Trên thị trường hiện nay không khó để tìm thấy các loại thuốc giúp tăng cường chức năng và giải độc gan. Thuốc gan được phân thành 2 loại chính như sau:
Nhóm chiết xuất từ thành phần thảo dược, dược liệu như Silymarin, Biphenyl dimethyl dicarboxylate, Silibinin,...;
Nhóm các hợp chất tổng hợp bao gồm Essential, Methionine, Cianidanol, Flumeciol,...
Cụ thể các thuốc gan này có công dụng như sau:
Silymarin và Silibinin: đây là hai loại thuốc hoạt động theo cơ chế duy trì và ổn định chức năng tế bào gan, kích thích nhu mô gan tái tạo. Vì vậy các thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp cần bảo vệ gan khi bệnh nhân dùng các thuốc có hại cho gan;
Biphenyl dimethyl dicarboxylate: thuốc này giúp ngăn ngừa tình trạng gan bị tổn thương do hấp thụ các chất độc chứa trong bia rượu hoặc do thuốc, đồng thời giúp kiểm soát chỉ số men gan. Thuốc được dùng để hỗ trợ cải thiện các bệnh viêm gan do bia rượu, do virus, do gan nhiễm mỡ hoặc do tác dụng phụ của thuốc;
Essential (dạng tiêm): công dụng chính của thuốc là cải thiện chức năng gan và phù hợp dùng cho các trường hợp viêm gan cấp tính/mạn tính, gan bị thoái hóa mỡ, tổn thương gan do mắc các bệnh lý về gan, hay xơ gan giai đoạn đầu;
Methionin: là thuốc dùng cho các tình trạng gan bị ngộ độc do thuốc, ban xuất huyết, thiếu máu thứ phát, ăn uống thiếu chất đạm hoặc bệnh nhân bị suy dinh dưỡng;
Cianidanol: công dụng của thuốc là trung hòa các gốc tự do, tăng cường hàm lượng ATP trong gan, ổn định màng tế bào gan và tăng đáp ứng miễn dịch. Cianidanol phát huy hiệu quả trong trường hợp bệnh nhân bị gan do rượu, viêm gan do virus hoặc nhiễm độc gan cấp tính;
Flumeciol: đây là một chất cảm ứng enzyme giúp loại thải độc tố từ thuốc hay hóa chất ra khỏi gan. Thuốc phù hợp với các trường hợp như phòng ngừa chứng vàng da ở trẻ sơ sinh, viêm gan do ngộ độc thuốc.
Thực tế có không ít người bệnh mặc dù đã sử dụng thuốc bổ gan trong thời gian dài nhưng hiệu quả không mấy khả quan thì có thể là do các nguyên nhân sau:
Dùng thuốc gan không theo chỉ định: có nhiều loại thuốc bổ gan chỉ có tác dụng là cải thiện triệu chứng như giảm ngứa, mề đay, mụn nhọt, giúp bệnh nhân ngủ sâu ăn ngon nhưng không có tác dụng điều trị tận gốc. Vì vậy trước tiên người bệnh hãy đi thăm khám cẩn thận để được bác sĩ tư vấn nên dùng thuốc nào cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình;
Thải độc gan bằng thuốc lợi tiểu: không hiếm bệnh nhân cho rằng các chất độc trong gan sẽ được thải loại qua đường nước tiểu nên đã tăng cường bổ sung thuốc lợi tiểu. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm vì bệnh nhân khi sử dụng các thuốc này sẽ chỉ đi tiểu nhiều hơn, từ đó làm tăng áp lực cho thận, lâu ngày có thể gây suy thận mà không giúp bổ gan;
Các thuốc bổ gan chỉ có tác dụng bổ trợ nên không thay thế hoàn toàn được các thuốc đặc trị. Do đó thuốc bổ gan thường sẽ được bác sĩ chỉ định khi bệnh về gan đã được điều trị ổn định. Khi chức năng gan đã hồi phục thì bệnh nhân nên ngừng thuốc;
Dùng thuốc gan nhưng vẫn thoải mái uống nhiều bia rượu: nhiều người quan niệm thuốc bổ gan sẽ thải bỏ hết độc tố nên uống bao nhiêu rượu bia cũng sẽ không ảnh hưởng gì. Nếu cứ tiếp tục duy trì thói quen này sẽ khiến cho bệnh tình trở nên xấu đi và mãi mãi không chữa được bệnh;
Đối với bệnh nhân bị suy yếu chức năng gan nhưng không phải do bệnh lý thì có thể tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn chế phẩm bồi bổ gan phù hợp. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc thải độc gan, bổ gan hay hạ men gan,... khi chưa được thăm khám và chẩn đoán bệnh.