Tác động toàn thân của bệnh vẩy nến: Cơ chế viêm và ảnh hưởng trên các cơ quan

1. Tổng quan

Bệnh vẩy nến là một bệnh lý viêm mạn tính có cơ chế tự miễn, đặc trưng bởi sự hoạt hóa quá mức của hệ miễn dịch, dẫn đến tăng sinh tế bào sừng và viêm da mạn tính. Tuy nhiên, ngoài tổn thương da là biểu hiện thường gặp, bệnh còn liên quan đến viêm toàn thân, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Tình trạng viêm hệ thống này không chỉ góp phần vào các biến chứng nội tạng mà còn làm tăng nguy cơ đồng mắc với các bệnh lý mạn tính khác.

 

2. Tác động của viêm toàn thân trong bệnh vẩy nến trên các cơ quan

2.1. Hệ thần kinh trung ương

Người bệnh vẩy nến có nguy cơ cao mắc các rối loạn về tâm thần kinh như lo âu và trầm cảm. Ước tính có khoảng 62% bệnh nhân vẩy nến bị ảnh hưởng về mặt tâm lý do gánh nặng bệnh tật và sự suy giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm mạn tính có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức và các rối loạn thần kinh khác thông qua các cơ chế viêm tại não bộ.

2.2. Hệ tim mạch

Viêm toàn thân trong bệnh vẩy nến góp phần vào tiến trình xơ vữa động mạch và rối loạn chức năng nội mô. Bệnh nhân vẩy nến có nguy cơ cao hơn đối với các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một số nghiên cứu ghi nhận sự tăng kháng lực mạch máu và giảm tưới máu ở bệnh nhân vẩy nến, đặc biệt ở thể nặng hoặc có kèm viêm khớp vẩy nến.

2.3. Hệ hô hấp

Các bệnh lý hô hấp có liên quan đến vẩy nến bao gồm hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng áp động mạch phổi. Ngoài ra, một số thuốc điều trị vẩy nến, điển hình là methotrexate, có thể làm tăng nguy cơ tổn thương phổi, bao gồm viêm phổi kẽ và ung thư phổi khi dùng kéo dài.

2.4. Gan

Nhiều loại thuốc điều trị vẩy nến (đặc biệt là nhóm thuốc toàn thân như methotrexate, acitretin, cyclosporin) được chuyển hóa chủ yếu qua gan. Việc sử dụng kéo dài có thể gây độc tính trên gan, tăng men gan, gan nhiễm mỡ, hoặc tiến triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan.

2.5. Chuyển hóa và hội chứng chuyển hóa

Tình trạng viêm toàn thân trong bệnh vẩy nến liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid, kháng insulin và tăng nguy cơ hội chứng chuyển hóa. Béo phì là yếu tố đồng mắc thường gặp, làm tăng nặng mức độ bệnh vẩy nến và ngược lại. Theo một nghiên cứu năm 2021, có từ 27% đến 50% người bệnh vẩy nến đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa.

2.6. Hệ cơ xương và mật độ xương

Bệnh nhân vẩy nến có nguy cơ giảm mật độ xương và loãng xương cao hơn so với dân số chung. Một số giả thuyết liên quan đến tình trạng giảm vitamin D, tình trạng viêm mạn tính và tác dụng phụ của các thuốc như corticosteroid (prednisone) hoặc cyclosporin. Hệ quả có thể dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương, giảm chất lượng xương và mất khối lượng xương.

 

3. Vẩy nến và tổn thương các cơ quan nội tạng

Các biểu hiện toàn thân của bệnh vẩy nến không chỉ là các rối loạn đi kèm, mà trong nhiều trường hợp là biến chứng trực tiếp từ quá trình viêm kéo dài. Tình trạng rối loạn điều hòa miễn dịch và sự xâm nhập của các cytokine viêm như TNF-α, IL-17, IL-23... không chỉ gây tổn thương da mà còn ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác. Tổn thương nội tạng có thể không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu, do đó việc theo dõi sát và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt để hạn chế biến chứng.

 

4. Kết luận

Bệnh vẩy nến không chỉ là một bệnh lý ngoài da, mà là một rối loạn viêm hệ thống có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như não, tim, phổi, gan, xương và hệ chuyển hóa. Kiểm soát hiệu quả đáp ứng miễn dịch bằng các liệu pháp toàn thân không những giúp cải thiện tổn thương da mà còn góp phần làm giảm viêm toàn thân và nguy cơ biến chứng nội tạng. Do đó, bệnh nhân vẩy nến cần được theo dõi toàn diện, đánh giá nguy cơ đồng mắc và điều trị theo hướng tiếp cận đa chuyên khoa khi cần thiết.

return to top