✴️ Stress là bị gì? Dấu hiệu bị stress?

1. Stress là gì?

Stress là trạng thái căng thẳng về thần kinh và cảm xúc do nhiều nguyên nhân khác nhau: môi trường, công việc, học tập, các mối quan hệ… Đây là phản ứng sinh lý, tâm lý và ứng xử của một cá nhân khi đang cố gắng thích nghi với những thay đổi, áp lực từ bên trong hoặc bên ngoài.

Vấn đề căng thẳng tâm lý có thể là động lực tích cực để kích thích sự tập trung của bạn vào vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, nếu rơi vào tình trạng stress quá độ hoặc thời gian bị stress thường xuyên, kéo dài thì có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ như: chán nản, mệt mỏi, huyết áp cao, tiêu hóa kém, béo phì, tiểu đường suy giảm miễn dịch… và thậm chí là trầm cảm.

 

2. Dấu hiệu nhận biết bị stress

Theo một nghiên cứu được công bố trên NCBI năm 2015 cho thấy, khoảng 33% người trưởng thành đã từng trải qua tình trạng stress ở mức độ cao. Dấu hiệu bị stress có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: thể chất, tinh thần và hành vi.

Thể chất Tinh thần Hành vi
  • Đau đầu
  • Đau căng cơ
  • Đau tức ngực
  • Mệt mỏi
  • Ham muốn tình dục thay đổi
  • Đau dạ dày
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Lo lắng
  • Bồn chồn, hấp tấp
  • Mất tập trung
  • Dễ xúc động
  • Khó chịu, tức giận
  • Buồn bã, trầm cảm
  • Ăn uống bất thường (quá nhiều hoặc quá ít
  • Dễ bực tức, nổi giận
  • Lạm dụng rượu/ chất gây nghiện
  • Hút thuốc lá
  • Xa lánh mọi người
  • Lười tập luyện thể dục

 

3. Bị stress ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Khi stress ở mức độ vừa, nó có tác dụng tích cực làm tăng sự tập trung xử lý vấn đề cần giải quyết, stress có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người. Việc phải tiếp nhận những tác động căng thẳng kéo dài và cường độ thường xuyên sẽ khiến cơ thể hình thành những thói quen không lành mạnh, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ như:

  • Gây ra các bệnh lý về tim mạch
  • Khiến bệnh hen suyễn trầm trọng hơn
  • Tích lũy mỡ thừa gây béo phì
  • Stress khiến bệnh đái tháo đường có thể nặng hơn
  • Gây ra những cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu migraine
  • Dễ dẫn đến hiện tượng trầm cảm, âu lo
  • Các vấn đề về đường tiêu hoá: ợ nóng, đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích
  • Đẩy nhanh quá trình diễn tiến của bệnh Alzheimer
  • Tốc độ lão hoá gia tăng…

Stress là tình trạng không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không có những biến chuyển tích cực về tâm lý cũng như có cách xả stress hiệu quả thì những ảnh hưởng này sẽ khiến bạn gặp nhiều nguy hiểm về mặt sức khoẻ.

 

4. Nguyên nhân nào dẫn đến stress?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý. Có thể tách thành 2 nguyên nhân chính là:

  • Yếu tố bên trong
    • Sức khỏe: Thường xuyên rơi vào tình trạng sức khỏe không tốt: ốm đau, thiếu chất, mắc bệnh hiểm nghèo…
    • Tâm lý: Suy nghĩ tiêu cực, viển vông, tự tạo áp lực cho bản thân, mất ngủ thường xuyên và sử dụng các chất kích thích: thuốc lá, rượu bia, ma tuý…
  • Yếu tố bên ngoài
    • Xã hội: Những áp lực liên quan đến công việc – học tập, mâu thuẫn với mọi người xung quanh, rắc rối về tài chính…
    • Gia đình: Mâu thuẫn với bố mẹ, người thân, người yêu, mất đi chỗ dựa tinh thần là bạn bè, người thân…
    • Môi trường: Ô nhiễm khói bụi – tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông thường xuyên
    • Thời tiết: Thay đổi đột ngột (quá nóng hoặc quá lạnh)

5. Những ai dễ bị stress?

Trong cuộc sống hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với các vấn đề tâm lý và đặc biệt là stress. Theo nhiều cuộc khảo sát, tỷ lệ người dân thành thị bị stress cao hơn những người ở vùng quê. Bên cạnh đó, những người thường xuyên căng thẳng, chịu áp lực lớn cũng dễ bị stress hơn. Vậy đâu là nhóm đối tượng “tiềm năng” dễ mắc phải tình trạng này? Đó có thể là:

  • Người đi làm đang trong độ tuổi thăng tiến 
  • Người có chức vụ cao 
  • Người có cuộc sống gia đình/ hôn nhân không hạnh phúc
  • Học sinh/ sinh viên chịu áp lực học hành 
  • Phụ nữ tiền mãn kinh
  • Người có sức đề kháng yếu,…

 

6. Bị stress nên làm gì?

  • Thường xuyên vận động thể chất
  • Thực hiện các động tác thư giãn, hít thở sâu, ngồi thiền, yoga hoặc mát xa
  • Suy nghĩ tích cực, vui vẻ, hài hước
  • Dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè
  • Dành thời gian cho các sở thích cá nhân như nghe nhạc, đọc sách…

Hãy chủ động tìm cách để cân bằng cảm xúc và kiểm soát stress để nhanh chóng xua tan những cơn căng thẳng. Bên cạnh đó, việc ngủ đủ giấc và duy trì bữa ăn khoa học, lành mạnh, hạn chế cà phê, các chất gây nghiện (thuốc lá, rượu bia) cũng góp phần giúp bạn đẩy lùi căng thẳng.

 

7. Khi nào bị stress, căng thẳng tâm lý nên đi khám bác sĩ?

Nếu bạn không chắc được stress có phải nguyên nhân gây ra những thay đổi tiêu cực của cơ thể hoặc bạn đã cố gắng rất nhiều để kiểm soát stress nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn, lời khuyên lúc này là hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.

Có thể xuất hiện những nguyên nhân tiềm ẩn khác và bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp hợp lý giúp bạn cân bằng và hạn chế tình trạng bị stress. Việc tìm kiếm các loại thuốc giảm stress hiệu quả và tự tìm mua là điều hoàn toàn không nên làm. Tất cả đều phải được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa uy tín và uống đúng liều lượng chỉ định để đảm bảo hiệu quả tối đa.

 

Nguồn tham khảo:

1. Stress symptoms

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/stress-symptoms/art-20050987

2. Stress symptoms effects of stress on the body

https://www.webmd.com/balance/stress-management/stress-symptoms-effects_of-stress-on-the-body

3. Symptoms of stress

https://www.healthline.com/nutrition/symptoms-of-stress

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top