✴️ Chìa vôi

Nội dung

Từ lâu đời, cây chìa vôi đã được biệt đến là một trong những loại dược liệu có nhiều tác dụng dược lý. Đặc biệt là có thể đáp ứng được với các triệu chứng của bệnh lý xương khớp như phong tê thấp, thoát vị đĩa đệm,… Ngoài ra, nó còn được dùng để chữa mụn nhọt, sưng nề, rắn cắn, ong đốt…

hình ảnh cây chìa vôi

Chìa vôi là dược liệu xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian từ rất lâu đời

  • Tên khác: Bạch phấn đằng, dây chìa vôi, bạch liễm, hồ đắng.

  • Tên khoa học: Cissus repens Lam

  • Họ: Nho (Vitaceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Chìa vôi là loại cây dây leo, dài khoảng từ 2 – 4m hoặc hơn. Thân cây có màu lục, thường pha lơ nhạt hoặc tía, hơi có khía và bên ngoài phủ phấn trắng. Trên thân mọc các tua cuốn đơn, đối diện với lá.

Lá mọc so le nhau, có phần đầu nhọn, gốc hình tim, gân hình chân vịt, rộng khoảng 6 – 8cm. Lá gốc gần như nguyên, phần mép có răng, mặt trên lá xẻ sâu thành 5 – 7 thùy. Phần thùy có răng cưa, hình mác hẹp dài, mặt dưới hơi trắng còn mặt trên thì có màu xanh lục sẫm. Phần cuống lá khá to và dày.

Hoa chìa vôi có màu vàng nhạt, mọc thành ngù đối diện với lá nhưng ngắn hơn. Đài hoa có hình chén hoặc hình đấu với 4 răng nhỏ, tràng có 4 cánh, nhị 4, bao phấn tròn và bầu nhẵn. Mùa hoa vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6.

Quả của cây có hình nang tròn, to khoảng 5 – 6 mm, khi chín sẽ có màu đen. Mùa kết trái ở vào khoảng tháng 5 đến tháng 10. Phần củ có hình tròn, to cỡ quả trứng gà, phía hai đầu có dánh hơi nhọn. Phía ngoài củ màu đen nhưng bên trong trắng và một số củ thường sẽ dính liền với gốc cây.

2. Cây chìa vôi có mấy loại

Cây chìa vôi có khá nhiều loại, điển hình như chìa vôi bốn cạnh, chìa vôi bò, chìa vôi Java. Chính vì thế mà bạn cần nắm rõ đặc điểm của loại dược liệu dùng làm thuốc như đã phân tích ở trên. Loại chìa vôi không có tác dụng chữa bệnh thường sẽ có lá nguyên, hình tam giác và mọc so le nhau.

3. Bộ phận dùng

Cả phần rễ củ, dây và lá chìa vôi đều được tận dụng để làm vị thuốc.

4. Phân bố

Dược liệu này phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Riêng khu vực châu Á, thường gặp nhất là ở Việt Nam, miền Nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan và một số quốc gia khác.

Ở Việt Nam, loại cây này được tìm thấy ở rải rác các tỉnh trung du và đồng bằng. Ở vùng núi thường ít gặp hơn. Cây thường mọc lẫn ở trong các gò đống, lùm bụi hay bờ nương rẫy.

5. Thu hái và sơ chế

Dược liệu có thể được thu hái quanh năm, những thời điểm thích hợp nhất là vào mùa thu đông. Tất cả các phần lá, thân, rễ đều có thể dùng làm vị thuốc với nhiều hình thức sơ chế khác nhau.

Đối với dây lá sau khi thu hái sẽ đem cắt ngắn, rửa sạch và sao nóng rồi phơi khô. Mỗi khi dùng thường đem ra tẩm với rượu và sao lại hoặc ngâm trực tiếp với nước vo gạo.

Đối với phần củ thì đào về rồi tiến hành rửa sạch đất cát bên ngoài. Sau đó ngâm nước qua đêm cho mềm rồi thái mỏng và phơi khô. Trước khi dùng sẽ đem ngâm trực tiếp với nước vo gạo.

6. Bảo quản

Dươc liệu sau khi đã được sơ chế khô cần bảo quản ở trong túi kín và để những nơi khô ráo, thông thoáng. Tránh ẩm thấp, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và mối mọt.

đặc điểm cây chìa vôi

Sau khi sơ chế cần bảo quản dược liệu đúng cách để dùng dần

7. Thành phần hóa học

Sau đây là một số thành phần được ghi nhận là có trong cây chìa vôi:

  • Hợp chất phenolic

  • Acid amin

  • Saponin

  • Acid hữu cơ

  • Protid

  • Glucid

  • Caroten

  • Vitamin C

 

Vị thuốc cây chìa vôi

1. Tính vị

Các tài liệu Đông y ghi nhận, dược liệu này có vị đắng nhẹ, chua, hơi the và tính mát.

2. Quy kinh

Chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu vấn đề này.

3. Tác dụng dược lý

Mỗi bộ phận của cây chìa vôi sẽ có những tác dụng dược lý khác nhau:

  • Dây vị ngọt đắng, tính mát với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hành huyết, tán kết. Thường sử dụng để chữa đau nhức xương khớp, cơ gân, ung nhọt lở ngứa, viêm thận, sưng hạch bạch huyết, rắn cắn…

  • Lá chìa vôi có vị đắng, tính hàn và hơi độc có tác dụng trừ tiêu thủng, nhọt độc. Thường dùng để chữa ung nhọt, chai chân, lở ngứa.

  • Phần củ có vị đắng hơi chua và tính bình với tác dụng tán huyết ứ, thông kinh, tiêu độc, lợi tiểu, trừ tê thấp. Thường được dùng tương tự như phần lá và phần thân.

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu theo các cách khác nhau. Cả ở dạng khô và dạng tươi đều mang đến công dụng hỗ trợ trị bệnh rất tốt.

Thông thường sắc lấy nước thuốc uống và dùng dược liệu tươi giã nát rồi đắp tại chỗ là được dùng phổ biến nhất. Đối với liều sắc uống thì giới hạn từ 6 – 20g. Trường hợp đắp ngoài thì liều lượng sẽ không hạn chế.

 

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu chìa vôi

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh thông dụng có sử dụng dược liệu chìa vôi:

1. Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm

  • Bài thuốc uống: Cần chuẩn bị 40g dây chìa vôi, 20g rau dền gai, 20g cây tầm gửi, 20g cỏ xước, 20g lá lốt. Các nguyên liệu cần rửa sạch rồi cho vào ấm sắc cùng với 1 lít nước trên lửa nhỏ. Đến khi còn khoảng 500ml thì ngưng. Chia làm 3 lần uống trong ngày sau bữa ăn khoảng 30 phút. Nên uống khi thuốc còn ấm và duy trì liên tục trong ít nhất 1 tháng.

  • Bài thuốc đắp: Chuẩn bị khoảng 1 nắm lá chìa vôi và 1 thìa muối hạt. Rửa sạch lớp bột phấn bên ngoài lá để tránh gây kích ứng. Rang nóng lá cùng với muối rồi dùng miếng vải bọc lại và đắp trực tiếp lên vị trí đau nhức. Mỗi ngày nên áp dụng 2 lần, tránh để nhiệt độ quá nóng.

2. Bài thuốc chữa bong gân hay chấn thương gây sưng nề, tụ máu

  • Chuẩn bị: Lá chìa vôi và lá thầu dầu tía với liều lượng tương tự nhau.

  • Thực hiện: Hai nguyên liệu này đem rửa sạch rồi giã nát. Trộn thêm rượu hoặc giấm rồi đem cho lên chảo sao nóng. Để đến khi có độ ấm vừa phải thì dùng thuốc để bó vào chỗ bị thương. Chú ý thay thuốc mỗi ngày khoảng từ 1 – 2 lần.

3. Bài thuốc trị đau nhức xương

  • Chuẩn bị: 20g chìa vôi cùng với khoảng 15g lá lốt.

  • Thực hiện: Các nguyên liệu đem rửa sạch rồi sắc chung với khoảng 500ml nước trên lửa nhỏ. Nước rút còn 250ml thì đạt. Chia thuốc làm 3 lần uống trong ngày, nên uống khi còn ấm nóng.

cây chìa vôi chữa bệnh gì

Dược liệu này có thể giúp đẩy lùi tình trạng đau nhức xương khớp

4. Bài thuốc chữa phong thấp

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 20g dây chìa vôi, 15g cây lá lốt (dùng cả rễ) và 15g dây đau xương. Các vị thuốc đem rửa sạch rồi sao vàng hạ thổ. Sau đó sắc lấy nước uống tương tự như nước lọc. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang thuốc duy nhất.

  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 20g cây chìa vôi, 10g bạch chỉ, 10g quế chi, 15g cành dâu. Các vị thuốc rửa sạch cho vào ấm sắc chung với khoảng 1 lít nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước chỉ còn phân nửa thì tắt bếp. Loại bỏ phần bã, chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày.

5. Bài thuốc chữa thoái hóa cột sống

  • Chuẩn bị: 50g dây chìa vôi, 10g xuyên khung, 20g đương quy, 20g cẩu tích, 40g ngưu tất và 1 lít rượu trắng.

  • Thực hiện: Các nguyên liệu đem cho vào bình thủy tinh rồi đổ ngập rượu trắng lên rồi đậy kín nắp lại. Để nơi thông thoáng sau 1 tuần là có thể đem ra dùng. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần chỉ khoảng 20ml.

6. Trị chai chân, chai mắt cá

  • Chuẩn bị: Lá chìa vôi và râu tôm sống theo tỷ lệ 3:1.

  • Thực hiện: Giã các nguyên liệu trên cho nhỏ rồi đắp trực tiếp vào vị trí cần điều trị. Dùng bằng để cố định lại và chú ý thay thuốc mỗi ngày.

7. Bài thuốc chữa viêm lở da, ung nhọt sưng tấy

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá chìa vôi, 20g thổ phục linh, 10g bồ công anh, 10g kim ngân hoa.

  • Thực hiện: Tất cả các nguyên liệu trên đem rửa thật sạch rồi để ráo nước. Lá chìa vôi đem giã nát và đắp trực tiếp lên vùng da tổn thương. Các vị thuốc còn lại thì cho vào ấm sắc với nước để uống kèm như nước lọc thường ngày.

8. Bài thuốc trị rắn cắn

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá chìa vôi.

  • Thực hiện: Đem rửa sạch rồi giã với muối sau đó nhai trực tiếp và nuốt dần nước. Phần bã giữ lại để đắp lên vết thương và dùng băng để cố định lại.

9. Bài thuốc chữa viêm nang lông

  • Chuẩn bị: 1 nắm lá chìa vôi tươi, 1 lòng trắng trứng gà.

  • Thực hiện: Đem rửa sạch dược liệu rồi giã nát sau đó trộn đều với lòng trắng trứng. Đắp một lớp mỏng nhẹ lên vùng da cần điều trị và dùng băng gạc để cố định lại. Mỗi ngày nên thay thuốc 1 lần để tình hình nhanh chóng được cải thiện.

10. Bài thuốc chữa đau bụng sau sinh

  • Chuẩn bị: Cần có 1 nắm lá chìa vôi tươi và 1 thìa muối hạt.

  • Thực hiện: Nguyên liệu đem đi rửa sạch rồi cho lên chảo sao nóng với muối hạt. Cho hỗn hợp thuốc vào miếng vải mỏng gói lại và đắp lên bụng.

11. Bài thuốc chữa sởi niệu quản

  • Chuẩn bị: 16g dây chìa vôi, 50g cỏ bợ, 30g kim tiền thảo, 30g rễ dứa dại, 30g cỏ hàn the, 20g ngải cứu. Trường hợp đau nhiều cần thêm 12g chỉ xác, sỏi ở cao thì cần thêm 12g rễ cỏ xước, còn đái ra máu nhiều thì cần thêm 16g cỏ nhọ nồi.

  • Thực hiện: Các nguyên liệu đã chuẩn bị đem cho hết vào nồi và sắc chung với khoảng 1 lít nước trên lửa nhỏ trong 15 phút. Chia làm nhiều lần uống trong ngày khi thuốc còn ấm, mỗi ngày chỉ 1 thang duy nhất.

Cây chìa vôi mặc dù có rất nhiều công dụng trị bệnh nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể dùng, đặc biệt nhất là phụ nữ mang thai. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên tham vấn thầy thuốc hay bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc nào từ dược liệu chìa vôi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top