✴️ Hướng dẫn sử dụng thuốc Terbutaline

Nội dung

Nhóm thuốc: Thuốc tác dụng trên đường hô hấp

1. Tác dụng của Terbutaline

Thông qua sự kích thích có chọn lọc thụ thể bêta-2, Terbutaline sulfate làm giãn phế quản và giãn cơ tử cung. Terbutaline làm tăng sự giảm thanh thải hệ thống lông chuyển nhầy trong bệnh phổi tắt nghẽn và vì thế làm cho sự vận chuyển các chất tiết nhầy dễ dàng hơn. Tác động giãn phế quản của terbutaline khi tiêm dưới da xảy ra trong vòng 5 phút và tác động tối đa đạt được sau khoảng 30 phút.

2. Chỉ định của Terbutaline

Giảm co thắt trong hen phế quản và trong viêm phế quản mãn, khí phế thủng và các bệnh phổi khác có kèm co thắt phế quản.

Dọa sinh non.

3. Liều lượng – cách dùng của Terbutaline

Liều dùng của Terbutaline sulfate tùy thuộc vào từng cá nhân. 

Co thắt phế quản: 

Người lớn: Tiêm dưới da: nửa ống 1ml (0,5ml=0,25mg)/lần có thể lên đến 4 lần/ngày. Trong tình trạng bệnh nặng hơn có thể dùng 1 ống 1ml (=0,5mg)/lần. 

Tiêm tĩnh mạch: 0,25-0,5mg tiêm chậm trong vòng 5 phút. Liều có thể lặp lại sau những khoảng thời gian vài giờ.

Trẻ em:

Tiêm dưới da: 5mcg/kg thể trọng/lần (0,01ml/kg thể trọng/lần) tiêm 4 lần/ngày = 20mcg/kg thể trọng/ngày. Trong tình trạng bệnh nặng hơn có thể dùng 10mcg/kg thể trọng/lần (0,02ml/kg thể trọng/lần). 

Truyền tĩnh mạch: việc điều trị bắt đầu bằng việc truyền tĩnh mạch nhỏ giọt với liều 2,5mcg/phút. Trong tình trạng bệnh rất nặng liều có thể tăng lên đến 5mcg/phút. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh, có thể truyền cách khoảng hoặc liên tục, có thể phối hợp đồng thời với cách truyền thông thường. 

Dọa sinh non: 

Liều tùy thuộc từng cá nhân và được giới hạn bằng sự tăng nhịp tim và thay đổi huyết áp. Phải theo dõi chặt chẽ hai thông số này trong khi điều trị. Trong giờ đầu tiên truyền liều 10 mcg/phút (=40giọt/phút theo hướng dẫn pha loãng). Nếu các cơn co thắt không ngừng, liều có thể tăng lên từng bậc 5mcg/phút (= 20giọt/phút theo hướng dẫn pha loãng) mỗi 10 phút nhưng đến tối đa là 25mcg/phút (100 giọt/phút theo hướng dẫn pha loãng). Sau đó, liều có thể giảm từng bậc 5mcg/phút nửa giờ một lần cho đến khi đạt được liều duy trì, là liều thấp nhất có thể dùng mà không xảy ra lại các cơn co thắt. Ðiều trị bằng đường truyền tĩnh mạch thường kéo dài tối thiểu 8 giờ, sau đó điều trị duy trì bắt đầu bằng 1 viên nén 5 mg hoặc 17 ml dung dịch uống, dùng 3 lần/ngày. Tiếp tục điều trị bằng đường uống đến cuối tuần thứ 36.

4. Chống chỉ định của Terbutaline

Quá mẫn với terbutaline hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5. Thận trọng 

Trong các trường hợp bệnh tim mạch nặng, bệnh nhiễm độc giáp không được kiểm soát và giảm kali máu không được điều trị.

Khi dùng Terbutaline sulfate trong điều trị dọa sinh non, có nguy cơ hình ảnh trên lâm sàng giống như phù phổi, đặc biệt trong trường hợp song thai, nếu thời gian truyền quá 24 giờ, thể tích truyền quá 2L và dùng đồng thời với glucocorticoid. Trong điều trị cấp bệnh hen có thể làm giảm thêm áp lực oxy. Giảm kali máu có thể xảy ra sau khi điều trị bằng chất chủ vận bêta-2 và có thể trầm trọng hơn khi điều trị đồng thời với các dẫn xuất xanthine, steroid hoặc thuốc lợi tiểu và trong tình trạng giảm oxy. Nên theo dõi nồng độ kali trong huyết thanh ở những bệnh nhân có nguy cơ, đặc biệt khi điều trị hen nặng bằng liều cao Terbutaline sulfate. Khi bắt đầu điều trị Terbutaline sulfate ở các bệnh nhân tiểu đường, nên theo dõi thêm mức đường huyết vì khi điều trị bằng các chất chủ vận bêta-2 sẽ làm tăng nguy cơ tăng đường huyết. Ở bệnh nhân tiểu đường đang mang thai, chú ý đặc biệt đến nguy cơ tăng đường huyết và nhiễm ketoacid. Vì vậy, có thể phải điều chỉnh liều insulin. Tác động lên khả năng lái xe và vận hành máy: Terbutaline sulfate không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy.

– Lúc có thai: Nguy cơ khi dùng thuốc trong thời gian mang thai vẫn chưa được biết. Giảm đường huyết thoáng qua đã được ghi nhận ở trẻ sơ sinh và trẻ sinh non khi người mẹ đã được điều trị bằng các chất kích thích bêta-2.

– Lúc nuôi con bú: Terbutaline sulfate bài tiết qua sữa mẹ nhưng không ảnh hưởng trên nhũ nhi ở các liều điều trị.

6. Tương tác thuốc

Các thuốc chẹn thụ thể bêta, đặc biệt là các chất chẹn thụ thể bêta không chọn lọc, có thể ức chế một phần hoặc toàn bộ tác động của các chất kích thích thụ thể bêta. Giảm kali máu có thể xảy ra khi dùng đồng thời với các dẫn xuất xanthine, steroid và thuốc lợi tiểu.

Terbutaline tương tác với:

  • Halothane: Có hai trường hợp báo cáo gợi ý rằng terbutaline có thể làm loạn nhịp tim khi gây mê bằng halothane. Khi kết hợp với thuốc này cần phải điều chỉnh liều.
  • Ipratropium: Có sáu trường hợp được ghi nhận gây ra glaucom góc hẹp khi điều trị đồng thời với salbutamol và ipratropium đường hít (nebuliser) cho bệnh nhân hen.

Cơ chế tác động của terbutaline có thể giống salbutamol. Do đó sự kết hợp hai thuốc này không được khuyến cáo ở những bệnh nhân có khuynh hướng dễ mắc bệnh. 5mg (2 ống 5ml) có thể pha vào 1000ml dung dịch glucose hoặc dung dịch đường nghịch biến. Do đó, 40 giọt dịch truyền chứa 10 mcg terbutaline. Tránh dùng dung dịch nước muối sinh lý để pha dịch truyền dùng cho phụ nữ có thai vì có thể tăng nguy cơ phù phổi trong sinh non.

Terbutaline sulfate có thể pha với các dịch truyền sau: glucose 55mg/ml, dung dịch đường nghịch biến 100mg/ml, natri chloride, dung dịch Ringer và Refundex. Nồng độ thông thường là 5mg (2 ống 5ml) trong 1000ml dung dịch, như vậy 10 giọt dịch truyền/ phút tương ứng với 2,5mcg/phút và 20 giọt dịch truyền/phút tương ứng với 5mcg/phút. Dung dịch chuẩn bị để truyền phải được sử dụng trong vòng 12 giờ. Terbutaline sulfate không được pha vào các dung dịch kiềm. Terbutaline sulfate có thể pha vào các chai dịch truyền bằng thủy tinh và các túi dịch truyền bằng PVC.

7. Tác dụng phụ

7.1. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất

Các tác dụng ngoại ý thường gặp nhất là run và đánh trống ngực. Các tác dụng ngoại ý này tùy thuộc vào liều dùng và thường chỉ thoáng qua. Khi mới dùng thuốc, tối thiểu 50% bệnh nhân có tác dụng ngoại ý rung cơ.

 Thường gặp (> 1/100):

Toàn thân: nhức đầu.

Hệ tuần hoàn: đánh trống ngực.

Hệ thần kinh trung ương: bồn chồn.

Hệ cơ xương: run, vọp bẻ/chuột rút bàn tay hoặc bàn chân.

Hiếm gặp (< 1/1000):

Da: mề đay, ngoại ban.

Chuyển hóa: giảm kali máu.

Tâm thần: rối loạn giấc ngủ và hành vi.

7.2. Trong điều trị doạ sinh non

Trong một nghiên cứu trên 330 bệnh nhân, 9 bệnh nhân (2,7%) phải ngưng điều trị do các tác dụng ngoại ý có liên quan đến terbutaline.

Thường gặp (>1/100):

Toàn thân: nhức đầu.

Tuần hoàn: đánh trống ngực.

Hệ thần kinh trung ương: bồn chồn.

Chuyển hóa: tăng đường huyết, giảm kali máu.

Hệ cơ xương: run, vọp bẻ/chuột rút bàn tay hoặc bàn chân.

 Hiếm gặp (< 1/1000):

Hệ tuần hoàn: hình ảnh trên lâm sàng giống phù phổi, tăng khuynh hướng chảy máu tử cung khi mổ bắt con.

8. Quá liều

Ðộc tính:

Trẻ em ≤ 1 tuổi: liều 2mg không gây ra triệu chứng gì. Trẻ em trên 1 tuổi đến 4 tuổi: liều 5-10 mg gây nhiễm độc nhẹ, liều 10-30mg gây nhiễm độc từ nhẹ đến trung bình, và liều 30-45mg gây nhiễm độc trung bình.

Ở người lớn: liều 250mg gây nhiễm độc mức độ trung bình sau khi rửa dạ dày, liều 350mg gây nhiễm độc từ trung bình đến nặng sau khi rửa dạ dày, liều 1,35mg tiêm dưới da ở trẻ em 1 tuổi và liều 1,75mg tiêm dưới da ở người lớn có thể gây nhịp tim nhanh.

Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, nhức đầu, bồn chồn, kích động, run, ngủ gà, có thể xảy ra co giật. Nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp trên thất, hồi hộp, có thể làm tăng hoặc hạ huyết áp. Nhiễm axit chuyển hóa, tăng đường huyết và giảm kali huyết. Trong những trường hợp trầm trọng có thể xảy ra tiêu cơ vân và suy thận.

Xử trí: Khi quá liều xảy ra, phải điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Khi có trường hợp quá liều, phải luôn liên lạc với bệnh viện và bác sỹ.

9. Bảo quản

Ống tiêm nên được bảo quản ở nhiệt độ không quá 25 độ C và tránh ánh sáng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top