hay từ bạch cầu đơn nhân máu ngoài vị. Nghiên cứu trên quần thể dân cư chung với phát hiện HCV-RNA từ bạch cầu đơn nhân máu ngoại vi, đã ghi nhận tỷ lệ lưu hành 1,27%-3,3% và tăng lên 45% ở nhóm bệnh nhân lọc thận chu kỳ và có tăng men gan.
Một số nghiên cứu theo dõi dọc các bệnh nhân OCI cho thấy, việc phát hiện HCV-RNA trong huyết tương đi kèm với tăng enzyme gan (SGPT). Ngoài ra, còn có những lo ngoại khi những bệnh nhân OCI trở thành nguồn lây cho cộng đồng không? Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ có anti-HCV dương tính ở những gia đình của bệnh nhân OCI cao hơn ở những gia đình của có thành viên được chẩn đoán viêm gan C mạn. Tuy nhiên, mức độ tin cậy của nghiên cứu là không cao.
Như vậy, nhiễm vi rút viêm gan C thể tiềm ẩn là thể bệnh đã được môt tả và định nghĩa rõ ràng trong y văn. Một số bằng chứng cho thấy OCI có sự liên quan đến sự tiến triển của bệnh gan. Còn nhiều vấn đề mà chúng ta chưa hiểu rõ về OCI, phương pháp được sử dụng để xác định tình trạng OCI cần được cải tiến để có thể sử dụng trên lâm sàng. Đối với nhóm đối tượng đặc biệt như ung thư phải điều trị hóa chất, dung thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, ghép tạng … cần thiệt phải xác định tình trạng nhiễm vi rút viêm gan C thể tiềm ẩn nhằm chủ động kiểm soát sự bùng phát của vi rút và bệnh gan tiến triển làm nặng thêm các bệnh lý đã có sẵn.
Tài liệu tham khảo