Sử dụng caffeine trong giới hạn cho phép có thể mang lại tác dụng có lợi. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Caffeine là một chất có nhiều trong cà phê hoặc trà giúp kích thích hệ thống thần kinh trung ương, làm giảm mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo, và cải thiện sự tập trung. Đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, liều lượng caffeine vừa phải sẽ từ 200 đến 300 mg tương đương với khoảng 2-4 cốc cà phê pha một ngày – không có hại. Nếu bạn uống 4 hoặc nhiều hơn 4 cốc ngày có thể dẫn đến một số triệu ứng khó chịu. Nếu sử dụng caffeine quá 500 đến 600 mg một ngày có thể gây ra: Mất ngủ, căng thẳng, cảm thấy bồn chồn, bứt rứt không yên, khó chịu trong người, rối loạn dạ dày, nhịp tim tăng…
Một số người nhạy cảm với caffeine hơn những người khác, chỉ cần sử dụng caffeine với một lượng nhỏ – ngay cả một tách cà phê hoặc trà – có thể làm bạn cảm thấy bồn chồn hoặc thậm chí mất ngủ.
Những người không thường xuyên uống cà phê có xu hướng nhạy cảm hơn với tác động tiêu cực của nó. Các yếu tố khác có thể bao gồm trọng lượng cơ thể, tuổi tác, tình trạng sử dụng thuốc và điều kiện sức khỏe. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng nam giới dễ bị tác động của caffeine hơn là phụ nữ. Vì thế, cần lưu ý khi sử dụng caffeine.
Một số loại thuốc và thảo dược bổ sung có thể tương tác với caffeine:
Một số thuốc kháng sinh: Ciprofloxacin (Cipro), norfloxacin (Noroxin) – loại thuốc kháng khuẩn – có thể tương tác với caffeine làm tăng thời gian tồn tại caffeine trong cơ thể và khuếch đại tác dụng không mong muốn của nó.
Theophylline (Theo-24, Elixophyllin): Một loại thuốc giãn phế quản có một số hiệu ứng giống như caffeine. Dùng nó cùng với các loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine có thể làm tăng nồng độ của theophylline trong máu của bạn. Gây buồn nôn và nôn mửa, tim đập nhanh.
Echinace: Được sử dụng để ngăn ngừa cảm lạnh hoặc khi bị nhiễm trùng, có thể làm tăng nồng độ caffeine trong máu của bạn và có thể làm tăng hiệu ứng khó chịu của caffeine.
Nếu bạn muốn cắt giảm caffeine
Bạn nên giảm từ từ, nếu giảm đột ngột có thể bị như nhức đầu, khó chịu, mệt mỏi và căng thẳng. May mắn là những triệu chứng này thường nhẹ và hết sau một vài ngày. Để thực hiện hãy chú ý các lời khuyên sau:
Cảnh giác với các đồ ăn, uống có chứa caffeine.
Cắt giảm dần dần: ví dụ, chỉ uống một tách cà phê hoặc trà mỗi ngày. Tránh uống các thức uống này vào cuối ngày.
Chú ý khi pha trà: Uống trà ngay sau khi pha, rút ngắn thời gian ủ trà ( thời gian để trà ngấm), vì trà càng để lâu lượng caffeine tiết ra càng nhiều. Hoặc lựa chọn các loại trà thảo dược không có caffeine.
Chọn loại cà phê không có chứa caffeine
Kiểm tra các lọ thuốc trước khi dùng: Một số các thuốc giảm đau chứa caffeine nên hãy tìm các thuốc giảm đau không chứa caffeine để thay thế nhằm hạn chế sử dụng caffeine.
Trên đây là những lưu ý khi sử dụng caffeine, bạn nên tham khảo để bảo vệ sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh