Siro ngô cao fructose (HFCS) là một loại đường nhân tạo được làm từ siro ngô. Hiện nay có nhiều ý kiến chỉ ra những tác hại sức khỏe nghiêm trọng của HFCS.
Dưới đây là 6 lí do vì sao siro ngô cao fructose có hại cho sức khỏe của bạn:
Lượng fructose trong HFCS có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu ăn quá nhiều.
Phần lớn các loại tinh bột như cơm sẽ được phân giải thành glucose, thể đơn giản nhất của chất đường bột, khi ăn vào. Tuy nhiên, đường trắng có tỉ lệ 50% glucose và 50% fructose; HFCS cũng bao gồm glucose và fructose với tỷ lệ gần tương tự như đường kính.
Glucose là phân tử đường được tất cả các tế bào của cơ thể sử dụng để tạo ra nguồn năng lượng chính cho những hoạt động thể chất có cường độ mạnh cũng như các quá trình chuyển hóa khác.
Ngược lại, fructose từ HSCF hoặc đường trắng cần phải được chuyển hóa thành mỡ hay glycogen (một dạng chất đường bột ở dạng lưu trữ) bởi gan, trước khi được sử dụng làm nguồn năng lượng.
HFCS đưa một lượng fructose không tự nhiên vào các thực phẩm mà cơ thể người thì chưa phát triển tới mức có thể chuyển hóa đúng cách một lượng lớn fructose như vậy.
Thực tế, cho đến một vài thập trước đây, chế độ ăn của chúng ta thường chỉ gồm một lượng rất nhỏ fructose từ các nguồn tự nhiên như hoa quả và rau xanh. Không chỉ chứa một lượng fructose ít hơn, hoa quả còn chứa chất xơ thực phẩm, nước, các vi chất và các chất chống oxy hóa thiết yếu. Vì vậy, hoa quả thực sự rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đến những tác hại cho sức khỏe khi mà lượng fructose dư thừa trong cơ thể. Và, mối lo lắng hiện nay đến từ việc bổ sung quá mức trong chế độ ăn cả siro ngô cao fructose HSCF (chứa 55% fructose) và đường trắng (chứa 50% fructose).
HFCS sẽ dễ dàng được chuyển hóa thành mỡ nếu ăn quá nhiều. Điều này là do fructose được chuyển hóa bởi gan. Gan sẽ chuyển hóa fructose thành glycogen, đưa vào làm nguồn năng lượng dự trữ cho cơ thể. Tuy nhiên sức chứa của gan cũng chỉ có hạn. Mặc dù một lượng nhỏ fructose từ hoa quả có thể không sao, nhưng một lượng lớn fructose từ nước ngọt hay các loại kẹo ngọt có thể làm gan bị quá tải. Khi đó, gan không chuyển hóa được fructose thành glycogen mà sẽ chuyển hóa fructose thành mỡ.
Nếu để kéo dài, mỡ tích tụ trong gan sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ và tiểu đường tuýp 2.
Trong một nghiên cứu theo dõi bệnh nhân trong vòng 3 tuần, các nhà nhiên cứu thấy rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường và fructose có thể dẫn đến việc tăng mỡ ở gan tới 27%.
Những nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng fructose có thể làm tăng lượng mỡ tích tụ cao hơn so với một bữa ăn có cùng mức năng lượng.
Các nghiên cứu dài hạn cho thấy rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường hoặc siro ngô cao fructose có thể có một vai trò quan trọng quá trình gây bệnh béo phì.
Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên ở độ tuổi trưởng thành được uống đồ uống có chứa đường glucose hoặc fructose. Khi so sánh giữa 2 nhóm, nhóm đồ uống có chứa fructose không kích thích các vùng não kiểm soát sự thèm ăn ở mức độ nhiều như ở nhóm uống đồ uống chứa glucose. Điều này có nghĩa là, đồ uống có chứa fructose sẽ làm chúng ta có cảm giác thèm ăn hơn là đồ uống có chứa glucose.
Fructose còn có thể gây ra sự tích mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng là loại mỡ bao quanh các nội tạng trong cơ thể và cũng là loại mỡ cơ thể có hại nhất. Mỡ nội tạng cũng có mối liên hệ với các vấn đề sức khỏe như tiểu đường và bệnh tim mạch.
Hơn nữa, sự sẵn có của đường và siro ngô cao fructose cũng đã làm lượng calo nạp vào tăng lên, đây cũng là một yếu tố chính trong việc tăng cân. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, hiện nay lượng calo tiêu thụ mỗi ngày từ đường là hơn 500 calo, cao hơn đến 300% so với 50 năm trước.
Việc tiêu thụ quá nhiều HFCS có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, một tình trạng có thể dẫn đến tiểu đường tuýp 2.
Ở những người khỏe mạnh, insulin tăng lên khi nạp carb vào cơ thể. Chức năng của insulin khi đó là để vận chuyển các phân tử đường bột ra khỏi máu và đưa vào các tế bào. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều fructose một cách thường xuyên có thể gây ra tình trạng cơ thể kháng lại tác dụng của insulin. Lâu dần, điều này làm giảm “tính linh hoạt” của các tế bào trong việc chuyển hóa carb. Về lâu dài, cả nồng độ insulin và đường huyết sẽ đều tăng.
Bên cạnh bệnh tiểu đường, HFCS cũng có thể đóng một vai trò trong hội chứng chuyển hóa, một hội chứng cũng đã được liên hệ với nhiều loại bệnh như bệnh tim và một vài loại ung thư.
Rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng đã được liên hệ với việc tiêu thụ quá nhiều fructose. HFCS và đường đã được cho thấy rằng có vai trò trong các phản ứng viêm liên quan đến tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim và ung thư.
Nồng độ insulin cao gây ra bởi lượng đường lớn trong cơ thể cũng là nguồn nhiên liệu cho các tế bào ung thư phát triển. Nhiều nghiên cứu lâu dài đã cho thấy mối quan hệ giữa mức HFCS nạp vào và các nguy cơ ung thư.
Bên cạnh vai trò trong các phản ứng viêm, tiêu thụ quá nhiều fructose cũng làm tăng những chất có hại gọi là AGE – các sản phẩm glycat hóa bền vững có thể gây tổn thương các tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Nhưng không chỉ vậy, nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như gout cũng tăng lên. Đó là do sự gia tăng viêm và sự sản sinh axit uric.
Từ tất cả các vấn đề sức khỏe và bệnh gây ra bởi việc tiêu thụ quá nhiều HFCS và đường, sẽ không ngạc nhiên khi các nghiên cứu đã bắt đầu cho thấy mối quan hệ giữa chúng với sự tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cùng giảm tuổi thọ.
Cũng giống như các loại đường khác, siro ngô không fructose chính là các calo “rỗng”. Nghĩa là chúng có chứa nhiều calo nhưng lại không có các dưỡng chất thiết yếu nào.
Vì vậy, ăn HFCS sẽ làm giảm tổng lượng chất dinh dưỡng trong bữa ăn của bạn vì càng nhiều HFCS nạp vào thì càng ít chỗ cho những loại thực phẩm có chứa nhiều dinh dưỡng hơn.
Sau tất cả, việc tránh ăn siro ngô cao fructose có thể là một trong những cách dễ nhất và hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh