✴️ Bệnh xơ gan là gì và có nguy hiểm không?

Nội dung

Bệnh xơ gan là gì?

Xơ gan là hậu quả của việc gan bị tấn công trong thời gian dài, các tế bào gan bị thoái hóa hư hại, chết dần và hình thành các mô sẹo, u, cục… Gan bị xơ không thể thực hiện các chức năng thiết yếu với cơ thể. Bề mặt gan thay vì mềm, nhẵn bóng, có màu nâu sẫm trở nên cứng chắc, sần xù xuất hiện nhiều lỗ nhỏ như những lỗ đầu đinh, trọng lượng gan giảm, gan chuyển màu vàng…

Bệnh xơ gan là gì là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

 

Nguyên nhân gây bệnh xơ gan

Xơ gan do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến các nguyên nhân, như: Xơ gan do viêm gan virus, xơ gan do rượu, xơ gan do ứ mật kéo dài, xơ gan do dùng thuốc và nhiễm độc hóa chất, xơ gan do rối loạn chuyển hóa.

 

Các giai đoạn tiến triển của bệnh xơ gan

Xơ gan tiến triển qua hai giai đoạn chính: Xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.

Xơ gan còn bù: Đây là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Do không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh thường chủ quản, không đi khám và điều trị sớm.

Xơ gan mất bù: Đây là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Trong giai đoạn này, triệu chứng bệnh rõ rệt. Cơ thể suy nhược, giảm khả năng làm việc, thường xuyên thấy đầy bụng, trướng hơi, ăn uống kém, có biểu hiện phù nề, khi ấn vào có vết lõm… Cũng ở giai đoạn này, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, cổ trướng, vàng da, chứng não gan.

 

Biến chứng của bệnh xơ gan

Xơ gan là một trong những bệnh về gan mạn tính, để lại nhiều biến chứng cho người bệnh. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng của bệnh xơ gan, bao gồm:

  • Nôn ra máu và đi ngoài phân đen.
  • Hôn mê gan.
  • Cổ trướng: Xơ gan cổ trướng là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn dịch cổ trướng, viêm phổi, lao phổi làm cho xơ gan nặng lên.
  • Ung thư gan. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh xơ gan.

 

Điều trị bệnh xơ gan như thế nào?

Điều trị xơ gan cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Việc xác định chính xác bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh nào có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều trị xơ gan.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, điều trị xơ gan chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi phát hiện sớm và kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Gan bị xơ thì không có thể phục hồi lại bình thường. Việc điều trị chủ yếu là loại bỏ các yếu tố gây hại cho gan như cai rượu, điều trị viêm gan virus và một số hóa chất gây độc hại cho gan. Duy trì bồi dưỡng chức năng gan.

 

Phòng ngừa xơ gan

Cần có ý thức phòng bệnh ngay từ khi gan còn khỏe mạnh. Theo đó, có thể phòng ngừa xơ gan bằng cách:

  • Tiêm vaccine phòng các bệnh viêm gan virus B, C.

  • Loại bỏ rượu, bia, thuốc lá…

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng tốt.

  • Hạn chế dùng các loại thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp, hàng quán vì chứa nhiều muối và mì chính (chứa nhiều natri).

  • Tránh dùng các thuốc gây hại cho gan.

  • Điều trị tốt khi bị các bệnh viêm gan cấp và mạn tính.

  • Phòng tránh các bệnh giun sán.

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần / năm.

  • Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng.

  • Không ăn mặn, hạn chế tối đa đồ ăn có nhiều muối. Ăn các loại thực phẩm giàu đạm. Không ăn nhiều đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

  • Tuân thủ điều trị, không tự ý dùng thuốc hoặc ngưng dùng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Có thể dùng các loại thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên như cây nhân trần, cà gai leo, ac-ti-xô… để tăng cường chức năng gan tốt cho gan.

  • Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi nguy cơ gây bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top