✴️ Hydralazin

Tên chung quốc tế: Hydralazine.

Mã ATC: C02D B02.

Loại thuốc: Thuốc chống tăng huyết áp.

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 10 mg, 20 mg, 100 mg, thuốc tiêm: 20 mg/ml.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Hydralazin là thuốc giãn mạch ngoại vi chọn lọc trên động mạch. Nó làm giảm mạch cản bằng cách giảm trương lực cơ. Trong điều trị tăng huyết áp, giảm mạch cản sẽ dẫn đến giảm sức cản ngoại vi và làm hạ huyết áp. Tuy nhiên hydralazin vẫn duy trì lưu lượng máu đến thận và não, thông qua cơ chế điều hòa cân bằng nội mô (tăng tần số và tăng lưu lượng tim). Dùng hydralazin đơn trị liệu, uống dài ngày chỉ hạ huyết áp vừa phải, vì vậy nên cần phải phối hợp với các thuốc chẹn beta và/hoặc các thuốc lợi tiểu.

Trong suy tim/suy tim sung huyết, hydralazin làm giảm mạch cản, làm tăng lưu lượng tim, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến huyết áp, áp lực đổ đầy thất trái và tần số tim. Do lưu lượng tim tăng, lưu lượng máu qua thận cũng tăng và kết quả là cải thiện chức năng thận.

Tác dụng huyết động học của hydralazin trong suy tim mạn mạnh nhất sau 2 - 3 giờ, duy trì tác dụng trong ít nhất 6 - 8 giờ. Trong suy tim mạn tính, hydralazin cần được dùng phối hợp với các thuốc điều trị nguyên nhân như thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin, digitalis và các thuốc lợi tiểu, là các thuốc cơ bản điều trị suy tim.

Dược động học

Hydralazin hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, khả dụng sinh học là 85%. Tuy nhiên, khả dụng sinh học phụ thuộc vào mức độ acetyl hóa thuốc ở gan. Do bị chuyển hóa ở gan nên khả dụng sinh học giảm xuống chỉ còn 10 - 20% ở những người bệnh acetyl hóa nhanh và 30 - 40% ở những người bệnh acetyl hóa chậm. Phần lớn người Châu á có mức acetyl hóa nhanh.

Nồng độ thuốc trong huyết thanh đạt tối đa sau khoảng 1 giờ. Hydralazin phân bố nhanh và có ái lực đặc biệt với hệ cơ quanh động mạch. Thể tích phân bố khoảng 6 lít/kg. Hydralazin chuyển hóa chủ yếu qua acetyl hóa ở gan. Khoảng 80% liều dùng đào thải qua nước tiểu trong 24 giờ, dưới 5% thuốc ở dạng không chuyển hóa.

 

Chỉ định

Tăng huyết áp khi thuốc chẹn beta và các thuốc lợi tiểu không có tác dụng

Suy tim khi dùng digitalis, các chất ức chế enzym chuyển dạng angiotensin và các thuốc lợi tiểu không đủ hiệu lực.

Hydralazin không phải là thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị, do các tác dụng có hại của nó.

 

Chống chỉ định

Tiền sử lupus ban đỏ hệ thống (SLE), nhịp tim nhanh, có triệu chứng quá mẫn với thuốc.

Phình mạch tách.

Suy tim có tăng lưu lượng tim, tâm phế mạn.

Hẹp van 2 lá hoặc van động mạch chủ, viêm màng tim co thắt.

 

Thận trọng

Hydralazin làm giãn mạch nên gây kích thích cơ tim. Do đó, thuốc phải dùng thận trọng cho người bị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, vì có thể làm tăng đau thắt ngực và thuốc không được dùng cho người bị nhồi máu cơ tim cho tới khi bệnh được ổn định. Người nghi ngờ hoặc khẳng định bị bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim trước khi dùng hydralazin phải được dùng vài ngày trước một thuốc chẹn beta để đề phòng kích thích cơ tim.

Nếu dùng hydralazin cho người suy tim, phải theo dõi hạ huyết áp tư thế và tim nhanh trong giai đoạn đầu của liệu pháp và nên điều trị ở bệnh viện. Nếu muốn ngừng điều trị hydralazin ở người suy tim, phải giảm dần.

Phải thận trọng dùng hydralazin cho người bị bệnh ở mạch máu não.

Phải giảm liều hoặc kéo dài khoảng cách dùng thuốc khi người bệnh có tổn thương thận hoặc gan.

Nếu dùng hydralazin dài ngày, phải định kỳ làm xét nghiệm máu (số lượng hồng bạch cầu, công thức bạch cầu và kháng thể kháng nhân), nước tiểu (hồng cầu, protein).

Trong giai đoạn đầu điều trị, không nên lái xe hoặc đứng máy.

Thời kỳ mang thai

Có thể sử dụng hydralazin cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Hydralazin bài tiết vào sữa mẹ với số lượng ít, không có tác hại cho trẻ bú sữa mẹ, vì vậy hydralazin có thể dùng cho người mẹ trong thời kỳ cho con bú.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Xuất hiện ở khoảng 25% số người bệnh được điều trị. Hầu hết các phản ứng có hại xảy ra lúc bắt đầu điều trị hoặc khi tăng liều hoặc/và có liên quan đến hiệu quả giãn mạch. Các phản ứng liên quan trực tiếp là nhức đầu, trống ngực, nhịp tim nhanh và thường mất sau 1 tuần điều trị.

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Nhức đầu, sốt.

Tuần hoàn: Tăng tần số tim, đỏ bừng mặt.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.

Phản ứng khác: Phản ứng kháng thể kháng nhân dương tính, đau khớp, đau cơ.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Toàn thân: Triệu chứng giống lupus ban đỏ hệ thống.

Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu.

Tuần hoàn: Ứ nước, giống cơn đau thắt ngực, choáng váng.

Da: Phản ứng quá mẫn.

Gan: Tăng enzym gan trong máu.

Các phản ứng khác: Tắc mũi, chảy nước mắt.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Thần kinh trung ương: Lo lắng, trầm cảm.

Tiết niệu: Viêm cầu thận cấp tính.

 

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Trong thời gian điều trị dài ngày, quá 6 tháng, hydralazin có thể gây các triệu chứng giống lupus ban đỏ hệ thống, đặc biệt nếu dùng liều trên 100 mg. ở thể bệnh trung bình, biểu hiện lupus giống các triệu chứng của bệnh thấp: đau khớp, sốt, phát ban. Các triệu chứng này mất đi khi ngừng điều trị.

Trong các trường hợp nặng hơn, các triệu chứng giống như lupus ban đỏ hệ thống cấp. Cần điều trị bằng corticosteroid kéo dài. Nguy cơ các phản ứng này tăng khi tăng liều hoặc điều trị kéo dài. Vì vậy, nên dùng liều thấp nhất có thể.

 

Liều lượng và cách dùng

Thuốc viên

Tăng huyết áp hoặc suy tim: Ban đầu uống 40 mg/ngày, chia thành nhiều lần (4 lần) trong 2 - 4 ngày. Sau đó, liều có thể tăng theo đáp ứng của người bệnh, nhưng không vượt quá 100 mg/ngày.

Trẻ em: 0,75 mg/kg/ngày, hoặc 25 mg/m2/ngày chia 4 lần. Liều đầu tiên không được vượt quá 25 mg. Nếu cần, liều có thể tăng dần trong thời gian 3 - 4 tuần, tối đa 7,5 mg/kg.

Thuốc tiêm

Cơn tăng huyết áp: Tiêm tĩnh mạch 5 - 10 mg trong thời gian trên 20 phút hoặc truyền tĩnh mạch 200 - 300 microgam/phút. Có thể nhắc lại sau 20 - 30 phút, nếu cần. Liều duy trì thông thường từ 50 - 150 microgam/phút.

Trẻ em: 1,7 - 3,5 mg/kg/ngày, chia làm 4 - 6 lần. Liều đầu tiên không được vượt quá 20 mg.

Suy thận, hoặc suy gan: Liều hydralazin phải giảm hoặc kéo dài khoảng cách 2 liều.

Nhận xét

Nguy cơ phản ứng có hại về miễn dịch tăng khi tăng liều hoặc điều trị kéo dài, đặc biệt với người bệnh có khả năng acetyl hóa chậm, và đặc biệt ở liều trên 100 mg. Triệu chứng giống lupus ban đỏ toàn thể do uống hydralazin xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ. Vì vậy, với phụ nữ và những người có khả năng acetyl hóa chậm, liều không nên vượt quá 100 mg/ngày.

Với người acetyl hóa nhanh, có đáp ứng điều trị kém với liều 100 mg/ngày, thì có thể tăng liều mà ít có nguy cơ tăng tác dụng có hại.

Nếu triệu chứng lâm sàng giống lupus ban đỏ hệ thống xuất hiện, cần ngừng điều trị ngay lập tức.

Có thể gặp bệnh thần kinh ngoại biên do hàm lượng vitamin B6 trong cơ thể bị giảm vì dùng hydralazin. Cần cho thêm vitamin B6.

Sự tăng tần số tim theo phản xạ khi dùng hydralazin có thể làm bệnh nặng thêm trong trường hợp có cơn đau thắt ngực.

Ở người bệnh có nghi ngờ hoặc biểu hiện bệnh mạch vành, nên phối hợp hydralazin với các thuốc chẹn beta. Các thuốc chẹn beta phải được dùng trước khi bắt đầu điều trị bằng hydralazin.

Không nên điều trị bằng hydralazin ở người bệnh bị nhồi máu cơ tim trước khi tuần hoàn được tái lập ổn định. Trong trường hợp này, phải có ý kiến tham vấn của các thầy thuốc chuyên khoa.

Hạ huyết áp quá mức có thể gây nguy hiểm cho những người lái xe hoặc điều khiển máy móc hoặc hoạt động cần tập trung cao độ.

 

Tương tác

Các thuốc chống viêm không steroid làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của hydralazin.

Diazoxid và các thuốc chống tăng huyết áp khác có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của hydralazin.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản trong bình kín, tránh ánh sáng. Thuốc phải được tiêm ngay sau khi mở ống thuốc tiêm.

 

Tương kỵ

Thuốc phản ứng với kim loại, vì vậy phải dùng các màng lọc không kim loại và nên sử dụng càng nhanh càng tốt, sau khi lấy thuốc qua kim tiêm vào bơm tiêm.

 

Quá liều và xử trí

Biểu hiện: Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thiếu máu cơ tim cục bộ, loạn nhịp tim, sốc và có thể bị hôn mê.

Xử trí: Rửa dạ dày với than hoạt.

Ðiều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng.

Sốc được điều trị bằng tăng thể tích tuần hoàn hơn là dùng các chất co mạch.

Cần kiểm tra cân bằng nước và điện giải đồng thời theo dõi chức năng thận.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top