✴️ Đẳng Sâm

Đẳng sâm có vị ngọt, tính bình, tác dụng giảm mệt mỏi, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh, thận hư yếu, mỏi gối,… Tác dụng dược lý của thảo dược này còn có thể thay thế cho nhân sâm trong một số trường hợp.

Đẳng sâm có tác dụng chống mệt mỏi, giảm suy nhược thần kinh và bồi bổ sức khỏe

Đẳng sâm có tác dụng chống mệt mỏi, giảm suy nhược thần kinh và bồi bổ sức khỏe

  • Tên gọi khác: Bạch đảng sâm, Đảng sâm, Lộ đảng sâm, Tây đảng sâm, Điều đảng sâm, Đông đảm sâm.

  • Tên khoa học: Codonopsis pilosula

  • Họ: Hoa chuông (Campanulaceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Đảng sâm là loài thực vật thân cỏ, dây leo quấn và sống nhiều năm. Thân cây có màu tím sẫm, phủ lông nhỏ, thưa nhưng không có lông ở phần ngọn, cây mọc bò trên mặt đất hoặc mọc leo nhờ ở các loài thực vật khác.

Đẳng sâm

Hoa của cây có màu xanh nhạt hơi pha vàng, quả nhỏ và hạt màu nâu

Lá có màu xanh hơi vàng, hình trứng tròn và đuôi nhọn, lông nhung được phủ trên bề mặt và mặt dưới có màu xám, mép nguyên không có răng cưa. Hoa mọc ở nách lá, màu xanh nhạt, quả nhỏ có hạt màu nâu.

2. Bộ phận sử dụng

Rễ của cây.

3. Phân bố

Loài thực vật này có nguồn gốc từ Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở một số tỉnh như Vân Nam, Tứ Xuyên, Cát Lâm, Hồ Bắc, Hà Nam, Thanh Hải, Sơn Tây, Cam Túc, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Hắc Long Giang,…

Ngoài ra đẳng sâm cũng đã được trồng ở một số địa phương ở nước ta như Lâm Đồng, Quảng Nam, Kon Tum, Đà Nẵng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng,…

4. Thu hái và sơ chế

Thu hái chủ yếu vào mùa đông khi cây rụng lá hoặc đợi đến mùa xuân năm sau nhưng cần thu hái trước khi cây ra lộc mới. Sau khi đào rễ về, cần làm sạch đất cát, phân loại rễ và phơi cho khô.

Bào chế:

  • Rửa sạch đất cát, loại bỏ tạp chất và ủ nước trong 1 đêm. Khi rễ mềm đem bào mỏng khoảng 1 – 2 ly, ngâm với nước gừng cho dược liệu bớt hàn và khỏi nê Tỳ. Sau đó đem sao qua và dùng dần.

  • Hoặc sau khi thu hái đem phơi âm can, lăn se và để đó dùng dần. Khi dùng lấy dược liệu sao với cám hoặc đất cho vàng.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát. Cần đậy kín vì dược liệu rất dễ bị mốc và mọt. Có thể sấy diêm sinh định kỳ để chống mốc.

6. Thành phần hóa học

Dược liệu chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm inulin, glucose, alkaloid, tangshenoside, choline, fructose, sucrose, đường, tinh bột, saponin,…

 

Vị thuốc đẳng sâm

1. Tính vị

Vị ngọt, tính bình.

2. Qui kinh

Qui vào kinh Phế, Tỳ, kinh thù và túc thái âm.

3. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng chống mệt mỏi và khả năng thích nghi của cơ thể đối với môi trường.

  • Dịch của dược liệu có tác dụng tăng cường độ co bóp, tăng trương lực và bảo vệ các niêm mạc bị loét ở dạ dày.

  • Tăng cường độ co bóp của tim, tăng áp và lưu lượng máu cho nội tạng, các chi, não.

  • Tác dụng giảm số lượng bạch cầu, tăng hồng cầu và đường huyết.

  • Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm ho, kháng viêm và long đờm.

  • Làm hưng phấn tử cung, tăng nồng độ cortisone trong huyết tương và kháng lại trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, phó trực khuẩn đại tràng, não mô cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng,…

Theo Đông y:

  • Tác dụng thanh phế, ích khí, trừ phiền khát, bổ trung, sinh tân chỉ khát và hòa Tỳ Vị.

  • Chủ trị phế hư, người mệt, khát, thoát giang, tỳ vị hư yếu, ăn ít, khí huyết đều hư. Điều trị bệnh bạch huyết, tụy tạng, thiếu máu mãn tính, lỵ lâu ngày, khí suyễn, nội thương, hư lao, băng huyết, phát sốt,…

4. Cách dùng và liều dùng

Dược liệu chủ yếu được dùng ở dạng sắc với liều dùng 8 – 20g/ ngày.

 

15 Bài thuốc chữa bệnh từ đẳng sâm

Đẳng sâm

Đẳng sâm có tác dụng chữa nhiều bệnh lý và được dùng thay thế cho nhân sâm khi chữa suy nhược cơ thể

1. Bài thuốc khai thanh tâm, bổ nguyên khí, thanh phế kim và tráng gân cơ

  • Chuẩn bị: Sa sâm 320g, đẳng sâm 640g và quế viên nhục 160g.

  • Thực hiện: Đem các dược liệu nấu thành cao và uống mỗi ngày.

2. Bài thuốc trị thoát giang, lỵ, tiêu chảy và khí bị hư

  • Chuẩn bị: Chích kỳ, nhục khấu tương, bạch truật và phục linh mỗi thứ 6g, thăng ma nướng mật 2.4g, gừng 3 lát, đẳng sâm sao với gạo 8g, sơn dược sao 8g và chích thảo 2.8g.

  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống mỗi ngày.

3. Bài thuốc trị khí huyết đều suy

  • Chuẩn bị: Chích hoàng kỳ, long nhãn, đẳng sâm, bạch truật và đường cát.

  • Thực hiện: Đem nấu thành cao và uống mỗi ngày.

4. Bài thuốc trị tỳ vị bất hòa và trung khí suy nhược

  • Chuẩn bị: Đường và đẳng sâm.

  • Thực hiện: Nấu thành cao lỏng.

5. Bài thuốc trị mệt tim, ê ẩm và người gia suy yếu lâu ngày

  • Chuẩn bị: Ngưu tất, đương quy, mạch môn và long nhãn mỗi thứ 12g và đẳng sâm 40g.

  • Thực hiện: Sắc mỗi ngày 1 thang.

  • Lưu ý: Có thể gia thêm nhân sâm từ 4 – 8g nếu bệnh tình nghiêm trọng.

6. Bài thuốc trị đại tiện lỏng, mệt mỏi và ăn uống không ngon

  • Chuẩn bị: Bạch truật sao 12g, đẳng sâm 20 – 40g, ba kích 12g và đương quy 12g.

  • Thực hiện: Sắc uống hoặc tán thành bột mịn, trộn mật là thành viên. Ngày dùng từ 12 – 20g.

7. Bài thuốc trị đau lưng, tiểu nhắt, mệt mỏi, đau gối do thận hư suy

  • Chuẩn bị: Cáp giới 6g, trần bì 0.8g, đẳng sâm 16g, huyết giác 1.2g, tiểu hồi 6g và rượu 250ml.

  • Thực hiện: Ngâm các dược liệu với rượu và uống trước khi đi ngủ cho đến khi khỏi bệnh.

8. Bài thuốc trị tử cung xuất huyết

  • Chuẩn bị: Đẳng sâm 30 – 60g.

  • Thực hiện: Đem sắc, uống 2 lần/ ngày trong 5 ngày liên tục trong thời gian hành kinh.

9. Bài thuốc trị cơ thể suy nhược, ho và hư lao

  • Chuẩn bị: Hoài sơn 12g, cam thảo 2g, khoản đông hoa 6g, đẳng sâm 16g, ý dĩ nhân 6g và xa tiền tử 6g.

  • Thực hiện: Sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.

10. Bài thuốc trị huyết áp cao ở bệnh nhân cơ tim

  • Chuẩn bị: Vỏ con trai (loại trai cho ngọc) 16g, đương quy 10g, táo 16g, phục linh 16g, hoàng liên 6g, đẳng sâm 10g, sinh địa 10g, trắc bá tử 16g, mộc hương 6g.

  • Thực hiện: Đem các vị sắc với 800ml nước, sau đó chia thành 3 lần uống và dùng liên tục trong 2 – 2.5 tháng.

11. Bài thuốc trị huyết áp thấp

  • Chuẩn bị: Hoàng tinh 12g, cam thảo 6g, đẳng sâm 16g, nhục quế 10g, đại táo 10 quả.

  • Thực hiện: Đem sắc uống ngày 1 thang.

12. Bài thuốc trị miệng lở loét ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Hoàng bá 20g và đẳng sâm 40g.

  • Thực hiện: Đem các vị tán bột và thoa trực tiếp lên vùng lở loét.

13. Bài thuốc trị suy nhược thần kinh

  • Chuẩn bị: Mạch môn 12g, đảng sâm 12g và ngũ vị tử 8g.

  • Thực hiện: Đem sắc uống.

14. Bài thuốc trị lao phổi và viêm phế quản mãn tính

  • Chuẩn bị: Tang diệp 12g, mạch môn 12g, hồ ma nhân 6g, tỳ bà diệp nướng mật 6g, đảng sâm 12g, thạch cao 12g, a giao 8g, hạnh nhân 6g.

  • Thực hiện: Đem sắc uống, tuy nhiên cần sắc thạch cao trước khi cho các dược liệu còn lại vào.

15. Bài thuốc trị miệng sinh nhọt, Tỳ Vị hư yếu

  • Chuẩn bị: Chích kỳ 8g, cam thảo 2g, đảng sâm 8g, phục linh 4g và bạch thược 2.8g.

  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

 

Cần lưu ý gì khi sử dụng dược liệu đảng sâm?

  • Khi dùng đảng sâm, không nên uống dùng hơn 63g vì có thể làm nhịp tim không đều và gây khó chịu ở vùng trước tim.

  • Cần hạn chế dùng chung với Lê lô.

  • Có rất nhiều loại dược liệu có tên “đảng sâm” vì vậy khi chọn mua nguyên liệu cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

  • Không dùng cho người hỏa vượng, khí trệ và có thực tà.

  • Có thể dùng đảng sâm thay cho nhân sâm với những trường hợp suy nhược, mệt mỏi, ăn kém, tiểu đục, vàng da,…

Đặc tính dược lý của đảng sâm có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nếu dùng sai cách. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top