✴️ Sữa có nguồn gốc từ thực vật là gì và ứng dụng ra sao?

Nội dung

Mở đầu

Ngày càng có nhiều bố mẹ lựa chọn sữa thực vật (plant – based milk) thay thế sữa bò cho trẻ. Một số bố mẹ lựa chọn sữa thực vật vì trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp dữa bò, cũng có một số bố mẹ lựa chọn sữa thực vật vì tin rằng sữa bò là thức uống nên phòng tránh, ngoài ra một số bố mẹ lựa chọn sữa thực vật vì những lo ngại về môi trường. Lựa chọn của bố mẹ về việc nên cho trẻ ăn gì, uống gì có thể gây ra những hậu quả không đáng có. Hiệp hội Tiêu hóa – Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Bắc Mỹ (North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition – NASPGHAN) cho rằng nếu cho trẻ nhỏ (đặc biệt là nhũ nhi) tiêu thụ những chế phẩm có nguồn gốc từ thực vật thay vì sữa công thức (fomula) hoặc chế phẩm từ sữa được tiêu chuẩn hóa (standardized milk products) một cách không hợp lý có thể dẫn đến nhiều tác động bất lợi [1].

Sữa bò có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của hầu hết trẻ em. Sữa bò góp phần lớn vào quá trình sinh trưởng của trẻ, lượng vitamin D và sức khỏe của xương. Một số kết cục dinh dưỡng có hại đã được ghi nhận ở những trẻ được uống sữa từ thực vật thay thế sữa bò [1]. Bài viết nhằm hỗ trợ bác sĩ thực hành đánh giá những khía cạnh dinh dưỡng của sữa có nguồn gốc từ thực vật so với sữa bò .

Sữa là gì?

Dựa trên những quan điểm y khoa và dinh dưỡng, sữa nên được quy định là:

  1. Chế phẩm sữa theo quy định hiện hành của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) hoặc
  2. Chế phẩm cung cấp giá trị dinh dưỡng tương đương sữa tiêu chuẩn

FDA quy định sữa và các chế phẩm liên quan đến sữa dựa trên nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng. Thông thường, sữa từ thực vật thường được đóng gói và dãn nhãn tương tự sữa bò. Đa số được dán nhãn là sữa hoặc sữa đi kèm với tên thực vật như sữa gạo, sữa hạnh nhân… mà không được dán nhãn là đồ uống thông thường. Thành phần của sữa thực vật thường không giống với sữa bò (ngoài trừ sữa đậu nành và các chế phẩm làm từ đậu Hà Lan) [1]. Bảng 1 cung cấp thông tin về những khác biệt trong thành phần dinh dưỡng của sữa bò và sữa thực vật.

Bảng 1. Thông tin dinh dưỡng có trong sữa bò và các loại sữa thực vật phổ biến

Vai trò của các chế phẩm từ sữa trong chế độ ăn của trẻ

Sữa mẹ được xem là lựa chọn tốt nhất cho nhũ nhi, tuy nhiên vẫn có nhiều nhũ nhi được nuôi dưỡng bằng sữa công thức vì sự lựa chọn của người mẹ hoặc vì nhiều lý do khác. Sữa mẹ hoặc sữa công thức cho nhũ nhi (thường chứa sữa bò) nên là thực phẩm duy nhất mà trẻ tiêu thụ trong 4 – 6 tháng đầu đời. Đối với nhũ nhi không được uống sữa mẹ, sữa công thức có bổ sung sắt nên được lựa chọn trong chế độ ăn của trẻ 1 năm tuổi. Nghiên cứu dịch tễ cho thấy việc tiêu thụ các chế phẩm làm từ sữa có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, làm tăng chiều cao dân số và bổ sung những thành phần dinh dưỡng quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển. Theo kết quả của 2 nghiên cứu Feeding Infatns and Toddlers Study (FITS) và National Health and Nutrition Examination Study (NHANES) tại Hoa Kỳ, sữa bò có vai trò quan trọng trong chế độ ăn của trẻ trong thời kỳ đi chập chững (toddlers) về cả yếu tố đa lượng lẫn vi lượng [3 – 5]. Nghiên cứu khác từ các quốc gia Châu Âu cũng ghi nhận kết quả tương tự. Đây chính là bằng chứng về tầm quan trọng của sữa bò đối với trẻ [6 – 10 ].

Lượng protein mà sữa cung cấp cho trẻ là rất quan trọng. Tiêu chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ/Tổ chức Y tế Thế giới (FAO/WHO) để đánh giá chất lượng protein trong sữa công thức của nhũ nhi là Digestible Indispensable Amino Acid Score – DIAAS, trong khi đó tiêu chuẩn của FDA dựa trên chỉ số Protein Digestibility Corrected Amino Acid Score (PDACCS) và Protein Efficiency Ratio (PER). Dựa trên những thông tin hiện có, giá trị PER tương đối so với sữa bò hoặc protein chính trong sữa bò (casein) đối với một số loại sữa thực vật như sau: đậu nành 80%, yến mạch 72%, dừa và gai dầu 66%, gạo 60%, đậu Hà Lan 57% và hạnh nhân 16%. Dựa trên chỉ số PER và hàm lượng protein có trong sữa thực vật, có thể ước lượng tương đương protein có trong 240 mL của các loại sữa này so với sữa bò (ví dụ đậu nành là 60%, yến mạch 36%...). Mặc dù có thể bổ sung amino acid và protein vào trong sữa thực vật, tuy nhiên cách này lại tiêu tốn thêm chi phí trong việc điều chỉnh mùi vị và hương liệu [1] .

Một số tác động bất lợi của sữa thực vật

Một số trẻ không dung nạp protein có trong sữa bò có thể bị viêm ruột khi được uống sữa đậu nành. Với bằng chứng hiện có, điều này cũng có thể xảy ra nếu cho trẻ uống thức uống từ các loại thực vật khác. Chính vì lý do này, Hiệp hội Tiêu hóa – Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu (European Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition – ESPGHAN) khuyến cáo nên lựa chọn sữa công thức protein thủy phân hoặc sữa công thức amino acid cho trẻ trong năm đầu đời hoặc lâu hơn nếu trẻ bị ứng sữa bò [1].

Đã có một vài báo cáo về tác động của sữa thực vật đối với sự sinh trưởng và trạng thái dinh dưỡng của trẻ. Vào năm 2017, có hơn 30 trường hợp nhũ nhi và trẻ em bị suy dinh dưỡng liên quan đến sữa thực vật được báo cáo. Trong đó, những ảnh hưởng của sữa thực vật được ghi nhận bao gồm chậm phát triển, kém tăng cân, suy dinh dưỡng protein – năng lượng (protein calorie malnutrition), phù nề (kwashiorkor) và các biểu hiện khác có thể dẫn đến sinh trưởng và phát triển kém về sau. Những ảnh hưởng liên quan đến các yếu tố dinh dưỡng vi lượng bao gồm thiếu hụt vitamin A, nồng độ vitamin D thấp, còi xương, bệnh scorbut và thiếu máu thiếu sắt. Đặc biệt sữa đậu nành liên quan đến còi xương, sữa gạo liên quan đến phù (kwashiorkor) và hạnh nhân liên quan đến còi xương và bệnh scorbut. Đa số các báo cáo đều cho thấy trẻ được uống các loại đồ uống từ thực vật này đều không đạt các nhu cầu dinh dưỡng (đặc biệt là protein). Ngoài những thiếu hụt dinh dưỡng, sữa hạnh nhân còn có thể liên quan đến rối loạn chuyển hóa và rối loạn điện giải bao gồm huyết niệu (hematuria) kèm sỏi thận, nhiễm kiềm chuyển hóa và tăng oxalat niệu (hyperoxaluria). Sữa hạnh nhân và sữa đậu nành cũng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị sâu răng [1] .

Một số khuyến cáo

Bác sĩ nên đánh giá “sữa” mà trẻ được uống khi xem xét chế độ ăn của trẻ. Nếu sữa không phải là sữa mẹ, sữa bò hoặc sữa công thức từ sữa bò hoặc sữa đậu nành thì cần phải khai thác thêm thông tin từ gia đình và đưa ra những khuyến cáo phù hợp với tình trạng và độ tuổi của trẻ. NASPGHAN đồng thuận với ESPGHAN về khuyến cáo cho trẻ uống sữa công thức dành cho nhũ nhi trong 1 năm đầu đời hoặc lâu hơn nên trẻ không uống được sữa mẹ hoặc sữa bò vì dị ứng.

Với những bằng chứng hiện có, có thể tạm thời cho rằng sữa hạnh nhân, sữa gạo, sữa dừa, sữa hạt gai dầu, sữa hạt lanh và hạt điều đều không phù hợp để thay thế sữa bò ở trẻ đang trong giai đoạn đi chập chững (toddler) và trẻ nhỏ, khi mà sữa vẫn là một phần quan trọng trong chế độ ăn. Sữa đậu Hà Lan và sữa yến mạch có thể là lựa chọn hợp lý hơn cho những trẻ cần chế phẩm thay thế sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuy nhiên phải xét đến thành phần dinh dưỡng của sản phẩm (bao gồm calo, protein, vitamin và khoáng chất, và sinh khả dụng của các dưỡng chất bổ sung). Khi sữa thực vật được bổ sung vào chế độ ăn của trẻ (nhưng không phải là nguồn sữa chính) thì thành phần dinh dưỡng không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Trường hợp sữa thực vật được xem như nguồn sữa chính trong chế độ ăn của trẻ lớn hơn thì cần phải chú trọng lên kế hoạch ăn uống có cả các thực phẩm bổ sung protein, calci, sắt, vitamin B – 12 và vitamin D [1].

Bàn luận

Ngoài việc nhận biết những thực phẩm nên và không nên bổ sung trong chế độ ăn của trẻ, việc nhận biết và đánh giá nhãn của các loại thực phẩm cũng là một thách thức đối với bố mẹ và các nhà thực hành lâm sàng. Vì vậy, bên cạnh những kiến thức về dinh dưỡng, thì nhãn thực phẩm cũng cần phải rõ ràng để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn dựa trên thành phần, nguồn gốc thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và vai trò của thực phẩm trong việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.


Tài liệu tham khảo

  1. Russell J. Merritt, Sarah E. Fleet et al. North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition Position Paper: Plantbased Milks. 2020;71(2):276-281. DOI: 10.1097/MPG.0000000000002799.
  2. FoxMK, Reidy K, Novak T, et al. Sources of energy and nutrientsinthe diets of infants and toddlers. J Am Diet Assoc. 2006;106(1 Suppl 1):S28–42.
  3. Grimes CA, Szymlek-Gay EA, Nicklas TA. Beverage consumption among U.S. children aged 0-24 months: National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES). Nutrients. 2017;9:pii: E264.
  4. Drewnowski A. The contribution of milk and milk products to micronutrient density and affordability of the U.S. diet. J Am Coll Nutr. 2011;30:422S–8S.
  5. Royo-Bordonada MA, Gorgojo L, de Oya M, et al. Food sources of nutrients in the diet of Spanish children: the Four Provinces Study. Br J Nutr. 2003;89:105–14.
  6. Farre Rovira R. Milk and milk products: food sources of calcium. Nutr Hosp. 2015;31(Suppl 2):1–9.
  7. Goldbohm RA, Rubingh CM, Lanting CI, et al. Food consumption and nutrient intake by children aged 10 to 48 months attending day care in the Netherlands. Nutrients. 2016;8:pii: E428.
  8. Vennemann FB, Ioannidou S, Valsta LM, et al. Dietary intake and food sources of choline in European populations. Br J Nutr. 2015;114:2046–55.
  9. Huybrechts I, Bornhorst C, Pala V, et al., IDEFICS Consortium. Evaluation of the Children’s Eating Habits Questionnaire used in the IDEFICS study by relating urinary calcium and potassium to milk consumption frequencies among European children. Int J Obes (Lond). 2011;35 Suppl 1:S69–78.
  10. Hennessy A, Browne F, Kiely M, et al. The role of fortified foods and nutritional supplements in increasing vitamin D intake in Irish preschool children. Eur J Nutr. 2017;56:1219–31.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top