✴️ Cây Ô rô

Nội dung

Cây Ô rô là vị thuốc quý đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Dược liệu này có khả năng chữa chứng vàng da do gan, đau nhức xương khớp do phong thấp, trị hen suyễn, rong huyết, ứ huyết,…

Cây ô rô

Cây ô rô là vị thuốc quý, thuộc họ Ô rô (danh pháp khoa học: Acanthaceae)

  • Tên gọi khác: Ô rô hoa nhỏ, ô rô gai, sơn ngưu bàng, dã hồng hoa, ô rô hoa trắng,…

  • Tên khoa học: Acanthus ebracteatus

  • Họ: Ô rô (danh pháp khoa học: Acanthaceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Ô rô là cây thân nhỏ, chiều cao trung bình từ 1 – 1.5m. Thân cây tròn và không có lông, lá mọc đối xứng, mép là có răng cưa sắc nhọn, phiến lá không có lông. Hoa nở quanh năm, mọc ở đầu cành, tràng hoa màu trắng, các màng hoa mọc đối xứng. Quả nang, chiều dài khoảng 2cm, có khoảng 4 hạt bên trong.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây.

3. Phân bố

Cây ô rô phân bố ở Nam Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

4. Thu hái – sơ chế

Có thể thu hái quanh năm. Dùng tươi hoặc đem phơi cho khô và dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô thoáng.

6. Thành phần hóa học

Cây ô rô có chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm:

  • Tanin

  • Alcaloid

  • Chất nhờn

  • Triterpenoidal saponin

 

Vị thuốc ô rô

1. Tính vị

Cây có vị hơi mặn, tính mát. Rễ có vị mặn chua, hơi đắng và tính hàn.

2. Qui kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý và chủ trị

Theo y học hiện đại:

  • Toàn cây có khả năng tăng hưng phấn, trị tê bại, ho đờm, đau nhức cơ thể và hen suyễn.

Theo Đông y:

  • Cây có tác dụng tiêu sưng, hạ khí, tan máu ứ, tiêu đờm và giảm đau.

  • Rễ có khả năng tiêu viêm, lợi tiểu và làm long đờm.

Chủ trị:

  • Ở Cà Mau, nhân dân dùng lá và rễ trị thủy thũng, thấp khớp, đái dắt và đái buốt.

  • Đọt ô rô được dùng để trị đau gan.

  • Lá và rễ được sử dụng để chữa các bệnh về đường ruột.

  • Ở Trung Quốc, rễ của cây được dùng để trị bệnh hạch bạch huyết, gan lách sưng to, đau dạ dày, u ác tính và hen suyễn.

4. Cách dùng – liều lượng

Cây ô rô thường được dùng ở dạng sắc uống, mỗi ngày dùng từ 30 – 60g.

 

Một số bài thuốc từ dược liệu ô rô

Ô rô

Ô rô được dùng để trị đau nhức xương khớp, hen suyễn, táo bón,…

1. Bài thuốc chữa vàng gan, đau gan và trúng độc

  • Chuẩn bị: Vỏ cây quao nước 500g, ô rô 500g.

  • Thực hiện: Đem các vị cắt nhỏ, sao vàng sau đó cho vào thùng nhôm. Đổ 3l nước vào nấu còn lại 1 lít, sau đó lọc lấy nước đầu tiên. Đổ thêm 2l nước vào và đun thêm lần 2, lấy 500ml, lọc lấy nước thứ 2. Trộn 2 thứ nước lại, gia thêm 400g đường trắng. Đem nấu cho cô đặc thành 1l. Ngày dùng 2 thìa canh thuốc.

2. Bài thuốc chữa hen suyễn và ho dòm

  • Chuẩn bị: Thịt lợn nạc 60 – 120g, ô rô 30g, nước 500ml.

  • Thực hiện: Đem ô rô thái nhỏ và ninh lửa nhỏ với nước và thịt lợn đến khi còn 150ml nước. Chia thành 2 lần và dùng hết trong ngày.

3. Bài thuốc chữa tê bại, đau lưng, nhức xương và thấp khớp

  • Chuẩn bị: Canh châu 20g, quế chi 4g, rễ ô rô 30g với rễ cây kim váng 8g.

  • Thực hiện: Đem các vị thái nhỏ, sau đó tẩm rượu sao vàng. Đổ thêm nước vào sắc, chia thành 2 lần và uống khi đói.

4. Bài thuốc chữa táo bón và nước tiểu vàng

  • Chuẩn bị: Lá muống trâu 18g, vừng đen 20g với rễ ô rô 30g.

  • Thực hiện: Vừng giã nát, 2 vị còn lại thái nhỏ, trộn đều và sắc lấy nước uống.

5. Bài thuốc chữa ứ huyết

  • Chuẩn bị: Lá tràm 20g với rễ ô rô 30g.

  • Thực hiện: Đem sắc uống.

6. Bài thuốc chữa rong huyết

  • Chuẩn bị: Bổ hoàng sao cháy tồn tính 20g, rễ ô rô 30g đem thái nhỏ và sao với giấm cho cháy đen, hoa kinh giới 18g sao cháy tồn tính.

  • Thực hiện: Sắc mỗi ngày 1 thang, dùng nhiều ngày để có kết quả.

 

Các lưu ý khi áp dụng cách chữa từ cây ô rô

Phụ nữ mang thai và người đang điều trị các vấn đề sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Bài viết đã cung cấp một số thông tin cơ bản về dược liệu ô rô. Trước khi thực hiện, bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác minh độ hiệu quả của những bài thuốc này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top