Vitamin K được khám phá lần đâu năm 1929 bởi một nha sĩ người Đức và được xem như là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho quá trình đông máu. Có 2 dạng vitamin K chính:
Vitamin K1: (phylloquinone): được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau có lá xanh
Vitamin K2 (menaquinone): được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men. Vitamin K2 có thể được phân loại nhỏ hơn nữa, trong đó, 2 loại vitamin K2 phổ biến nhất là MK4 và MK7
Một số tác giả nghiên cứu gợi ý rằng, vai trò của vitamin K1 và K2 là khác nhau, do đó, chúng nên được tách riêng thành 2 chất dinh dưỡng, chứ không nên gộp chung thành vitamin K. Các nghiên cứu trên động vật cũng đã ủng hộ giả thuyết này và cho thấy, vitamin K2 có thể giúp làm giảm sự lắng đọng canxi ở các mạch máu trong khi vitamin K1 không thể thực hiện chức năng này. Nghiên cứu trên người cũng quan sát thấy rằng bổ sung vitamin K2 nhìn chung có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và sức khỏe xương, trong khi bổ sung vitamin K1 hầu như không đem lại lợi ích đáng kể.
Lắng đọng canxi ở các mạch máu quanh tim là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch. Do đó, bất cứ sự thay đổi nào làm giảm sự lắng đọng canxi này sẽ có thể dự phòng được bệnh tim mạch. Nghiên cứu theo dõi trong vòng 7-10 năm cho thấy những người bổ sung nhiều vitamin K2 nhất có giảm 52% nguy cơ bị xơ cứng động mạch do lắng đọng canxi và giảm 57% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch [4]. Một nghiên cứu khác trên hơn 16.000 phụ nữ cho thấy bổ sung nhiều vitamin K2 sẽ có nguy cơ bệnh tim mạch thấp hơn. Cứ tiêu thụ 10mcg K2 mỗi ngày nguy cơ bệnh tim mạch sẽ giảm 9%.
Vitamin K2 đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa canxi – khoáng chất chủ yếu có trong xương và răng. Vitamin K2 giúp chắc khỏe xương theo 2 cơ chế:
Làm gia tăng mật độ khoáng chất trong xương theo cơ chế tăng gắn canxi vào xương thông qua kích hoạt osteocalcin - protein được sản xuất ra từ quá trình tạo cốt bào.
Điều hướng canxi tới xương thông qua Matrix Gla Protein (một loại protein điều chỉnh quá trình canxi hóa), từ đó giúp cho canxi không lắng đọng tại các mạch máu.
Khi thiếu vắng sự hiện diện của vitamin K2, canxi có thể sẽ không được điều hướng đúng tới xương. Hệ quả sẽ bao gồm lắng đọng canxi tại động mạch cũng như các mô mềm khác, khiến cho mặc dù vẫn bổ sung canxi đều đặn, nhưng cơ thể vẫn rơi vào trạng thái thiếu canxi.
Nghiên cứu theo dõi 3 năm trên 244 phụ nữ sau mãn kinh chỉ ra rằng bổ sung vitamin K2 sẽ làm chậm quá trình suy giảm khoáng chất trong xương do tuổi tác. Đã có 7 nghiên cứu cho thấy rằng vitamin K2 có thể làm giảm tình trạng gãy xương cột sống khoảng 60%, giảm gãy xương không 77% và giảm gãy các xương khác là 81%.
Một số nghiên cứu đã được tiến hành trên người chỉ ra rằng, bổ sung vitamin K2 có thể ảnh hưởng đến một số loại ung thư. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng vitamin K2 có thể làm giảm số lần tái mắc ung thư gan. Nghiên cứu trên 11.000 nam giới chỉ ra răng bổ sung K2 liều cao có thể giảm 63% nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn muộn, trong khi vitamin K1 không có tác dụng này.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin K2 có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Osteocalcin cũng là một protein đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dentin (các mô canxi ở phía dưới men răng).
Vitamin K2 được chia ra làm rất nhiều loại, trong đó MK4 và MK7 là 2 loại được nghiên cứu và ứng dụng nhiều nhất hiện nay. MK7 dường như có sinh khả dụng tốt hơn khi được hấp thu vào cơ thể. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy MK7 trong thực phẩm được cơ thể người hấp thu khá tốt và có thể làm tăng đáng kể hàm lượng MK7 trong huyết thanh sau khi sử dụng, trong khi đó, MK4 không có tác động lên lượng MK4 trong huyết thanh. Một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy, để MK4 phát huy được tác dụng trong việc cải thiện quá trình carboxyl hóa osteocalcin ở xương, cần phải sử dụng liều cao (trên 420-500mcg MK4/ngày), trong khi đó, MK7 chỉ cần sử dụng với liều từ 45-90mcg MK7/ngày là đủ để kích hoạt quá trình carboxyl hóa của osteocalcin.
MK7 lại có 2 đồng phân là Trans MK7 và Cis MK7. Đồng phần Cis MK7 không những không có tác dụng vận chuyển canxi mà còn dễ làm vi chất này phân hủy, không ổn định nếu hàm lượng Cis MK7 càng lớn thì càng làm giảm hiệu quả của MK7. Vì thế, để chế được loại MK7 có hoạt tính sinh học cao nhất, các nhà khoa học đã tìm cách loại bỏ Cis MK7 ra khỏi K2, tạo ra loại MK7 tinh khiết gọi là All-trans MK7 với hàm lượng lên đến trên 90%. Tuy nhiên, trong quá trình loại bỏ cần sử dụng đến dung môi và hóa chất.
Vào năm 2006, Tập đoàn Gnosis của Ý đã nghiên cứu và phát triển thành công quy trình lên men đậu nành Natto độc đáo, trực tiếp tạo ra MK7 tinh khiết Alltrans MK7, không cần loại bỏ đồng phân Cis và đặt tên là VitaMK7. Đây chính là dạng MK7 tự nhiên tinh khiết nhất không sử dụng dung môi hóa chất. Quy trình lên men độc đáo này đã được chứng nhận và cấp bằng sáng chế tại EU, Mỹ, Nhật Bản và được Dược điển Hoa Kỳ USP công nhận là loại MK7 chất lượng nhất, dùng làm tiêu chuẩn đối chiếu của tất cả các loại MK7 khác trên toàn thế giới.
Đánh giá về hoạt tính sinh học và độ tinh khiết của MK7 được ước tính trong bảy chất bổ sung khác nhau, được chọn trong số những chất bổ sung có sẵn trên thị trường quốc tế, chủ yếu từ các nhà cung cấp công bố nguồn menaquinone gồm: từ quá trình lên men PI (Gnosis) và PIII (Sungen Bioscience) hoặc từ tổng hợp hóa học PII (Kappa Biosciences).
Dưới đây là bảng thông tin chi tiết về Bảng nghiên cứu độ tinh khiết của các loại MK7 trên thị trường:
Có sự khác biệt về liều sử dụng vitamin K2 dưới dạng MK4 và MK7, mặc dù cả 2 loại vitamin K2 này đều rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên MK4 có thời gian bán thải nhanh hơn, do đó, cần phải sử dụng với liều cao hơn và nhiều lần hơn trong ngày. Theo công bố của các nghiên cứu thì
Vitamin K2 dưới dạng MK7 có thể sử dụng với liều từ 150-180mcg/ngày để bảo đảm sức khỏe của xương.
MK4 có thể được sử dụng với liều 45mg/ngày, đặc biệt liều dùng này đã được khuyến nghị sử dụng tại Nhật Bản. Liều khuyến nghị MK4 có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng khu vực.
Vitamin K2 được coi là rất an toàn, và cho hầu hết đối tượng sử dụng. Mức tiêu thụ trung bình của tổng lượng vitamin K ở các nước Châu Âu và Hoa Kỳ được ước tính là 60–250 μg/ngày ở người lớn. Tại Nhật Bản, một món ăn truyền thống là đậu lên men (natto) là một nguồn giàu vitamin K2 (dạng MK–7), và thường được bán với một khẩu phần của món ăn này vào khoảng 40–100g, dùng tốt nhất là vào bữa sáng. Một gói natto thông thường có thể chứa khoảng 350 μg vitamin K2 dạng MK-7. Điều này đặt ra giả định rằng vitamin K2 trong chế độ ăn uống có thể thay đổi từ 60 μg/ngày đến 350 μg/ngày.
Theo một nghiên cứu trên chuột, các mức nồng độ được sử dụng ở đường uống kéo dài trong 90 ngày lần lượt là 0,1 mg/kg/ngày, 0,5 mg/kg/ngày và 1 mg/kg/ ngày. Ở các mức liều lượng này, không phát hiện ra bất cứ sự ảnh hưởng nào trên các chỉ số máu, nước tiểu, tính đột biến hay ảnh hưởng trên mô bệnh học. Nếu so với hàm lượng sử dụng trên người tại Nhật Bản, liều ở chuột cao hơn xấp xỉ 3–200 lần so với nồng độ được tính từ khẩu phần ăn ước tính.
Một nghiên cứu khác trên chuột cũng chỉ ra rằng liều uống 2000mg/kg thể trọng (liều giới hạn) không quan sát được bất cứ độc tính nào xuất hiện trong vòng 14 ngày. Với các liều 2,5 – 5 – 10mg/kg thể trọng trong 90 ngày, không phát hiện bất cứ độc tính nào xuất hiện bao gồm cả các quan sát trên lâm sàng, các vấn đề nhãn khoa, bệnh lý, hoại tử tổng thể hay mô bệnh học.
Khả năng gây độc gen của vitamin K2 dưới dạng MK-7 cũng được nghiên cứu. Kết quả đã chỉ ra rằng MK-7 không có khả năng gây đột biến gen. Điều thú vị là sự gia tăng có ý nghĩa thống kê về số lượng tế bào bắt nhiều màu đã được quan sát thấy ở nhóm sử dụng MK-7 so với nhóm đối chứng, và điều này có thể góp phần làm tăng hoạt động tạo máu của tủy xương.
Hiện tại, chưa có thử nghiệm độc tính chính xác của vitamin K2 trên người. Các nghiên cứu về tình trạng gây độc cấp tính của vitamin K2 được thực hiện trên động vật. Qua các nghiên cứu tới thời điểm hiện tại, sử dụng vitamin K2, đặc biệt dưới dạng MK-7 được xác nhận tính an toàn trên động vật khi sử dụng qua đường miệng, cho thấy khả năng dung nạp tốt và không có bất cứ độc tính nào ở liều cao so với liều trung bình trong chế độ ăn. Do vậy, điều này có thể gợi ý tính an toàn của vitamin K2 trong việc sử dụng trên người.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh