Theo những khám phá từ một nghiên cứu phân tích tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, thay thế carbohydrate và các chất béo bão hòa bằng các chất béo lành mạnh như chất béo không bão hòa đa sẽ giúp làm giảm nồng độ đường huyết và cải thiện khả năng kiểm soát insulin.
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân đề kháng với insulin và mắc tiểu đường type 2 đang tăng vọt trên toàn thế giới. Tại Mỹ, Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ CDC ước tính rằng có khoảng 29,1 triệu người mắc bệnh tiểu đường tương đương với khoảng 9.3% dân số.
Đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường, CDC khuyên bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng các thuốc giúp giảm nồng độ glucose huyết. CDC cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ tim mạch như cao huyết áp và nồng độ lipid máu cao, và tránh hút thuốc lá.
Nồng độ cholesterol LDL cao có liên quan với bệnh tiểu đường
Số liệu của CDC chỉ ra rằng từ năm 2009-2012, 65% dân số được chẩn đoán mắc tiểu đường trên 18 tuổi hoặc có nồng độ cholesterol “xấu” LDL máu cao hoặc là họ đang sử dụng các thuốc hạ cholesterol máu.
Trong số những biện pháp cấp thiết được đưa ra để phòng bệnh tiểu đường type 2, một số nghiên cứu đã tập trung vào tác động của các carbohydrate và các chất béo trong chế độ dinh dưỡng đối với sức khỏe con người.
Đừng e ngại các chất béo lành mạnh
Các nhà khoa học đã quan sát các dữ liệu của 4,660 người trưởng thành được thu thập từ 102 nghiên cứu. Trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, các đối tượng nghiên cứu được áp dụng những chế độ ăn có chứa thành phần carbohydrate và chất béo đa dạng khác nhau cả về loại và số lượng.
Các nhà khoa học muốn xác định xem những chế độ dinh dưỡng khác nhau này có tác động đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể như thế nào, và đặc biệt các chất béo bão hòa, không bão hòa đơn, không bão hòa đa và carbohydrate có ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh tiểu đường type 2 như thế nào.
Nghiên cứu tập trung vào các marker sinh học quan trọng như chỉ số glucose máu, chỉ số insulin máu, sự đề kháng và nhạy cảm với insulin và cơ thể có khả năng sản xuất insulin ra sao để điều hòa đường huyết.
Kết quả chỉ ra rằng tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn hay chất béo không bão hòa đa có tác động tích cực đối với khả năng kiểm soát đường huyết, so với việc tiêu thụ carbohydrate hay chất béo bão hòa.
Với mỗi 5% năng lượng thu được từ việc chuyển đổi từ carbohydrate hay chất béo bão hòa sang chất béo bão hòa đa hay đơn thì chỉ số HbA1c (một chỉ số đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết lâu dài) lại giảm 0.1% tương ứng.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng với mỗi 0.1% giảm trong chỉ số HbA1c, tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 giảm tới 22% và nguy cơ tiến triển thành bệnh tim mạch giảm tới 6.8%.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu tiến sỹ Dariush Mozaffarian: “Toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng đề kháng insulin và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng. Khám phá của chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp rằng chúng ta có thể phòng và điều trị căn bệnh này bằng cách tăng cường tiêu thụ những thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như hạt óc chó, hạt hướng dương, đậu nành, hạt lanh, các và các loại dầu thực vật khác thay thế cho các loại ngũ cốc tinh chế, tinh bột, đường và mỡ động vật.”
Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu phân tích tổng hợp một cách hệ thống đánh giá tác động của carbohydrate và các nhóm chất béo khác nhau trong chế độ dinh dưỡng đối với sức khỏe con người.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh