Tuyến giáp có nhiệm vụ điều hòa quá trình trao đổi chất bằng hormone, cải thiện tâm trạng, nhịp tim và một số chức năng khác của cơ thể. Khi tuyến giáp bị ảnh hưởng sẽ gây ra một số vấn đề sức khỏe như tăng cân, mệt mỏi, khô da, tư duy chậm chạp hoặc trầm cảm.
Nếu bạn cảm thấy các dấu hiệu trên, bạn có thể đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, bạn nên tham khảo ý về cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe bằng một số thực phẩm tốt như gợi ý sau đây:
Iodine là nguyên liệu tham gia vào quá trình tổng hợp thyroxin - hormone tuyến giáp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi thiếu iod, việc sản xuất thyroxin bị giảm sút, tuyến giáp phải hoạt động bù dưới sự kích thích của hormone tuyến yên nên sưng lên, có thể hình thành bướu cổ nhược giáp.
Ngoài muối iodine, một trong những nguồn iodine dồi dào nhất trong thực phẩm là rong, tảo biển. Bạn có thể mua rong biển tươi tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để nấu thành món canh, làm salad rong biển.
Tuyến giáp là bộ phận cần nhiều selen nhất trong cơ thể. Do đó, thiếu selen là một trong những nguyên nhân chính gây ra các rối loạn tuyến giáp, gây mất cân bằng hormone trong cơ thể. Bạn có thể tìm đến một số thực phẩm giàu selen như cá ngừ, cá mòi, thịt bò, thịt gà.
Pectin là một loại chất xơ hòa tan có khả năng thúc đẩy quá trình đào thải kim loại nặng như thủy ngân ra khỏi cơ thể. Các kim loại nặng này có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh viêm tuyến giáp như Hashimoto. Thực phẩm chứa nhiều pectin như táo, lê, trái cây họ cam chanh sẽ giúp thải độc cơ thể, tốt cho tuyến giáp.
Kẽm có vai trò quan trọng với sức khỏe của tuyến giáp và quá trình tổng hợp các hormone tuyến giáp. Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh suy giáp, một rối loạn nội tiết phổ biến khiến cơ thể bị thiếu hụt hormone tuyến giáp.
Bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng những thực phẩm chứa nhiều kẽm là hàu, tôm cua, hạt bí đỏ và hạt hướng dương.
Vitamin D là vi chất có ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch của cơ thể và sức khỏe của tuyến giáp. Ngoài việc tích cực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, bạn có thể bổ sung vitamin D từ một số thực phẩm như cá hồi, cá mòi, nước cam được bổ sung vi chất này.
Bổ sung chất xơ có thể giúp cải thiện triệu chứng táo bón ở những người mắc các bệnh tuyến giáp. Rau củ quả và các loại hạt họ đậu là nguồn chất xơ dồi dào. Đậu gà còn là thực phẩm giàu kẽm, vi chất có vai trò quan trọng với quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, đậu nành có tác động tiêu cực với những người mắc bệnh tuyến giáp do thiếu iodine. Đậu nành có thể tương tác và làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh tuyến giáp.
Omega-3 là acid béo có vai trò giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm giáp và ung thư tuyến giáp. Omega-3 có nhiều trong các loại cá béo, hạt óc chó và hạt lanh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh