✴️ Oxymetazolin hydroclorid

Nội dung

Tên chung quốc tế: Oxymetazoline.

Mã ATC: R01A A05, R01A B07, S01G A04.

Loại thuốc: Thuốc làm giảm sung huyết.

 

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch nhỏ mũi 0,025%; 0,05%.

Dung dịch nhỏ mắt 0,025%.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Oxymetazolin hydroclorid là một dẫn chất imidazolin có tác dụng giống thần kinh giao cảm. Oxymetazolin có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự naphazolin và xylometazolin. Thuốc tác dụng lên các thụ thể alpha - adrenergic ở các tiểu động mạch của niêm mạc mũi làm co mạch, dẫn đến giảm lưu lượng máu và giảm sung huyết mũi. Thêm vào đó, thuốc làm thông lỗ vòi nhĩ đang bị tắc. Mũi được thông khí trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, có thể lại bị giãn mạch lại và sung huyết ở mức độ nào đó. Do vậy, tránh dùng thuốc dài ngày (nhiều nhất là 1 tuần). Dùng oxymetazolin nhỏ mắt, sung huyết kết mạc giảm đi, nhưng nếu lạm dụng thuốc có thể sung huyết "bật lại".

Dược động học

Sau khi nhỏ mũi dung dịch oxymetazolin hydroclorid, tác dụng co mạch tại chỗ thường đạt được trong vòng 5 - 10 phút, duy trì 5 - 6 giờ rồi giảm dần trong 6 giờ tiếp sau. Dùng tại chỗ ở mắt, tác dụng co mạch xảy ra trong vòng 5 phút và kéo dài tới 6 giờ. Không có thông tin về sự phân bố và thải trừ của thuốc ở người.

 

Chỉ định

Giảm tạm thời sung huyết mũi do cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, sốt cỏ khô hoặc dị ứng đường hô hấp trên.

Giảm sung huyết ở xoang.

Giảm tạm thời đỏ mắt do kích ứng nhẹ, như kích ứng vì dị ứng phấn hoa, lạnh, bụi, khói, gió, bơi lội hoặc đeo kính áp tròng.

 

Chống chỉ định

Người bệnh mẫn cảm với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc với các thuốc có tác dụng adrenergic.

Người bệnh bị glôcôm.

Không dùng thuốc nhỏ mũi oxymetazolin hydroclorid 0,05% cho trẻ em dưới 6 tuổi.

 

Thận trọng

Dùng oxymetazolin quá liều, kéo dài hoặc quá thường xuyên có thể kích ứng niêm mạc mũi, đặc biệt ở trẻ em; có thể gây tác dụng phụ toàn thân như tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, đánh trống ngực hoặc nhịp tim chậm phản xạ. Thận trọng với những người bị bệnh mạch vành, đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp (bệnh có thể tăng lên do thuốc gây tác dụng trên tim mạch), người đái tháo đường, cường tuyến giáp.

Thời kỳ mang thai

Chưa có tài liệu nào ghi nhận có vấn đề gì xảy ra trên người.

Thời kỳ cho con bú

Chưa có tài liệu nào ghi nhận có vấn đề gì xảy ra trên người.

 

Tác dụng không mong muốn(ADR)

Các phản ứng bất lợi thường không phổ biến. Tuy nhiên, nói chung không nên dùng thuốc quá 1 tuần, vì dùng thuốc dài ngày có thể gây viêm mũi do thuốc.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Hô hấp: Hắt hơi, khô miệng và khô họng.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Thần kinh trung ương: Kích động, dễ bị kích thích, khó ngủ đặc biệt ở trẻ em.

Ðường hô hấp: Kích ứng tại chỗ.

 

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ngừng thuốc nếu có phản ứng phụ xảy ra.

 

Liều lượng và cách dùng

Dung dịch nhỏ mũi oxymetazolin được dùng tại chỗ dưới dạng nhỏ hoặc phun vào niêm mạc mũi. Dạng thuốc phun mù thường được ưa dùng hơn vì ít bị nuốt phải thuốc nên hạn chế được hấp thu toàn thân, trừ đối với trẻ nhỏ tuổi vì khó sử dụng.

Liều dùng: Trẻ em 6 tuổi trở lên và người lớn: nhỏ 2 - 3 giọt hoặc phun dung dịch 0,05% vào mỗi lỗ mũi, 2 lần/ngày, vào buổi sáng và tối.

Trẻ em 2 - 6 tuổi: nhỏ mũi 2 - 3 giọt hoặc phun dung dịch 0,025%, cách dùng giống như trên.

Trẻ dưới 2 tuổi: Liều lượng chưa được xác định.

Không nên tự dùng thuốc nhỏ mũi oxymetazolin quá 3 ngày. Nếu sau 3 ngày vẫn còn các triệu chứng, phải ngừng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.

Dung dịch nhỏ mắt được nhỏ vào kết mạc người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, 1 giọt dung dịch 0,025%, 6 giờ một lần.

Trẻ em tới 6 tuổi: Liều dùng dung dịch thuốc nhỏ mắt cần được chỉ định bởi thầy thuốc.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Bảo quản trong các lọ kín, ở nhiệt độ không quá 400C, tốt hơn là 2 - 300C. Không để đông lạnh. Không đựng thuốc trong các đồ đựng bằng nhôm.

 

Quá liều và xử trí

Dùng quá nhiều hoặc trẻ em sơ ý uống nhầm có thể gây suy giảm nặng chức năng hệ thần kinh trung ương, có thể cần phải điều trị hỗ trợ tích cực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top