Uống nhiều nước ngọt có đường có thể tăng nguy cơ suy tim

Đã có nhiều nghiên cứu về tác động của nước ngọt có đường lên sức khoẻ, nhưng cho đến nay người ta mới chỉ ra mối tương quan giữa nước ngọt có đường và suy tim.

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2004 cho thấy thanh thiếu niên tiêu thụ trung bình 300 calo một ngày từ nước ngọt có đường, chiếm khoảng 13% lượng calo hấp thụ hàng ngày.

Vì sự phổ biến của nước ngọt có đường trong chế độ ăn hàng ngày và tác hại tiềm tàng của nó với sức khỏe nên vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn nữa.

Việc sử dụng đồ uống có đường có liên quan đến các thay đổi trong huyết áp, nồng độ insulin, glucose, protein phản ứng C và cân nặng. Nước ngọt có đường cũng làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, hội chứng trao đổi chất, bệnh tim mạch vành và đột quỵ.

Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy người uống từ 1-2 lon nước ngọt có đường mỗi ngày có nguy cơ bị tiểu đường type 2 lớn hơn 26% so với người ít uống loại nước này.

Một nghiên cứu khác, được tiến hành trong 22 năm bao gồm 80.000 phụ nữ cho thấy người uống một lon nước ngọt có đường có nguy cơ bị gút cao hơn 75% so với người ít uống loại nước này.

Theo một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi tiến sĩ Susanna Larsson thuộc Viện Y học Môi trường ở Stockholm, Thụy Điển, suy tim có thể gia nhập danh sách các tác hại của nước ngọt có đường.

 

Đại dịch suy tim

Suy tim theo định nghĩa của Viện Tim Quốc gia (Mỹ) là một tình trạng mà “tim không bơm đủ máu để đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.”

Suy tim ảnh hưởng đến 23 triệu người trên toàn thế giới. Đáng lo ngại là số người bị suy tim dường như đang tăng lên, đặc biệt ở đàn ông và người cao tuổi. Tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân suy tim chỉ là 50% trong 5 năm và 10% trong 10 năm.

Xu hướng gia tăng này được gọi là một “đại dịch tim mạch có tiềm năng trở thành khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu.” Tuy nhiên, các nghiên cứu về mối tương quan giữa suy tim và các yếu tố dinh dưỡng vẫn còn tương đối ít.

Hiện mới chỉ có khoảng 20 nghiên cứu quan sát về mối tương quan giữa dinh dưỡng và suy tim, và phần lớn trong số các nghiên cứu này mới chỉ tìm hiểu mối tương quan giữa suy tim và chế độ ăn lành mạnh thay vì đánh giá tác động tiêu cực của chế độ ăn. Nghiên cứu mới của tiến sĩ Larsson được công bố trên tạp chí Tim, với hy vọng làm sáng tỏ các nguyên nhân có thể gây ra suy tim.

Uống nhiều hơn hai lon nước ngọt mỗi ngày làm tăng 23% nguy cơ suy tim

Những người tham gia nghiên cứu được lấy từ Nhóm Đàn ông Thụy Điển. Những người này đều sống ở Thụy Điển gồm 48.850 đàn ông đã hoàn thành một bảng khảo sát về một vài các thông số như hoạt động thể chất, chế độ ăn, đặc điểm nhân trắc và nhiều yếu tố sinh hoạt khác.

Trước khi tiến hành phân tích, nhóm nghiên cứu đã loại bỏ một số cá nhân bị ung thư và mắc các vấn đề tim mạch. Số người đủ tiêu chuẩn tham gia còn lại chỉ là 42.400 người và được theo dõi trong 12 năm.

Câu hỏi trong bảng khảo sát là: “Bạn uống bao nhiêu nước ngọt có đường hoặc nước ép hoa quả có đường mỗi ngày hoặc mỗi tuần?” Nước ép hoa quả không được đưa vào định nghĩa về đồ uống có đường.

Kết quả cho thấy người uống ít nhất hai lon nước ngọt có đường mỗi ngày có nguy cơ bị suy tim cao hơn 23% so với người không uống.

Mối tương quan này vẫn tồn tại sau khi đã loại bỏ các yếu tố gây nhiễu như hút thuốc, lượng cafein hấp thụ, cân nặng, khối lượng hoạt động thể chất mỗi ngày, tiểu đường, cao huyết áp, số hoa quả và thịt chế biến sẵn được tiêu thụ.

Nghiên cứu trên bổ sung thêm một bằng chứng đáng tin cậy về tác hại của nước ngọt có đường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top