✴️ Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA tuyến giáp)

Nội dung

Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ là gì?

FNA tuyến giáp là kỹ thuật hút lấy tế bào và mẫu mô bệnh phẩm tuyến giáp bằng một kim nhỏ. Mẫu bệnh phẩm này sau đó sẽ được xử lý và phân tích tại khoa giải phẫu bệnh để đưa ra chẩn đoán về mặt tế bào học.

 

Chỉ định chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ?

Những chỉ định chính của FNA tuyến giáp bao gồm:

  • Đánh giá các nhân giáp đơn độc ( mục đích phân biệt tổn thương lành tính và ác tính).
  • Đánh giá các tổn thương tuyến giáp lan tỏa ( với mục đích phân biệt các tổn thương viêm/tự miễn và phình giáp).
  • Xác nhận chẩn đoán và phân loại các tổn thương giáp có dấu hiệu lâm sàng ác tính rõ.
  • Thu thập mẫu bệnh phẩm để thực hiện các xét nghiệm bổ trợ.
  • Đánh giá các tổn thương tuyến giáp phát hiện được trên chẩn đoán hình ảnh, đường kính từ 1-1.5cm có các dấu hiệu gợi ý ác tính.

 

Độ chính xác chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ?

FNA tuyến giáp được đánh giá là một công cụ chẩn đoán hiệu quả, độ chính xác trên 95%; với giá trị tiên đoán dương từ 89-98%, giá trị tiên đoán âm 94-99%; tỉ lệ âm giả và dương giả dưới 1%. FNA tuyến giáp đã giúp chọn lọc đúng các trường hợp cần phẫu thuật, giảm hơn phân nữa số trường hợp phải mổ, đồng nghĩa việc giảm chi phí điều trị.

 

Hệ thống phân loại Bethesda 2018 chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ

  • Nhóm I: Không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
  • Nhóm II: Lành tính.
  • Nhóm III:Tế bào không điển hình, ý nghĩa không xác định.
  • Nhóm IV:Nghi ngờ u tuyến giáp dạng nang.
  • Nhóm V:Nghi ngờ ác tính.
  • Nhóm VI:Ác tính.

 

Đặc điểm tế bào học một số bệnh lý tuyến giáp thường gặp

Phình giáp đa hạt

Phết tế bào chọc hút bằng kim nhỏ có các đặc điểm sau đây :

  • Nang giáp lớn còn nguyên vẹn hoặc bị vỡ thành các đám phẳng 2 chiều giống hình tổ ong với các tế bào nang giáp sắp xếp đều đặn, nhân tròn chứa chất nhiễm sắc thể dạng hạt thô, tương đối tăng sắc. Một số trường hợp có thể thấy vài nang giáp nhỏ (6-12 tế bào), nhưng không chiếm quá 10% so với các đám phẳng 2 chiều. Tế bào nang giáp có thể mất bào tương chỉ còn nhân trần. Một số tế bào nang giáp có thể chuyển sản thành tế bào Hurthle với nhân lớn, hạch nhân rõ và bào tương dạng hạt ái toan.
  • Chất keo giáp thường nhiều và loãng, có thể thấy vài đám chất keo giáp đặc.
  • Đại thực bào, có thể bị ứ đọng hemosiderin do hiện tượng xuất huyết.
  • Các đám tế bào lót bọc do hiện tượng thoái hóa học, có nhân lớn hình bầu dục, bắt mầu lợt

Nhóm II:Nốt phình giáp lành tính.

Tế bào nang giáp tạo thành đám có dạng tổ ong, tế bào chất nhạt màu, nhân nhỏ tròn, nhỏ, có khoảng cách đều.

 

Viêm giáp cấp tính

Phết tế bào học có các đặc điểm sau đây:

  • Ít tế bào nang giáp, ít hoặc không có chất keo giáp.
  • Nền tiêu bản chứa đầy bạch cầu đa nhân, đại thực bào, mảnh vụn tế bào hoại tử.

Nhóm II:Viêm giáp cấp.

Phết có rất nhiều bạch cầu đa nhân trung tính, đôi khi có cả đại thực bào.

 

Viêm giáp Hashimoto

  • Phết đa dạng về tế bào, gồm các tế bào nang giáp bình thường và nhiều đám phẳng 2 chiều tạo bởi các tế bào Hurtle có nhân lớn, hạch nhân rõ, bào tương nhiều và dạng hạt. Đáng chú ý là các tế bào Hurtle có thể có kích thước tế bào và nhân to nhỏ không đều, một số nhân bắt màu lợt và có rãnh, có thể lầm với carcinoma tuyến giáp dạng nhú.
  • Nền tiêu bản chứa nhiều lympho bào, tương bào, các đám lympho bào và đại thực bào ăn thể màu (xuất phát từ trung tâm mầm của các nang lympho) và cũng có thể gặp đại bào nhiều nhân.
  • Ít keo giáp.

Viêm giáp hạt

  • Phết tương đối ít tế bào, gồm các đại bào nhiều nhân và các đám tế bào dạng biểu mô có nhân hình bầu dục thuôn dài, bào tương nhiều, ranh giới tế bào không rõ.
  • Nền tiêu bản chứa một ít tế bào nang giáp, chất keo giáp và các tế bào viêm như lympho bào, tương bào.

Tổn thương tuyến giáp dạng nang

Phết tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ tổn thương nghi ngờ u tuyến giáp dạng nang có các đặc điểm sau đây:

  • Phết giàu tế bào.Các tế bào nang giáp sắp xếp chồng lên nhau tạo thành đám đặc hoặc bè 3 chiều và rất nhiều cấu trúc nang giáp nhỏ (>50%) với kích thước khá đồng đều, mỗi nang chỉ có 6-12 tế bào nang giáp. Không có các đám phẳng hình tổ ong.
  • Các tế bào nang giáp có nhân tròn, tăng sắc nhẹ và ít bào tương.
  • Không có chất keo trên nền tiêu bản.

Nhóm IV:Tổn thương tuyến giáp dạng nang.

Mẫu phết gồm các cấu trúc vi nang, với nhân tế bào chồng lấp,vài đám tế bào lỏng lẻo và một số tế bào đơn độc.

 

Carcinoma tuyến giáp dạng nhú (Papillary thyroid carcinoma)     

Phết tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ có các đặc điểm sau đây:

  • Các tế bào u tạo thành cấu trúc nhú một lớp 2 chiều hoặc cấu trúc nhú 3 chiều có chứa trục liên kết mạch máu; tuy nhiên loại cấu trúc nhú 3 chiều tương đối ít gặp.
  • Tế bào u có nhân lớn hình bầu dục, bắt màu lợt chồng chất lên nhau, nhân có rãnh và thể vùi. Các đặc điểm nhân này có thể tìm thấy tương đối dễ dàng khắp tiêu bản.
  • Ngoài ra, có thể thấy các tế bào u dạng gai (có bào tương đặc), đại bào nhiều nhân (nguồn gốc đại thực bào), chất keo giáp ngoằn ngoèo dạng dây thừng và thể psammoma (thấy trong 4-20% phết tế bào carcinoma tuyến giáp dạng nhú).

Hình 1. Nhóm VI:Mẫu FNA carcinoma tuyến giáp dạng nhú.

Mẫu phết có trúc nhú:trục liên kết kết mạch máu lót bởi các lót bởi các tế bào tân sinh.

Hình 2.Các tế bào carcinoma tuyến giáp dạng nhú có nhân lớn, nhạt màu, chồng chất, có rảnh và giả thể vùi trong nhân.

 

Carcinôm tuyến giáp kém biệt hóa (Poorly diferentiated thyroid carcinoma)

  • Phết giàu tế bào, tế bào u tạo thành các đám đặc dạng đảo hoặc phân bố rời rạc.
  • Tế bào u có nhân tròn tăng sắc nhẹ, có thể hơi to nhỏ không đều; bào tương ít khiến tỉ lệ nhân/bào tương tăng. Có thể  thấy hình ảnh phân bào và chất hoại tử u trên nền tiêu bản.

Carcinôm tuyến giáp không biệt hóa (Undifferentiated thyroid carcinoma)

  • Phết giàu tế bào, tế bào u phân bố rời rạc, rất đa dạng, có hình thoi, đa diện hoặc giống tương bào.
  • Tế bào u rất dị dạng, nhân lớn và méo mó, tăng sắc, chất nhiễm sắc thô, hạch nhân lớn; có thể gặp tế bào u khổng lồ nhiều nhân. Nhiều hình ảnh phân bào và có phân bào bất thường.
  • Nền tiêu bản chứa nhiều chất hoại tử và bạch cầu đa nhân.

Biến chứng chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ

FNA tuyến giáp có thể gây ra chảy máu tại chổ, đôi khi gây khối máu tụ ở vùng trước của cổ với nguy cơ chèn ép đường thở.Khối máu tụ vùng động mạch cảnh là một biến chứng rất hiếm gặp. Làm thủng khí quản trong quá trình lấy mẩu thường làm bệnh nhân ho. Bệnh nhân có thể ho ra máu một lượng nhỏ, nhưng hồi phục nhanh chóng. Thủ thuật này có thể chuyển một nhân giáp lạnh thành một nhân giáp nóng và ngược lại, nên cần kiểm tra trước khi tiến hành. Chảy máu, hoại tử hoặc nhồi máu do kỹ thuật FNA có thể gây khó khăn cho đánh giá tế bào học tuyến giáp. Ở những trường hợp cần thực hiện lại FNA do mẫu không đủ tiêu chuẩn, cần có một khoảng cách thời gian khoảng một tuần đến 10 ngày để giảm tối đa các các yếu tố gây nhiễu (antifact) do lần thủ thuật trước đó.Sự gieo rắc tế bào u theo đường kim rất hiếm gặp.

 

Tổng kết

FNA tuyến giáp là một phương tiện cận lâm sàng thực hiện nhanh, chính xác, chi phí hợp lý với tỷ lệ biến chứng thấp. Độ nhạy và giá trị dự báo dương cao trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top