Viêm nhiễm amidan là bệnh lý viêm đường hô hấp phổ biến. Khi không được chữa sớm, bệnh trở nặng và biến chứng nhiều thể khác nhau. Một trong số đó là viêm amidan hốc mủ.
Amidan gồm hai khối nhỏ màu hồng nằm giữa đường hô hấp và ăn uống, mang chức năng tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do tiếp xúc với nhiều tác nhân, amidan dễ tổn thương, viêm nhiễm và trở thành viêm amidan cấp tính. Nếu được kiểm tra và điều trị đúng cách, bệnh có thể khỏi chỉ sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên do tâm lý chủ quan khiến bệnh trở nặng thành viêm amidan mãn tính và tái phát nhiều lần. Lúc này, mủ trắng xuất hiện giữa amidan và trong các hốc bao quanh amidan, vón thành từng cục. Bệnh lý được bác sĩ gọi tên là viêm amidan hốc mủ (hay amidan cấp mủ).
Trước hết cần khẳng định rằng, amidan hốc mủ không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi dứt điểm. Điều kiện đi kèm là bệnh nhân cần kiểm tra để sàng lọc sớm các dấu hiệu bệnh và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Bệnh ủ lâu gây tổn thương nghiêm trọng tới amidan, có thể đem tới những biến chứng nguy hiểm như:
– Biến chứng hiện tiền: Đau họng, cổ rát, khó nuốt, khó giao tiếp
– Biến chứng kề cận: Khi tình trạng viêm nhiễm gia tăng sẽ lan sang các cơ quan khác từ gần tới xa. Trước hết là nguy cơ áp xe quanh amidan, sau đó tới họng, miệng,… như viêm họng, viêm xoang, viêm tai
– Biến chứng phổi: Mủ từ amidan chảy vào họng, phổi gây viêm phế quản, viêm phổi
– Biến chứng thận: Vi khuẩn gây bệnh thường mang độc tố làm tổn thương chức năng thận
– Biến chứng toàn bộ: Khi tổn thương amidan mủ biến chứng nặng, mang tới các cơn đau khớp, tấn công niêm mạc van tim và cấu trúc khớp
Viêm amidan có mủ dù là bệnh về hô hấp do vi khuẩn hay virus gây nên, nhưng bệnh không mang khả năng lây nhiễm qua người khác.
Ngoài nguyên nhân chính là hệ quả của viêm amidan cấp tính không được điều trị, một số tác nhân khác gây nên amidan hốc mủ có thể là:
– Vệ sinh răng miệng sai cách, không đảm bảo khiến amidan nhiễm khuẩn, virus và hình thành viêm nhiễm, ổ mủ
– Người bệnh mang tiền sử mắc các bệnh lý về tai mũi họng
– Môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, nhiều hóa chất
– Thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là thời điểm giao mùa
– Thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng không khoa học
Dù mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng viêm amidan cấp mủ và ung thư vòm họng lại có mối liên hệ cùng những triệu chứng tương đồng dễ nhầm lẫn.
So sánh | Viêm amidan cấp mủ | Ung thư vòm họng |
Bản chất | Viêm amidan có mủ là biến chứng của viêm amidan không được phát hiện và điều trị đúng – đủ | Có thể là biến chứng của amidan có mủ. Là bệnh lý ác tính và nguy hiểm hơn amidan mủ |
Biểu hiện | – Xung quanh amidan và giữa amidan xuất hiện mủ tụ cục
– Đau rát họng, vướng họng, khó nuốt, cơn đau lan tới tai – Đau miệng, tiết nhiều nước bọt – Sốt – Khạc ra mủ trắng, mùi hôi – Thở khò khè |
– Đau đầu, cơn đau âm ỉ rồi tăng dần
– Ù tai, thính lực giảm – Ngạt mũi, chảy máu mũi, có mủ – Nổi hạch hàm – Mất cảm giác dây thần kinh sọ – Mệt mỏi, sút cân nhanh |
Cách điều trị | Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Khi amidan viêm mức độ nhẹ, phương pháp nội khoa dùng kháng sinh, kháng viêm giảm đau, hạ sốt, thuốc sát khuẩn xúc họng được chỉ định. Trường hợp amidan mãn tính tái phát nhiều lần hoặc có nguy cơ biến chứng vào khớp, tim, bệnh nhân có thể phải cắt amidan. Một số kỹ thuật cắt phổ biến như: – Bóc tách – Dao Plasma – Sử dụng sóng Radio cao tần |
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh mà bác sĩ chỉ định các phương pháp khác nhau:
– Bệnh ở giai đoạn sớm được chỉ định phẫu thuật – Ở các giai đoạn sau, bệnh nhân được chỉ định hóa trị và xạ trị |
Để đảm bảo bệnh được điều trị hợp lý và triệt để ngay từ những bước đầu, bệnh nhân nên tới bệnh viện thăm khám thường xuyên, sàng lọc bệnh định kỳ hàng năm.
Ngoài việc hiểu rõ về cách chữa trị viêm amidan mủ ra sao, người bệnh cũng nên nắm được một số lưu ý trong sinh hoạt hay ăn uống để phòng ngừa, tránh xa bệnh lý phức tạp này:
– Giữ vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ, đều đặn mỗi ngày. Xúc miệng bằng nước muối sinh lý là phương pháp hữu hiệu giúp họng sạch khuẩn
– Đeo khẩu trang khi ra đường
– Trong khi chữa bệnh, ăn thức ăn mềm, dạng lỏng để giảm áp lực và tổn thương cho amidan
– Tăng cường rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
– Uống đủ nước mỗi ngày. Dùng nước ấm và bổ sung nước hoa quả
– Tránh la hét, nói to quá nhiều
– Vận động đều đặn, nhẹ nhàng và phù hợp hàng ngày
– Khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ ít nhất 1-2 lần/năm để sàng lọc sớm dấu hiệu bất thường
– Khi bị bệnh, cần tới gặp bác sĩ thăm khám. Không mua thuốc và sử dụng bừa bãi tại nhà
Tóm lại, amidan cấp mủ gây nên nhiều nguy cơ về sức khỏe cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Vì vậy hãy chủ động và hiểu biết để bảo vệ bản thân trước những căn bệnh này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh