✴️ Khó ngủ mất ngủ: Căn bệnh không chừa một ai!

1. Tổng quan về rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, giúp cơ thể được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Tùy theo độ tuổi mà thời gian ngủ có thể khác nhau, thông thường trẻ sơ sinh ngủ từ 12 – 15 giờ/ngày, trong khi đó, người lớn chỉ ngủ 7 – 8 giờ.

Thực tế, một số người lớn chỉ ngủ 5 giờ/ngày nhưng vẫn có thể sinh hoạt bình thường, trong khi một số khác cần phải được ngủ tới 10 tiếng/ngày mới đủ tỉnh táo.

Thông thường, chu kỳ giấc ngủ được phân thành 2 giai đoạn là:

– REM: Chiếm 25% thời gian ngủ, thường diễn ra vào buổi sáng. Lúc này bạn có thể thấy những giấc mơ.

– NREM: Chiếm 75% thời gian còn lại của giấc ngủ và tiếp tục được chia thành 4 giai đoạn nhỏ, với mức độ từ nông đến sâu.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng xảy ra khi có sự xáo trộn chu kỳ bình thường trên, khiến thời gian và chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.

Khó ngủ, mất ngủ là tình trạng bất thường về giấc ngủ mà nhiều người gặp phải, không phân biệt tuổi tác, giới tính…

 

2. Khó ngủ mất ngủ là gì?

Khó ngủ, mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến với các biểu hiện:

– Người bệnh khó đi vào giấc ngủ, nằm thao thức, trằn trọc trên giường hàng giờ mà không ngủ được 

– Ngủ không ngon giấc, không tròn giấc, thường xuyên tỉnh giấc vào nửa đêm

– Thường xuyên thức dậy sớm do tỉnh dậy và không thể ngủ lại

– Xuất hiện cơn ngưng thở khi ngủ hoặc ngủ ngáy

– Có cảm giác khó chịu, luôn muốn cử động ở chân (còn gọi là hội chứng chân không yên)

– Buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, uể oải

 

3. Những tác hại của việc mất ngủ 

Nếu chỉ thỉnh thoảng bạn bị trằn trọc, thao thức vào giờ ngủ thì đó là điều bình thường. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, từ đêm này qua đêm khác thì có thể gây ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống, công việc của người bệnh, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

– Người bệnh buồn ngủ, mệt mỏi, kém tập trung dẫn đến hiệu suất công việc kém

– Mất ngủ gây ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến bệnh nhân thường xuyên cáu giận với người khác, làm trục trặc các mối quan hệ với những người xung quanh.

– Giảm khả năng tập trung khiến người bệnh dễ gặp tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chấn thương. 

– Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường.

– Tăng khả năng bị ung thư ruột kết và ung thư vú.

 

4. Các nguyên nhân gây mất ngủ, thiếu ngủ 

Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất thường trong giấc ngủ, mà cụ thể là tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ. 

 

4.1 Các thói quen xấu là nguyên nhân hàng đầu gây khó ngủ mất ngủ

Các nghiên cứu và thực tế thăm khám cho thấy rất nhiều trường hợp người bệnh bị mất ngủ có liên quan đến thói quen không lành mạnh trước khi đi ngủ, điển hình là:

– Uống quá nhiều cà phê trong ngày hoặc uống vào buổi chiều, tối. Lượng caffein có trong cà phê không được tiêu thụ hết có thể khiến bạn tỉnh táo và khó ngủ vào ban đêm.

– Hút thuốc hoặc ăn quá no vào ban đêm gây áp lực lên hệ tiêu hóa và thần kinh, khiến bạn khó ngủ.

– Thường xuyên thức khuya làm việc hoặc xem phim, làm xáo trộn chu kỳ ngủ mỗi đêm.

– Xem tivi, máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác trước khi ngủ.

Xem tivi muộn trước giờ ngủ có thể thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

4.2 Các vấn đề tâm lý

Những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý… có thể gây ra chứng mất ngủ. Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị các căn bệnh này cũng có thể dẫn đến các rối loạn về giấc ngủ. Nếu bị mất ngủ trong thời gian sử dụng thuốc, hãy nói với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc hoặc điều chỉnh phác đồ phù hợp.

 

4.3 Các bệnh lý có khả năng gây khó ngủ mất ngủ

Việc khó ngủ hay mất ngủ trong một thời gian dài có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe như:

– Bệnh viêm khớp

– Chứng ợ nóng, ợ chua…

– Tình trạng đau mạn tính

– Hen suyễn

– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

– Các bệnh lý tim mạch như chứng đau ngực, suy tim…

– Bệnh tuyến giáp như viêm giáp, cường giáp

– Rối loạn thần kinh, tiêu biểu là đột quỵ, Alzheimer hoặc Parkinson…

 

4.4 Các nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến kể trên, người bệnh bị khó ngủ, thiếu ngủ còn có thể do các vấn đề như:

– Mang thai: Hiện tượng mất ngủ thường xảy ra trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

– Tiền mãn kinh: Sự thay đổi của cơ thể trong thời kỳ mãn kinh có thể gây bốc hỏa, khó chịu và dẫn đến mất ngủ.

– Tuổi tác: Các vấn đề liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ sau 65 tuổi, tuy nhiên bệnh ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.

– Đặc thù nghề nghiệp: Những người làm việc ca đêm, hoặc phải đi công tác nước ngoài sẽ bị rối loạn nhịp sinh học, kéo theo các vấn đề về giấc ngủ hơn người bình thường.

Những người làm việc ca đêm dễ bị mất ngủ.

Tóm lại, khó ngủ mất ngủ là một vấn đề rất phổ biến trong xã hội hiện đại tuy nhiên chúng ta không nên vì thế mà chủ quan. Cần chủ động theo dõi giấc ngủ và thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top