✴️ Tê giác

Nội dung

Sừng tê giác được Đông Y xem là vị thuốc quý hiếm, có tác dụng cầm máu, hạ sốt và chống co giật. Tuy nhiên, những lời đồn thổi về công dụng của dược liệu này làm cho nhu cầu sử dụng tăng cao, khiến số lượng tê giác sụt giảm nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tê Giác

Công dụng của sừng tê giác bị thổi phồng quá mức khiến động vật này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

  • Tên gọi khác: Hương tê giác, Sừng tê giác, Tê ngưu giác,…

  • Tên khoa học: Rhinoceros unicornis

  • Họ: Tê giác (danh pháp khoa học: Rhinoceros)

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm

Tê giác là loài động vật có vú, sống trên cạn. Đặc điểm của loài động vật này là có lớp da dày và sừng mọc ở ngoài da, trong khi đó các loài động vật khác để có sừng mọc từ bên trong xương.

Sừng tê giác là thu bắt làm dược liệu thường là sừng của tê giác nhỏ một sừng (Rhinoceros sondaicus Desmarest). Đây là loại tê giác có chiều cao khoảng 1.6 – 1.7m, con cái thấp hơn cơn đực. Cân nặng khoảng 1.000 kg, dài 3.6 – 3.7m và có duy nhất 1 sừng (sừng dài từ 25 – 38cm). Ngoài ra, sừng cũng có thể được thu bắt ở tê giác hai sừng Indonesia và tê giác Ấn Độ.

2. Bộ phận dùng

Sừng tê giác.

3. Phân bố

Trước đây, tê giác sinh sống nhiều ở nước ta. Tuy nhiên với tình trạng săn bắt quá mức, số lượng quần thể tê giác hiện này còn rất thấp và đã được đưa vào sách đỏ (động vật cần được bảo tồn).

Hiện nay loài động vật này được tìm thấy ở Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ. Tê giác thường sinh sống ở các khu rừng nhiệt đới gần đầm lầy và hồ nước. Thức ăn chủ yếu của loài động vật này là cành nón, quả non và măng tre.

4. Thu bắt – sơ chế

Tê giác là loài động vât hung dữ và rất khó săn bắt. Quá trình săn bắt cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Thông thường sau khi săn bắt được, sừng sẽ được cưa và để dùng dần.

Tuy nhiên hiện tại số lượng tê giác đã sụt giảm nghiêm trọng nên hơn 80% sừng tê giác được bày bán trên thị trường đều là hàng giả và hàng kém chất lượng. Hơn nữa, do nhu cầu sử dụng cao nên giá thành của dược liệu này thường rất đắt đỏ, dao động từ vài chục đến vài trăm triệu.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo và thoáng mát.

6. Thành phần hóa học

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy sừng tê giác có canxi carbonat, canxi photphat, keratin và khi thủy phân sẽ cho các axit amin như xystein, axit tiolactin, tyrosin,…

Vị thuốc tê giác

1. Tính vị

Vị mặn, đắng, tính lạnh, không có độc.

2. Qui kinh

Quy vào kinh Can và Tâm.

3. Tác dụng dược lý

sừng tê giác

Nghiên cứu dược lý hiện đại không tìm thấy thành phần nào trong sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Theo các nghiên cứu mới nhất, sừng tê giác không hề có bất cứ thành phần nào có khả năng chữa trị bệnh và nâng cao sức khỏe.

  • Một số chuyên gia cho biết, thành phần trong sừng tê giác không có sự khác biệt so với sừng trâu.

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng: Giải độc, thanh nhiệt và định kinh.

  • Chủ trị: Hậu bối, nhức đầu, chảy máu cam, thổ huyết, sốt, vàng da, ung độc, tiểu đường,…

4. Cách dùng – liều lượng

Sừng tê giác thường được dùng bằng cách tán bột hoặc mài lấy nước uống. Theo kinh nghiệm dân gian, chỉ nên sử dụng từ 0.5 – 1g/ ngày hoặc có thể dùng liều lượng lớn 4 – 12g.

Bài thuốc chữa bệnh từ sừng tê giác

1. Bài thuốc giúp giải độc và giảm nóng sốt

  • Chuẩn bị: Mộc thông, sừng tê giác, cam thảo, phòng phong và tang bạch bì, mỗi thứ 4g.

  • Thực hiện: Sắc với 600ml nước, còn lại 200ml.

2. Bài thuốc chữa người bị nóng sốt và mê man

  • Chuẩn bị: 1 ít sừng tê giác mài với nước.

  • Thực hiện: Dùng uống trực tiếp có thể trị chảy máu cam, thổ huyết, nóng sốt, vàng da, phát ban,…

Kiêng kỵ khi dùng dược liệu sừng tê giác

Theo Đông y, sừng tê giác có tính hàn nên không sử dụng cho phụ nữ mang thai, người có cơ địa hàn và người không có đại nhiệt. Sử dụng dược liệu cho các trường hợp này có thể gây nguy hiểm đến hạ huyết áp và đe dọa đến tính mạng.

Có nên sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh?

Nhu cầu sử dụng dược liệu tê giác quá cao khiến cho loài động vật này bị săn bắt quá mức, dẫn đến tình trạng sụt giảm số lượng quần thể và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay việc săn bắt và mua bán dược liệu sừng tê giác đều bị cấm và được xem là các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó bạn không nên sử dụng dược liệu này để chữa bệnh.

Phần lớn sừng tê giác trên thị trường đều là hàng giả, kém chất lượng và được chào bán với giá rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, nghiên cứu dược lý hiện đại không hề tìm thấy bất cứ hoạt chất nào trong dược liệu này có khả năng chữa trị bệnh lý và tăng cường sức khỏe.

sừng tê giác

Số lượng tê giác sụt giảm nghiêm trọng làm mất tính đa dạng sinh hoạt và gây mất cân bằng sinh thái

Số lượng tê giác sụt giảm không chỉ gây mất cân bằng sinh thái mà còn ảnh hưởng đến sự đa dạng giống loài. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ động vật hoang dã bằng cách nói không với việc săn bắt và mua bán sừng tê giác.

Các dược liệu thay thế sừng tê giác

Theo Đông Y, sừng tê giác có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu và hạ sốt. Do đó bạn có thể thay thế dược liệu này bằng các thảo dược có đặc tính dược lý tương tự.

– Tác dụng giảm sốt và chống co giật

Bạn có thể sử dụng hoa hòe và ngó sen để hạ thân nhiệt, chống co giật thay cho sừng tê giác.

  • Hoa hòe: Glucoside, Kaemferol và Quercetin trong dược liệu này có tác dụng hạ thân nhiệt, cầm máu, giảm choáng váng, nhức đầu,… Dược liệu hoa hòe có giá thành tương đối rẻ và có thể dễ dàng tìm mua tại các phòng khám để Đông Y.

  • Nhọ nồi (cỏ mực): Nhọ nồi là vị thuốc Nam quen thuộc, có tác dụng thanh nhiệt và hạ sốt. Để giảm thân nhiệt và chống co giật, bạn có thể dùng cỏ mực sao khô và sắc lấy nước uống.

  • Rau diếp cá: Rau diếp cá có vị chua, tính lạnh, tác dụng nhuận tràng và hạ sốt hiệu quả. Dược liệu này có giá thành rất thấp, dễ tìm mua và tác dụng đã được công nhận trên cơ sở khoa học.

– Tác dụng cầm máu:

Ngoài tác dụng hạ sốt, theo Đông Y sừng tê giác còn có tác dụng cầm máu hiệu quả. Để thay thế tác dụng này của sừng tê giác, bạn có thể sử dụng trắc bách diệp, cây huyết dụ, ngó sen,…

  • Trắc bách diệp: Dược liệu có vị chát, đắng, tính hơi lạnh, tác dụng sát trùng, lương huyết và cầm máu. Tác dụng cầm máu của trắc bách diệp đã được chứng minh qua thí nghiệm thời gian chảy máu trên chuột nhắt. Do đó bạn có thể sử dụng dược liệu này để chữa đại tiện ra máu, trĩ xuất huyết, xuất huyết dạ dày,…

  • Cây huyết dụ: Huyết dụ là loài thực vật có lá màu đỏ đặc trưng. Dược liệu có tính mát, vị nhạt, tác dụng bổ huyết, tan huyết ứ và cầm máu.

  • Ngó sen: Không chỉ được sử dụng để làm thực phẩm, ngó sen còn có tác dụng cầm máu, điều kinh và bổ huyết. Dược liệu này thường được dùng để cầm máu khi bị chảy máu cam.

Ngoài ra, nếu có mong muốn sử dụng dược liệu có thành phần hóa học tương tự sừng tê giác, bạn có thể thay thế bằng sừng trâu (Water Buffalo Horn). Theo các chuyên gia, sừng tê giác và sừng trâu có chứa các amino axit giống nhau. Bên cạnh đó, hàm lượng các amino acid trong sừng trâu còn dồi dào hơn so với sừng tê giác.

Như vậy có thể thấy, tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác chưa thực sự được chứng minh trên phương diện khoa học. Hầu hết các bài thuốc từ dược liệu này đều được lưu truyền trong dân gian và chưa có cơ sở nào chứng minh về cải thiện lâm sàng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top