✴️ Rong mơ

Nội dung

Rong mơ chứa nhiều iod nên thường dùng để ăn hoặc sắc nước uống phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh bướu cổ. Ngoài ra, nguyên liệu tự nhiên này còn có tác dụng lợi niệu và tiêu đàm giúp giảm nhanh triệu chứng ho và bí đái do phì đại tuyến tiền liệt ở người già.

Hình ảnh Rong mơ

Hình ảnh Rong mơ – Dược liệu có chứa nhiều thành phần dưỡng chất cần thiết đối với sức khỏe cơ thể

+ Tên khác: Rau mơ, hải tảo và rau ngoai

+ Tên khoa học: Sargassum henslowianum J. Agardh

+ Họ: Rong mỡ (Sargassaceae)

 

I. Mô tả rong mơ

1. Đặc điểm thực vật

Rong mơ là một loại tảo sống chủ yếu ở vùng biển, có màu nâu và dạng hình cây. Chúng mọc thành bụi lớn và có chiều cao khoảng 40 – 60 cm. Thân chính của cây có dạng trục tròn với chiều dài 0.7 – 1.2 m.

Lá có dạng kim lớn hoặc hình bầu dục với số lượng nhiều. Mép lá có răng cưa hoặc nhẵn. Ở một số lá có thể có răng cưa kép, có gân giữa. Cây có các túi khí hình cầu hoặc hình bầu dục tròn, có đường kính 2 – 3 mm. Túi khí có uống hình trục với chiều dài 3 – 8 mm.

Rong mơ sinh sản theo hình thức sinh sản hữu tính hoặc sinh dưỡng. Thỏi sinh sản thường là hình trục tròn ngắn, có thể chia nhánh hoặc không. Chúng mọc xen kẽ nhau, còn thỏi đực thường nhỏ và dài hơn.

2. Phân bố

Rong mơ phân bố nhiều ở các khu vực gần biển, đặc biệt là Hà Tĩnh và Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Có thể tìm thấy loại tảo này ở các nước như Nhật Bản, Úc, Philippin hoặc Trung Quốc.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Toàn thân

  • Thu hái: Vào tháng 3 – 9

  • Chế biến: Sau khi thu hoạch xong đem về rửa sạch đất cát và phơi hoặc sấy khô

  • Bảo quản: Nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm ướt

4. Thành phần hóa học

Rong mơ chứa lượng lớn muối vô cơ chiếm 10 – 15%, trong đó có 0.3 – 0.8 kali, asen và nhiều iod. Ngoài ra, có thể tìm thấy thành phần protid, lipid, acid alginic và algin trong dược liệu này.

thành phần hóa học của rong mơ

Rong mơ chứa nhiều polyphenol có tác dụng kháng khuẩn đặc hiệu và chống stress hiệu quả

 

II. Vị thuốc rong mơ

1. Tính vị

Tính hàn, vị đắng và mặn

2. Qui kinh

Kinh Vị, Thận và Can

3. Tác dụng dược lý

Hải tảo có những tác dụng dược lý như:

  • Tác dụng đối với chuyển dạng của tế bào lympho: Lấy 0,2 ml máu chống đông bằng herpain ở những người bình thường sau đó cho vào ống nghiệm đã chứa 2 ml dung dịch nuôi. Sau đó, chia thành 4 mẫu, bao gồm mẫu đối chứng, dùng natri alginat, mẫu dùng PHA và natri alginat cộng với PHA. Tiếp đó, cho 3H – UR và 3H – TdR vào lần lượt từng mẫu rồi tính hệ số kích thích SI. Kết quả so với mẫu đối chứng có thể thấy, natri alginat có tác dụng thúc đẩy 3H – UR hoặc 3H – TdR xâm nhập vào tế bào lympho mạnh. Tuy nhiên, khi so sánh với PHA thì khả năng thúc đẩy này kém.

  • Tác dụng đối với các ảnh hưởng do chiếu xạ Co Y gây nên: Các nhà nghiên cứu sử dụng 40 con chuột nhắt có thể trọng từ 18 – 22 gram. Sau khi chia chúng thành 2 tổ, một tổ đối chứng và một tổ sẽ được tiêm xoang bụng chất alginat với liều lượng 100 mg/kg. Sau 7 ngày tiêm liên tục, ngày thứ 8 họ sẽ chiếu xạ Co Y trong 23 phút với tổng liều là 0,206 c/kg. Sau 30 ngày thực hiện thí nghiệm, kết quả cho thấy, natri alginat có công dụng trong việc bảo vệ chuột tránh khỏi những tổn thương do chiếu xạ Co Y gây nên. Đồng thời còn giúp kéo dài thời gian sống, làm giảm tỷ lệ tử vong.

  • Giúp làm giảm hàm lượng cholesterol huyết: Một số nghiên cứu trên chuột nhắt cho thấy, hàm lượng natri alginat có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết ở chuột một cách rõ rệt.

  • Giúp chống khối u: Các thành phần hóa học chứa trong rong mơ có tác dụng làm giảm và ức chế khối u phát triển

  • Kháng độc tố botulinum: Thành phần đường A và B có trong mơ có tác dụng kháng độc tố botulinum. Do đó giúp ức chế virus simplex herpes và bacillus subtilis

4. Cách dùng và liều lượng

Hải tảo được dùng dưới dạng thuốc sắc với liều lượng tối đa mỗi ngày là 6 – 12 gram.

tác dụng rong mơ

Rong mơ chứa nhiều iod, natri alginat có tác dụng cải thiện bướu cổ và ngăn ngừa khối u phát triển

 

III. Bài thuốc chữa bệnh từ rong mơ theo kinh nghiệm dân gian

+ Điều trị bệnh cao huyết áp theo Thanh Đảo Trung Thảo Dược Chủ Sách – Trung Quốc

Chuẩn bị rong mơ, hạ khô thảo, côn bố và mộc thông, mỗi vị 30 gram kết hợp chung với 6 gram hạnh nhân và 15 gram bạc hà. Tất cả các nguyên liệu sau khi làm sạch, phơi khô và nghiền thành bột mịn. Sau đó đem luyện với mật và làm hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 3 gram giúp ổn định huyết áp.

+ Trị phì đại tuyến tiền liệt gây bí tiểu ở người cao tuổi, người già

Chuẩn bị rong mơ, xuyên sơn giáp và côn bố, mỗi vị 10 gram, vương bất lưu hành, lệ chi hạch và quất hạch, mỗi vị 15 gram. Tất cả các vị thuốc cho vào ấm, thêm nước và sắc uống.

+ Chữa lao hạch

Dùng rong mơ, hạ khô thảo, thổ bối mẫu và hương phụ mỗi vị 9 gram sắc nước uống.

+ Điều trị ung thư trực tràng và thực quản

Sử dụng 30 gram rong mơ và 6 gram thủy tức đem nghiền thành bột. Mỗi lần uống, lấy 6 gram hoàn tan với rượu. Ngày uống 3 lần.

+ Chữa lở loét và bệnh tràng nhạc bằng bài thuốc Nam Dược Thần Hiệu

Dùng 2 phần rong mơ đem sao giòn với thóc. Sau đó, bỏ phần thóc, lấy phần rong đem tán bột mịn. Sử dụng 1 phần tằm vôi đem sao giòn và tán bột. Quả mơ muối đem rửa bằng nước sôi và bỏ hạt rồi lấy phần thịt giã nát.

Tiếp đó, cho tất cả các nguyên liệu này lại với nhau, trộn đều rồi hoàn thành viên nhỏ bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 3 – 6 lần. Mỗi lần uống 5 – 6 viên với nước cơm. Lưu ý, trong quá trình áp dụng bài thuốc này nên kiêng ăn thịt dê, gà và không uống rượu.

+ Bài thuốc trị bệnh u giáp trạng lảnh tính của Bắc Kinh – Trung Quốc

Dùng 15 gram rong mơ, 15 gram kim ngân hoa, 30 gram đông qua bì, 30 gram hải phù thạch, 15 gram thủy hồng hoa tử và 15 gram cồn bố. Mỗi ngày 1 thang, sắc uống.

 

IV. Kiêng kỵ

Rong mơ phối trộn với một số dược liệu khác có tác dụng làm tăng tính hiệu quả trong điều trị. Tuy nhiên, không nên dùng chung chúng với các loại thảo dược sau:

  • Cam thảo

  • Đại kích

  • Nguyên hoa

Ngoài ra, không nên sử dụng rong mơ cho người có tỳ vị hư hàn thấp trệ.

Bài viết về rong mơ nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm về thành phần, tác dụng cũng như các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này, các bạn nên liên hệ trực tiếp đến thầy thuốc hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn rõ hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top