✴️ Mộc nhĩ

Nội dung

Mộc nhĩ là một loại nấm mộc trên thân gỗ của nhiều loại cây khác nhau. Mộc nhĩ được sử dụng như thực phẩm và dược liệu với tác dụng bổ huyết, thông mạch, cầm máu và cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân.

tác dụng của mộc nhĩ

Mộc nhĩ thường được sử dụng để bổ huyết, giải độc và cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân

  • Tên gọi khác: Nấm mèo, Nấm tai mèo, Hắc mộc nhĩ, Mộc nhu, Mộc nga, Mộc tung, Vân nhĩ
  • Tên khoa học: Uricularia auricula (L.) Underw
  • Họ: Mộc nhĩ – Auriculariaceae

 

Mô tả dược liệu Mộc nhĩ

1. Đặc điểm sinh thái

Mộc nhĩ hay Nấm mèo là một loại nấm phát triển trên các thân cành hay cây gỗ mục của nhiều loại cây khác nhau. Mặt trên nấm nhẵn, mặt dưới có phủ một lớp lông màu nâu. Mô nấm chứa chất keo và mặt sinh sản nhẵn hoặc nhăn, được phủ một lớp phấn trắng do các bào tử phóng ra khi nấm trưởng thành.

Cơ quản sinh sản của Nấm mèo là đảm đa bào, có hình chùy, nằm sâu bên trong chất keo. Một nấm có chứa một bào tử có cuống nhỏ, phát triển ở bên dưới kéo dài qua lớp bao nhầy và đến bề mặt của thể quả. Trên mỗi cuống nhỏ có một bào tử đảm. Thịt Nấm mèo thường dày khoảng 1 – 3 mm.

mộc nhĩ

Nấm mèo thường mọc trên các thân cây như Mít, Dướng, Hòe, Sung,…

2. Bộ phận sử dụng dược liệu

Thế quả của Mộc nhĩ được sử dụng để làm dược liệu. Tên gọi khoa học là Auricularia.

3. Phân bố

Nấm mèo phân bố lan rộng ở các vùng ôn đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Nấm được tìm thấy ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á, Australia, Nam Mỹ và cả châu Phi.

Ở nước ta, Nấm mèo được trồng để thu hoạch làm thuốc và sử dụng dược liệu.

Nấm được cho là có chất lượng tốt nhất thường mọc ở cây Hòe, Dướng, Ruối, Sắn, So đũa, Đậu, Sung, Mít,… Ngoài việc thu hái tự nhiên, Nấm mèo còn được trồng ở thân cây mít, Sắn và So đũa để thu hoạch làm dược liệu.

4. Thu hái – Sơ chế

Nấm mèo thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu. Sau khi thu hái thì rửa sạch, cắt bỏ phần bẩn dính vào giá thể rồi mang đi phơi khô.

5. Bảo quản dược liệu

Nấm mèo cần được phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong túi ni lông hoặc hộp kín. Đặt nấm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao để nấm không bị ẩm mốc.

6. Thành phần hóa học

Trong 100 g Mộc nhĩ khô có chứa một số thành phần hóa học như:

  • Năng lượng 293,1 kcal
  • Chất đạm protéine 10,6 g
  • Chất béo Lipide 0,2 g
  • Đường Glucides 65 g
  • Sắt Fe 185 mg
  • Calcium Ca 375 mg
  • Phosphore P 201 mg
  • Carotène 0,03% mg
  • Chất tro 5,8 g

 

Vị thuốc Mộc nhĩ

tác hại của mộc nhĩ

Mộc nhĩ vị ngọt, tính bình không độc quy vào kinh Vị và Đại tràng

1. Tính vị

Mộc nhĩ tính bình, có vị ngọt thanh.

2. Quy kinh

Mộc nhĩ quy kinh Đại tràng và kinh Vị.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại, Mộc nhĩ có một số tác dụng như:

  • Chống oxy hóa
  • Hạ đường máu
  • Hỗ trợ làm giảm mỡ trong máu
  • Giúp phòng chống bệnh ung bướu
  • Tác dụng chống viêm
  • Hỗ trợ chống đông máu
  • Tác dụng bảo vệ hệ thống tim mạch

Theo y học cổ truyền:

  • Tác dụng làm mát máu, dưỡng huyết, cầm máu, thông mạch
  • Thanh nhiệt, giải độc tiêu viêm

Chủ trị:

  • Trị trường phong, tiểu ra máu, băng huyết, lỵ ra máu, rò rỉ máu, điều trị lở loét.
  • Chữa thiếu máu, khái huyết, chữa xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, huyết áp cao, táo bón.
  • Hỗ trợ cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân.
  • Góp phần điều trị lỵ do nhiệt, đau răng, bệnh trĩ ra máu.

4. Cách dùng – Liều lượng

Mộc nhĩ có thể nghiến uống để uống hoặc sắc để uống, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Ngoài ra, nấm còn có thể sử dụng như thức ăn kèm.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 30 – 100 g mỗi ngày.

 

Bài thuốc sử dụng Mộc nhĩ

mộc nhĩ chữa bệnh gì

Mộc nhĩ thường dùng chữa các bệnh thiếu máu, chống tắc nghẽn động mạch và cao huyết áp

1. Hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành, di chứng tai biến mạch máu não, mỡ trong máu và nhiều tình trạng khác

Sử dụng Nấm mèo, Nấm tuyết, mỗi loại 100 g, rửa sạch, ngâm nở, xé nhỏ. Chần nấm qua nước sôi, sau đó nhúng nhanh qua nước lại, để ráo nước, đặt vào đĩa to. Lại dùng Dưa chuột 150 g, rửa sạch thái lát, trộn đều cùng các loại nấm. Rưới dầu ăn sôi, nêm thêm gia vị, dùng ăn mỗi ngày.

2. Hỗ trợ điều trị chứng mỡ trong máu cao, chống tắc nghẽn động mạch

Sử dụng Mộc nhĩ 10 g, Đại táo 5 quả, thịt lợn nạc 50 g, 3 lát gừng hầm cùng 6 chén nước, đến khi còn 2 chén thì thêm muối, dùng ăn như canh. Mỗi ngày ăn một lần, liên tục trong nhiều ngày.

3. Điều trị hen suyễn, miệng khô, nhiều đờm, tay chân lạnh, mặt tái nhợt

Sử dụng Mộc nhĩ 20 g, đường phèn 15 g, nấu cùng một lượng nước vừa đủ. Dùng uống trong ngày.

4. Chữa kinh nguyệt không đều, tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng

Sử dụng Nấm mèo 30 g, rửa sạch, xào với lửa nhỏ. Sau đó thêm khoảng 300 ml nước, nấu chín, nên thêm 15 g đường cát, dùng uống.

5. Điều trị bệnh mạch vành, tăng huyết áp

Sử dụng Mộc nhĩ 10 g, Ngân nhĩ 10 g, ninh nhừ nềm thêm một lượng đường phèn vừa ăn, dùng ăn trước khi đi ngủ.

6. Chữa đại tiểu tiện ra máu

Sử dụng Nấm mèo 50 g, sao tồn tính, tán thành bột mịn, dùng uống.

7. Điều trị đau răng

Sử dụng Nấm mèo và Kinh giới, mỗi vị phân lượng bằng nhau, sắc lấy nước dùng nước ngậm và súc miệng.

8. Điều trị đại tiện không thông

Sử dụng Mộc nhĩ, Hải sâm, mỗi vị 30 g, phèo lợn 200 g. Phèo rửa sạch, cắt thành đoạn nhỏ, hầm cùng Nấm mèo và Hải sâm, nêm thêm gia vị, dùng ăn khi còn nóng.

9. Chữa táo bón, xuất huyết

Sử dụng Nấm mèo 6 g, Hồng khô 30 g nấu thành chè, dùng ăn.

10. Chữa huyết áp cao, xơ cứng tiểu động mạch, chảy máu ở võng mạc

Sử dụng Mộc nhĩ 30 g ngâm trong nước qua một đêm, sau đó mang đi hấp chín với đường trong 1 – 2 giờ, dùng ăn trước khi đi ngủ.

11. Điều trị suy nhược cơ thể

Sử dụng Mộc nhĩ, Chà là, mỗi vị 30 g, sắc thành nước, dùng uống mỗi ngày.

12. Dưỡng ẩm, chỉ huyết, phòng chống các bệnh xuất huyết

Sử dụng Nấm mèo 15 – 30 g, ngâm nước ấm cho nở hết cỡ, rửa sạch, hầm nhừ, gia thêm đường trắng, dùng ăn trong ngày.

13. Tán ứ, chỉ huyết, dùng cho phụ nữ băng kinh, rong kinh

Sử dụng Nấm mèo 60 g, sao đến khi bốc khói là được, kết hợp với Huyết dư thán 10 g, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi ngày dùng uống 6 – 10 g, uống với nước ấm hoặc có thể pha thêm một ít giấm thanh.

14. Điều trị ho lâu ngày, thổ huyết, cơ thể suy nhược, tăng huyết áp, kinh nguyệt không đều

Sử dụng Mộc nhĩ 5 g ngâm nước ấm, rửa sạch, Đại táo 5 quả, bỏ hạt, gạo tẻ 100 g, đường phèn vừa đủ. Đun các nguyên liệu nhỏ lửa thành cháo, gia thêm đường phèn, chia thành 2 lần dùng ăn trong ngày.

15. Tác dụng bổ thận, điều trị xuất huyết tử cung cơ năng do thận hư

Sử dụng Nấm mèo 200 g, ngâm nước ấm, rửa sạch hầm với Hồng táo 250 g trong 2000 ml nước cho thật nhừ. Gia thêm đường phèn, chia thành 7 phần, mỗi ngày ăn một phần, chia thành sáng chiều.

16. Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Dùng Nấm mèo và Biển đậu, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 9 g.

17. Điều trị tiểu ra máu

Sử dụng Nấm mèo 30 g, Hoa hiên 120 g, đường phèn phân lượng vừa đủ, nấu thành canh, dùng ăn khi còn nóng.

18. Hoạt huyết hóa ứ, điều trị bệnh động mạch vành tim

Sử dụng 6 g Mộc nhĩ, Phật thủ 50 g, Ý dĩ 20 g, thịt lợn 50 g, nấu thành canh, dùng ăn trong ngày.

19. Điều trị viêm phế quản mãn tính và chứng giảm bạch cầu trong máu ngoại vi

Sử dụng Nấm mèo 20 g, ngâm với nước ấm đến khi nở, nấu cùng 20 g đường phèn. Lấy nước dùng uống ngay trong ngày.

20. Tư âm bổ gan, kiện não, tăng cường sức khỏe não bộ

Sử dụng Mộc nhĩ 60 g, một nửa sao cháy một nửa sao khô, kết hợp cùng Vừng đen 15 g sao thơm, tán nhỏ, trộn đều. Mỗi ngày dùng 6 g hãm với 120 ml nước sôi, dùng uống thay trà.

21. Phòng ngừa bệnh cao huyết áp

Sử dụng Nấm mèo 5 g, Đậu phụ 200 g, nấu thành canh, dùng ăn thường xuyên. Hoặc có thể dùng 6 g Mộc nhĩ nấu với đường phèn lấy nước dùng uống trước khi đi ngủ.

 

Lưu ý khi sử dụng Mộc nhĩ

Người đại tiện thực nên kiêng sử dụng Mộc nhĩ.

Người viêm dạ dày mạn tính, viêm đại tràng hoặc đại tiện phân lỏng không nên sử dụng Nấm mèo.

Không dùng kết hợp Nấm mèo và củ cải trắng, Ốc bươu.

Không nên sử dụng Nấm mèo ngâm nước quá lâu, điều này có thể gây ngộ độc.

Không nên ăn quá nhiều Mộc nhĩ. Điều này có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa và khiến dạ dày không tiêu hóa được.

Không nên ngâm Mộc nhĩ bằng nước nóng. Nên ngâm bằng nước lạnh.

Không được ăn Mộc nhĩ tươi.

Sử dụng Mộc nhĩ thường xuyên có thể phòng chống nhiều bệnh lý và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trước khi sử dụng người dùng nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top