Công dụng của việc ăn giá đỗ đối với người bệnh đái tháo đường

Nội dung

Giá đỗ được coi là một thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường

Trên thực tế, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn giá đỗ vì thực phẩm này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Lợi ích sức khỏe của giá đỗ cho người bệnh đái tháo đường

Dễ tiêu - giảm đầy hơi, trướng bụng cho người bệnh đái tháo đường

Hầu như tất cả các loại hạt nảy mầm, trong đó có giá đỗ đều rất dễ tiêu hóa. Một khi nảy mầm, enzyme trong hạt đậu xanh sẽ bắt đầu hoạt động. Những enzyme này sẽ biến tinh bột trong hạt đậu thành các phân tử dễ tiêu hóa hơn cho cây phát triển. Do đó, giá đỗ rất dễ tiêu hóa, giúp người bệnh đái tháo đường ít bị đau dạ dày, đầy hơi, trướng bụng.

Chứa nhiều dưỡng chất - tốt cho sức khỏe tổng thể

Giá đỗ chứa nhiều dưỡng chất như các vitamin nhóm B, vitamin C, folate, chất xơ và các acid amin thiết yếu. Ăn giá đỗ cũng có thể giúp bạn dễ hấp thụ các dưỡng chất như calci, sắt trong đường tiêu hóa.

Chứa ít carbohydrate - không làm tăng đường huyết sau ăn

Giá đỗ có ít carbohydrate, giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt

Quá trình nảy mầm có thể giúp lảm giảm hàm lượng tinh bột trong các loại hạt. Do đó, giá đỗ chứa rất ít carbohydrate. Ngược lại, giá đỗ lại có hàm lượng protein cao hơn, từ đó trở thành một lựa chọn tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Nhiều chất xơ - giúp làm chậm hấp thu đường, phòng biến chứng tim mạch

Giá đỗ chứa nhiều chất xơ hòa tan hơn so với đậu xanh. Chất xơ hòa tan có thể giúp hấp thụ chất lỏng trong đường tiêu hóa, từ đó giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Đặc biệt hơn, chất xơ hòa tan cũng có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong cơ thể, cũng như giúp làm giảm lượng đường huyết hiệu quả cho người bệnh đái tháo đường.

Ngoài giá đỗ, các loại hạt mọc mầm khác như gạo lứt nảy mầm cũng có nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Theo đó, gạo lứt nảy mầm có thể giúp làm giảm đường huyết, đồng thời làm tăng nồng độ cholesterol “tốt” HDL cho người bệnh đái tháo đường.

 

Cách ăn giá đỗ tốt cho người bệnh đái tháo đường

- Nếu chọn được giá đỗ an toàn, người bệnh đái tháo đường có thể ăn giá đỗ sống hoặc chần qua với nước sôi để ăn chung với bún. Tuy nhiên, bạn nên ăn giá đỗ trước khi ăn các thực phẩm giàu tinh bột để ngăn không cho đường huyết tăng cao.

- Ăn giá đỗ có thể ảnh hưởng tới tác dụng của một số loại thuốc điều trị đái tháo đường. Do đó, bạn không nên ăn giá đỗ quá gần khoảng thời gian trước hoặc sau khi uống thuốc.

 

Hướng dẫn cách chọn giá đỗ an toàn

Để chọn mua được giá đỗ sạch, an toàn, không ngâm hóa chất, người bệnh đái tháo đường có thể tham khảo hướng dẫn sau:

- Chọn giá có rễ nhiều và dài: Giá đỗ thường mất khoảng gần 1 tuần để sinh trưởng. Vì vậy chúng sẽ bén rễ nhiều và dài. Giá đỗ ngâm hóa chất thường chỉ có một đoạn rễ rất ngắn, sậm màu dưới thân.

- Chọn giá đỗ ít mập và không đều nhau: Giá đỗ ngâm hóa chất có đặc điểm là thân to, mập nhìn rất đẹp mắt. Tuy nhiên, giá đỗ sạch thường bé hơn, dài hơn và có các cọng giá không đều nhau.

- Không nên chọn giá đỗ cọng dài bất thường: Thông thường khi chọn mua giá đỗ, ai cũng muốn mua những cọng giá to dài. Tuy nhiên, chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có khả năng sinh trưởng vượt trội nhờ hóa chất, khiến thân dài và to. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng giá đỗ càng dài thì lượng protein và dinh dưỡng trong đó càng ít.

- Chọn giá đỗ thân cong, không bóng: Giá đỗ có ủ hóa chất thường sẽ sẽ mập mạp, trắng bóng và thân rất thẳng.

 

Cách làm giá đỗ đơn giản tại nhà

Để phòng ngừa tình trạng mua phải giá đỗ với nhiều hóa chất độc hại, người bệnh đái tháo đường có thể tìm cách tự làm giá đỗ tại nhà theo những bước sau:

- Ngâm hạt đậu xanh từ 6 - 8 tiếng.

- Bạn có thể dùng rổ, khăn sạch, thùng xốp… để ủ giá đỗ.

- Nhớ cho giá đỗ “uống nước” đúng giờ.

- Bạn có thể thu hoạch giá đỗ sau khoảng 2 - 3 ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top