Những thành phần hóa học của trà xanh

Nội dung

Caffein - Một chất không bị thay đổi trong quá trình chế biến trà (chè): Trong đọt chè tươi hay còn gọi là chè nõn tôm thì hàm lượng caffein mỗi chỗ có khác nhau: nõn tôm + lá 1 có 4 - 7%; lá thứ 2 có 4 - 5%; lá thứ 3 có 3 - 7%; lá thứ 4 có 3%; cuống có 1,9%. Trong lá chè bánh tẻ có 2% (caffein trong trà (chè) ở dạng caffein tanat nên tác dụng chậm so với caffein trong cà phê)

L-theanin - Một loại axít amin tự do, không có trong protein: trong trà (chè) búp khô chỉ có 1%. Trong lá trà (chè) bánh tẻ trồng trong vườn dưới tán cây to có 2% (tính theo lá tươi là 0,2%). L-theanin được tổng hợp từ rễ dẫn lên lá trà (chè), khi gặp ánh nắng mặt trời có cường độ lớn sẽ chuyển thành polyphenol, vì vậy trà (chè) vườn nhiều L-theanin và ít polyphenol hơn trà (chè) đồi.

Tanin: 27 - 34%. Hàm lượng tanin trà (chè) càng cao thì chất lượng trà (chè) càng tốt (sản phẩm của quá trình quang hợp nên trà (chè) đồi nhiều tanin hơn trà (chè) vườn) nó là hợp chất polyphenol gồm 7 loại catechin; trong đó 3 loại catechin có vị chát dịu là Epicatechin, Galocatechin, Epigalocatechin. Một loại catechin có vị đắng đặc biệt, đó là Epigalocatechingalat (EGCG). Búp trà (chè) và lá 1 có hàm lượng tanin cao nhưng EGCG lại thấp nên có vị chát dịu, ít đắng. Trà (chè) trồng trên đất có molipden có vị chát ngọt vì EGCG thấp.

Flavonol: kaempferol, quercetin, myricetin.

Tinh dầu và các axít đi cùng tinh dầu: Acetic, butyric, cafeic, caproic, palmitic, propionic, valeric…

Các vitamin: tiền sinh tố A, B2, B3, B5, C (C chủ yếu trong trà (chè) tươi, trà (chè) búp khô thì vitamin C chỉ còn vết).

Các nguyên tố vi lượng: đặc biệt là kali và fluor.

Theo Y học cổ truyền: trà (chè) có vị đắng chát, hơi ngọt; tính mát; vào kinh can, thận. Tác dụng : thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, tiêu thực, cầm tả lỵ, bớt mụn nhọt, khỏi chóng mặt, đẹp da thịt, minh mẫn đầu óc.

Theo Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh: minh trà là trà ngon, vị ngọt đắng, tính hơi hàn. Tác dụng: nhuận tràng, trừ nhiệt, khu phong; sáng mắt; nhẹ đầu; hạ đờm; trị lỵ; tiêu thức ăn.

 

Những điều lưu ý khi sử dụng trà (chè) xanh:

Không uống nước trà (chè) lúc bụng rỗng (trừ người nghiện trà (chè)) dễ bị say trà (chè), nhất là trà (chè) tươi (có khi nôn mửa dữ dội).

Không dùng trà đặc với lượng trên 10g trà (chè) khô/lần/người. Nếu dùng trà với lượng này sẽ làm giảm hấp thu sắt và axít folic có trong thức ăn, gây bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Khi uống nước trà (chè) bình thường cũng phải cách xa giờ uống thuốc có sắt; có alcaloid (như: mã tiền, cà độc dược...), có Aspirin, Ibuprofen, Warfarin, Paracetamol, Phenylpropanolamin, Ephedrin, Phenytoin, Methotrexat. axít Folic (vitamin B9), Nadolol.

Không cho người bệnh cần phẫu thuật uống nước trà (chè) trước và sau khi mổ 1 ngày, để phòng chảy máu do khó đông máu.

Đặc biệt chú ý: trà (chè) làm tăng chuyển hóa vitamin B1 thành thiaminpyrophosphat gây thiếu thiamin. Do đó người uống nhiều trà (chè) hàng ngày hoặc dùng viên nhộng chứa chiết suất trà (chè) xanh, cần bổ sung mỗi ngày 10mg vitamin B1 vào trước khi ngủ tối.

return to top