✴️ Dừa nước

Dừa nước là loại cây đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ. Thịt dừa nước có màu trắng, mềm, vị ngọt thơm, tính mát và thường được dùng để chế biến thành món ăn giúp thanh nhiệt và giải khát. Ngoài ra theo Đông Y, dừa nước còn có tác dụng nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu và bồi bổ sức khỏe.

tác dụng của dừa nước

Dừa nước là loại cây đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ

  • Tên gọi khác: Dừa lá

  • Tên khoa học: Nypa fruticans

  • Họ: Cau (danh pháp khoa học: Arecaceae)

 

Mô tả dược liệu dừa nước

1. Đặc điểm của cây dừa lá

Dừa nước là loài cây sinh sống thành dãy ở ven sông, kênh rạch nước lợ. Cây có hệ thống rễ chằng chịt, thân ngầm và lá to. Thân và rễ cây mọc ở dưới lòng đất, chỉ có phần cuống hoa và lá nổi bên trên. Lá dừa nước có hình lược như lá dừa, kích thước từ 5 – 8m, lá chét thuôn dài, nhỏ, cuống lá to, tròn, cứng chắc và bẹ lá phình to.

tác dụng của dừa nước

Dừa nước là loài cây sinh sống thành dãy ở ven sông, kênh rạch nước lợ, rễ và thân mọc chìm ở bên dưới

Hoa mọc thành cụm có hình cầu, dài khoảng 60 – 90cm. Khi thụ phấn, các trái nhỏ mọc ép vào nhau tạo thành buồng lớn, mỗi buồng có từ 40 – 60 quả. Quả có cơm màu trắng, mềm thơm và ăn được, bên trong chứa nhân cứng. Cây sinh sôi bằng cách rụng hạt khô và phân tán theo dòng thủy triều.

Cây dừa nước từ 10 năm tuổi trở lên mới nở hoa và kết quả.

2. Bộ phận dùng

Quả dừa lá.

3. Phân bố

Dừa nước phát triển mạnh trong những vùng đầm lầy ven sông hoặc ven biển. Loài thực vật này phân bố nhiều ở ven biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ở nước ta, dừa lá mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

4. Thu hái – sơ chế

Trái dừa nước mọc quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng 8 – 10 hoặc tháng 2. Nhân dân thường thu hái khi thấy cuống dừa cúi xuống.

cây dừa nước

Thu hái quả dừa nước quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng 8 – 10 hoặc tháng 2

Khi thu hái về, đem tách riêng từng quả, sau đó chẻ đôi rồi sử dụng thìa nạo phần cơm bên trong. Cùi dừa nước thường được dùng ăn để giải khát và thanh nhiệt.

5. Thành phần hóa học

Dừa lá chứa nhiều thành phần dinh dưỡng hơn dừa thông thường, bao gồm chất béo, protein, đường, vitamin C, khoáng chất,…

 

Vị thuốc dừa nước (dừa lá)

1. Tính vị

Vị ngọt, thơm, tính mát và không có độc.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Can và Bàng Quang.

3. Tác dụng của dừa nước

– Tác dụng của dừa nước theo Đông Y:

  • Tác dụng: Giải nhiệt, tăng cường khí lực, cầm máu, nhuận nhan sắc.

  • Chủ trị: Thổ huyết, chảy máu cam, cảm nắng, trị nóng trong người và tiểu tiện kém.

– Tác dụng của dừa nước theo y học hiện đại:

  • Hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2: Hàm lượng axit amino và chất xơ trong dừa nước làm tăng độ nhạy cảm với insulin và ngăn chặn quá trình hấp thu đường, từ đó giúp hạ đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường.

  • Tác dụng hạ áp: Với hàm lượng kali và acid lauric dồi dào, dừa lá còn có thể tác dụng giãn mạch và điều hòa huyết áp.

  • Ngăn ngừa táo bón: Dừa lá chứa nhiều chất lỏng, vitamin, chất xơ và khoáng chất. Những thành phần này có tác dụng tăng cường nhu động ruột, duy trì lượng chất lỏng trong ruột kết và giảm nguy cơ táo bón.

  • Điều hòa kinh nguyệt: Với tác dụng làm mát, bổ sung dừa nước thường xuyên có thể điều hòa kinh nguyệt và trị các vấn đề liên quan như bế kinh, thống kinh, máu kinh ra ít,…

  • Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa: Axit lauric trong dừa lá sau khi được dung nạp sẽ chuyển thành monolaurin – thành phần có tác dụng ức chế ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại ở đường ruột, từ đó làm giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.

  • Nuôi dưỡng làn da: Ăn dừa lá thường xuyên có thể duy trì độ ẩm cho da và ngăn ngừa lão hóa.

– Tham khảo thêm tác dụng của dừa nước:

  • Nhân dân thường sử dụng lá để lợp mái nhà và xây chòi.

  • Hoặc được dùng để làm các vật dụng trong nhà.

4. Cách sử dụng

Dừa lá thường được sử dụng để ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn giải khát và thanh nhiệt. Do dừa nước không có độc nên bạn có thể sử dụng từ 100 – 300g/ ngày.

 

Các món ăn bồi bổ sức khỏe từ dừa nước

tác dụng của dừa nước

Dừa nước thường được dùng để làm mứt, chè hoặc chế biến thành nước giải khát

1. Dừa nước đá đường

  • Chuẩn bị: Cùi từ quả dừa lá, dầu chuối và nước đường.

  • Thực hiện: Cho 1 ít dầu chuối vào nước đường, sau đó thêm cùi dừa lá và đá vào, dùng uống vào những ngày hè giúp giải khát, thanh nhiệt, giảm nóng trong người và phòng ngừa cảm nắng.

2. Mứt dừa nước

  • Chuẩn bị: Cùi dừa nước 1kg và đường cát trắng 500g.

  • Thực hiện: Để dừa nước chgo thật ráo sau đó thêm đường trắng vào trộn đều và để trong vòng 10 phút. Cho hỗn hợp vào nồi và sên với lửa nhỏ cho đến khi đường hơi sền sệt, thêm vào 1 ít nước cốt chanh rồi sên cho đến khi mứt khô hoàn toàn. Tắt bếp, để nguội rồi trút mứt vào lọ thủy tinh để ăn dần.

3. Chè dừa nước

  • Chuẩn bị: Thạch dừa, hạt sen, đậu xanh và nhãn nhục mỗi thứ 100g, dừa lá 300g, nấm tuyết 1 tai và đường cát trắng 300g.

  • Thực hiện: Đem dừa lá ướp với đường và đậy kín. Sau đó rửa sạch nhãn nhục rồi chần sơ với nước sôi, hạt sen và đậu xanh nấu cho chín mềm. Nấm tuyết ngâm cho nở rồi chần qua nước sôi, cắt nhỏ vừa ăn. Khi ăn, cho nguyên liệu vào ly rồi thêm đá vào.

Ngoài ra, dừa nước còn được dùng thêm vào các món chè khác như chè mỹ, chè thái, chè đậu,… để tăng hương vị và kích thích vị giác.

 

Lưu ý khi dùng dừa nước

  • Không nên dùng dừa lá cho người có tạng âm (da xanh tái, ăn uống chậm tiêu, hay bị tiêu chảy, ít khát nước, bắp thịt mềm, chậm chạp).

  • Dùng quá nhiều dừa nước có thể gây ớn lạnh, đầy bụng, khó chịu và buồn nôn.

  • Tránh ăn dừa lá trước khi chơi thể thao nhằm hạn chế tình trạng chân tay yếu và thiếu độ dẻo dai.

Với thành phần dinh dưỡng và tác dụng dược lý đa dạng, dừa nước không đơn thuần là loại quả thông thường mà còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên cần tránh ăn loại quả này quá nhiều, thay vào đó nên cân bằng các loại thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top