✴️ Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Viêm ruột hoại tử về mặt giải phẫu học là tổn thương nhiều vị trí lan tỏa ở một ruột non và/ hoặc một ruột già dưới dạng đám hoại tử do thiếu máu và xuất huyết, khởi đầu ở lớp niêm mạc( có thể gây nên loét, thủng ruột), và dưới dạng bóng hơi( xâm nhập của khí vào lớp dưới niêm mạc và/ hoặc dưới màng bụng và / hoặc trong tĩnh mạch cửa)

Bệnh được coi là một cấp cứu nội - ngoại khoa hay gặp ở trẻ sơ sinh, chiếm từ 1- 5 % tại các khoa sơ sinh, đặc biệt hay gặp ở nhóm trẻ đẻ non, gấp khoảng 100 lần so với trẻ sinh đủ tháng

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm: đẻ non, chế độ ăn, nhiễm khuẩn, thiếu máu- oxy, chất trung gian của viêm

- Đẻ non: trên 90 % trẻ bị viêm ruột hoại tử là trẻ đẻ non, phần lớn < 32 tuần tuổi, trong đó vai trò về sự trưởng thành của đường tiêu hóa đóng vai trò quan trọng

- Chế độ ăn có độ thẩm thấu cao, nhỏ giọt sữa vào tá tràng quá nhanh…Ngược lại sữa mẹ lại là yếu tố phòng bệnh. Ăn đường miệng vài ngày sau đẻ có tác dụng phòng bệnh ở trẻ đẻ rất non(4-7 ngày)

- Nhiễm khuẩn: vi khuẩn có thể tìm thấy như Clostridium, một số loại ký sinh cùng sự chưa hoàn thiện của nhu động ruột làm tăng sự phát triển của vi khuẩn đường ruột

- Thiếu máu và thiếu oxy: các tình trạng lâm sàng như suy thai cấp, ngừng thở- ngừng tim- nhịp tim chậm tái diễn, rối loạn huyết động học, còn ống động mạch…có nguy cơ gây thiếu máu đường tiêu hóa. Chất trung gian của viêm: yếu tố hoại tử u( TNF), IL-1, IL6

Triệu chứng lâm sàng đa dạng, thường gặp ở nhóm trẻ dưới 32 tuần tuổi. Trẻ có biểu hiện thay đổi nhiệt độ, giảm tưới máu, li bì, suy hô hấp, bụng chướng, tăng ứ đọng dịch dạ dày, nôn dịch xanh, phân có máu. Nếu nặng hơn, trẻ có biểu hiện sốc, thủng ruột, viêm phúc mạc

Các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm các biến đổi trong công thức máu ( bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, tiểu cầu hạ, điện giải đồ thay đổi: Natri giảm, toan chuyển hóa).

Biến đổi trên phim Xquang có giá trị quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm ruột hoại tử. Các hình ảnh có thể gặp bao gồm: dày thành ruột, hình bóng hơi trong thành ruột hoặc thành tĩnh mạch cửa có giá trị chẩn đoán xác định. Ngoài ra có thể thấy hình ảnh tràn khí phúc mạc

Phân loại của Bell M.J và cộng sự căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, sinh hóa và Xquang chia bệnh làm các nhóm gồm viêm ruột hoại tử nghi ngờ ( IA nghi ngờ và IB có thể) và khẳng định( II: nhẹ hoặc vừa, III: rất nặng)

Cần lưu ý chẩn đoán phân biệt bệnh với các nhóm bệnh khác như: viêm đại tràng chảy máu, thủng ruột đơn thuần, xoắn ruột non, không thích ứng protein sữa bò

Điều trị viêm ruột hoại tử chia làm giai đoạn cấp tính và sau giai đoạn cấp và tùy vào mức độ bệnh mà có các chỉ định điều trị khác nhau bao gồm:  kháng sinh ( cần được chỉ định trong 24 giờ đầu), hỗ trợ hô hấp mũi là chống chỉ định trong bệnh này, dừng ăn đường miệng, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, hút dịch dạ dày. Điều trị ngoại khoa trong giai đoạn cấp tính cần được thảo luận, cần được chỉ định khi tình trạng bệnh nhân ổn định

Biến chứng của bệnh có thể gặp như hẹp ruột thứ phát, tắc mật, nhuyễn não chất trắng, rối loạn nhu động ruột và/ hoặc chậm phát triển. Bệnh có tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 9 – 28 % tùy theo thống kê, trẻ càng non, tỷ lệ biến chứng càng cao. Bệnh lúc đầu nặng, trẻ được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kéo dài, cắt ruột, không giữa được van Bauhin, đoạn ruột non còn lại nhỏ hơn 80 cm

Các bà mẹ khi mang thai cần chăm sóc thai kỳ thật tốt để hạn chế tình trạng đẻ thiếu tháng giúp trẻ sinh ra hạn chế nguy cơ mắc nhiều bệnh lý sau sinh mà viêm ruột hoại tử là một bệnh nguy hiểm hay gặp.

Thận trọng khi nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng bằng đường ruột vì cho trẻ ăn số lượng lớn, tăng nhanh số lượng với thời gian không hợp lý là nguy cơ gây viêm ruột hoại tử. Nên cho trẻ ăn từ từ từng bữa với lượng nhỏ. Việc điều chỉnh tốt thời gian và lượng sữa trong bữa ăn có thể phòng ngừa được viêm ruột hoại tử. Nên tăng dần lượng sữa không quá 20ml/kg/ngày. Đồng thời cần theo dõi và đánh giá tình trạng dung nạp sữa của trẻ;

Trẻ cần được cho bú sữa mẹ ngay ở những giờ đầu sau sinh vì sữa mẹ chứa nhiều yếu tố bảo vệ như IgA, IgG, IgM,... giúp giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non. Các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn cả ngày và đêm. Để có nguồn sữa dồi dào, sản phụ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chú trọng nhất về chất đạm, đồng thời nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top