Củ niễng hay niễng là một loại rau dùng để chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc. Bên cạnh đó, Niễng cũng là một vị thuốc thường được sử dụng để giải khát, lợi tiểu, giải say rượu, kích thích tiêu hóa, giảm đau và hỗ trợ điều trị đái tháo đường, viêm tuyến tiền liệt,…
Hình ảnh cây củ niễng hay còn gọi là Cây lúa miêu thường được sử dụng làm thực phẩm và dược liệu
Tên gọi khác: Niễng, Niềng niễng, Cây lúa miêu, Giao bạch, Cao duẩn
Tên khoa học: Zizania caduciflora (Turcz ex Trin.) Haud-Mazz
Họ: Lúa – Poaceae
Mô tả dược liệu Củ niễng
1. Đặc điểm sinh thái
Củ niễng là cây thân thảo, sống lâu năm, thường mọc chìm dưới nước hoặc chỗ có nhiều bùn. Thân rễ phát triển mạnh, thân đứng thẳng, có thể cao khoảng 1 – 2 m, phân thân dưới xốp, to.
Lá Niễng phẳng, hình dải, thuôn, dài khoảng 30 – 70 cm, chiều rộng khoảng 2 – 3 cm. Cả 2 mặt lá đều ráp, bên mép lá dày, bẹ lá nhẵn, có nhiều khía rãnh, bẹ lá có hình bầu dục. Ở các nách lá có nhiều chồi, đến mùa sẽ phát triển và đâm ra các lá mới.
Hoa Củ niễng hình chùy, hẹp, dài khoảng 30 – 50 cm. Cuống chung của hoa khỏe, phân thành nhiều nhánh, nang nông đực thường phát triển ở trên, bông cái nhỏ nằm ở phía dưới. Hoa đực thường có 6 nhị với các chỉ nhị ngắn. Hoa cái có bầu nhụy dài.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Củ niễng thân to, phồng, xốp, chình chùy, đường kính khoảng 2.5 – 3 cm, chiều dài khoảng 5 – 8 cm. Trên thân có một loại nấm ăn được ký sinh là nấm Ustilago Esculentum Hennings. Loại nấm này khiến cho thân cây phồng lên, có nhiều đốm đen, càng già thì đốm đen càng nhiều.
Chính bộ phận bị nấm ký sinh này được sử dụng để làm thức ăn và dược liệu. Tên gọi trong Đông y thường là Cô giao hoặc Cô bạch.
3. Phân bố
Niễng có nguồn gốc ở miền Đông Xiberia. Hiện nay được trồng nhiều ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác thuộc châu Á.
Tại Việt Nam, củ Niễng thường được trồng ở ven các bờ ao, áo cạn, ven hồ hoặc vùng nước có bùn lầy nhão, ruộng nước. Cây thường phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ hư ngoại thành Hà Nội, Vũ Thư – Thái Bình, Đồng Văn – Hà Giang, Đà Lạt – Lâm Đồng. Đặc biệt, ở nước ta Củ niễng phổ biến nhất ở Nam Định, nên còn có tên gọi khác là Củ niễng Nam Định.
4. Thu hái – Sơ chế
Củ niễng thường được trồng vào tháng 9, lúc nước luôn luôn ngập. Một số nơi có thể trồng vào tháng 11 – 12 sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Khi trồng thì mỗi gốc nên cách nhau khoảng 50 – 60 cm để đảm bảo sự phát triển tốt nhất. Trồng sau một năm là có thể thu hái được.
Củ niễng thường được dùng tươi, không cần chế biến sơ chế.
5. Bảo quản dược liệu
Củ niễng thường được sử dụng tươi, do đó nếu thu hái vừa đủ để sử dụng. Nếu sử dụng không hết có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
6. Thành phần hóa học
Trong Củ niễng có chứa:
Muối khoáng
Protid
Glucid
Protein
Lipid
Cholesterol
Carbohydrate
Canxi
Kali
Natri
Photpho
Magne
Selen
Kẽm
Photpho
Sắt
Carotene
Pantothenic Acid
Niacin
Folacin
Vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K
Vị thuốc Củ niễng
Vị thuốc Niễng có vị ngọt, béo, mùi thơm, không chứa độc tố
1. Tính vị
Củ niễng tính lạnh, không độc, vị béo, ngọt, có mùi thơm.
Giao bạch tử (hạt Niễng) có tính hàn, vị ngọt.
2. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
Hỗ trợ điều trị bệnh xơ vữa động mạch và cao huyết áp
Điều trị đa xơ cứng gan và Ure máu cao
Chữa bệnh viêm ruột, đau dạ dày
Tăng tiết sữa, thông sữa
Hỗ trợ làm trắng da và giữ ẩm cho da
Theo y học cổ truyền:
Giải say rượu
Lợi tiểu
Giải phiền khát
Chủ trị:
Táo bón
Kiết lỵ
Dùng cho các trường hợp ruột nóng
3. Củ niễng có tác dụng gì?
Niễng có thể thái nhỏ ăn sống, xào, luộc hoặc nấu chín dùng ăn kèm như một món ăn.
Hạt niễng thường có tính lạnh, vị ngọt, thường được dùng trong Đông y với tác dụng điều trị các bệnh dạ dày, chữa khát, tiêu phiền, chữa kiết lỵ ở trẻ em.
Ngoài ra, các công dụng khác của Niễng thường bao gồm:
Trông ven vùng ao hồ hoặc vùng đất ướt để giữa đất không bị sụp lún.
Thân dùng làm chiếu hoặc mành.
Lá non dùng làm thức ăn cho gia súc, trâu bò, lá già sử dụng làm bột giấy.
Ở Nhật bản và Trung Quốc, hạt Niễng (Giao bạch tử) thường được trộn với cơm và sử dụng như một loại ngũ cốc khi mất mùa.
4. Cách dùng – Liều lượng
Củ niễng có thể thái nhỏ ăn sống, nấu chín hoặc sắc thành thuốc, dùng uống.
Liều dùng không cố định.
Bài thuốc sử dụng Củ niễng
Công dụng của Niễng thường là thanh nhiệt, giải độc
1. Chữa sốt và kiết lỵ
Sử dụng 4 – 6 g Niễng tươi, sắc thành thuốc, dùng uống khi còn ấm, mỗi ngày một lần.
2. Chữa đau dạ dày, bị nhiệt
Sử dụng một lượng củ niễng vừa đủ xay nhuyễn, lọc lấy nước, dùng uống. Uống liên tục trong 4 – 5 ngày sẽ khỏi bệnh.
Một số món ăn chữa bệnh từ Củ niễng
Món ăn chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe từ Niễng
1. Chữa táo bón
Cách 1: Sử dụng Niễng (rửa sạch, bóc vỏ, thái vừa ăn) khoảng 150 g, 100 g Khoai lang, 1 lạng thịt nạc xào chín, nêm thêm gia vị, dùng ăn khi còn nóng. Người bệnh táo bón nên ăn liên tục trong 3 – 5 ngày để chấm dứt tình trạng táo bón.
Cách 2: Sử dụng 150 g Niễng bóc sạch, 100 g Khoai tây, 50 g Đu đủ gần chín, thịt thỏ 100 g, hầm nhừ, thêm gia vị vừa ăn, dùng ăn khi còn nóng. Mỗi ngày nên ăn 1 lần, kéo dài trong 4 – 5 ngày sẽ khỏi táo bón.
2. Chữa bệnh kiết lỵ
Sử dụng 100 g Củ niễng, một nắm Lá mơ lông, giã nhỏ, cho vào một quả trứng đánh đều. Sử dụng lá chuối cắt vừa lòng chảo, đặt vào chảo, sau đó cho nguyên liệu vừa chuẩn bị lên lá chuối, đun nhỏ lửa cho đến khi chín hẳn.
Dùng ăn liên tục 6 – 10 ngày sẽ khỏi kiết lỵ.
3. Chữa bệnh đái tháo đường
Sử dụng Củ niễng 100 g, gạo tẻ 100 g, thịt lợn băm nhỏ 50 g, nấm hương.
Niễng làm sạch, thái lát, nấm hương thái sợi xào chính cùng thịt lợn. Đến khi có mùi thơm thì cho gia vị vào cho ra bát. Gạo cho vào nồi hầm, đến khi nhừ thì cho phần Củ niễng xào vào, đến khi sôi là có thể sử dụng được.
4. Thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị viêm tuyến tiền liệt
Sử dụng 200 g Củ niễng, 100 g thịt nạc thái miếng, cà rốt 50 g, gừng tươi 3 lát. Niễng và Cà rốt thái lát, chần sơ qua nước sôi. Đun nóng chảo dầu, phi hành tỏi gừng cho thơm, sau đó cho thịt, Niễng, Cà rốt vào xào chín, thêm gia vị vừa ăn là có thể sử dụng được.
5. Điều trị cao huyết áp
Sử dụng Củ niễng bóc bẹ, gọt vỏ, luộc chín, thái chỉ, để ráo nước. Lại dùng trứng gà đánh nhuyễn, rán mỏng. Cho Niễng đã thái lên trên trứng gà, cho gia vị vừa ăn. Dùng ăn khi còn nóng.
Lưu ý khi sử dụng Củ niễng
Một số người không nên sử dụng Củ niễng bao gồm:
Bệnh sỏi đường tiết niệu
Tỳ vị hư hàn
Dương suy hoạt tinh
Đau bụng tiêu chảy thường xuyên
Ngoài ra, không sử dụng Niễng với mật ong.
Củ Niễng có nhiều ứng dụng hỗ trợ một số bệnh lý. Mặc dù là một món ăn kèm khá phổ biến nhưng nếu cần sử dụng Niễng thường xuyên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh