✴️ Bị đau đầu mãn tính do đâu và cách phòng ngừa hiệu quả

1. Thế nào là bị đau đầu mãn tính?

Bị đau đầu mãn tính là tình trạng đau nhức đầu xảy ra thường xuyên và bất cứ lúc nào, thời gian thường kéo dài ít nhất 1 tháng trở lên, gây tình trạng khó chịu cho người bệnh. Điều trị tích cực từ sớm và kiểm soát đều đặn, sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng mỗi lần cơn đau đầu tái phát và tần suất cơn đau đầu tái phát cũng diễn ra ít hơn.

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau đầu mãn tính có thể xuất hiện những cơn đau đầu kéo dài trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Các cơn đau đầu này có thể xảy ra ở những người có tiền sử đau nửa đầu, cảm giác đau nhói từ vừa đến nặng.

Đau đầu mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị từ sớm

 

2. Các loại đau đầu mãn tính thường gặp

Khi bị đau đầu mãn tính cũng sẽ có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau để người bệnh giảm đau đầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào loại đau đầu mà người bệnh gặp phải.

 

2.1 Đau đầu khi căng thẳng

Trong trường hợp đau đầu do căng thẳng, cơn đau sẽ xảy ra liên tục, có cảm giác như có dải quấn quanh đầu. Cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh: Lo lắng, căng thẳng, làm việc liên tục, ngủ sai tư thế…

Đau đầu do căng thẳng có thể ảnh hưởng cả hai bên đầu của người bệnh. Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm để giúp bớt đau và ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên tạo khoảng thời gian thư giãn và tránh căng thẳng.

Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu mãn tính thường gặp nhất ở người trẻ

 

2.2 Đau nửa đầu

Đau nửa đầu cũng là một trong những loại đau đầu mãn tính, thường có biểu hiện đau nhói ở một bên đầu. Các triệu chứng bao gồm: Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn hay mùi hương, buồn nôn và ói mửa, mắt nhìn mờ, nhìn thấy chấm hoặc đường cong bất thường.

Chứng đau nửa đầu có thể kéo dài đến vài ngày, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc giúp giảm đau đầu thường xuyên. Một số biện pháp khác được áp dụng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu bao gồm:

– Sử dụng liệu pháp hormone đối với phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt

– Kiểm soát tình trạng căng thẳng bằng cách tập thể dục, nghe nhạc, thư giãn…

– Giảm dần liều lượng thuốc giảm đau và thuốc phòng ngừa đối với trường hợp người bệnh bị đau đầu do lạm dụng thuốc.

 

2.3 Đau nửa đầu liên tục (Hemicrania Continua)

Đây là một loại đau đầu rất hiếm gặp, khiến người bệnh bị đau ở một bên mặt và đầu. Khi cơn đau đầu diễn ra liên tục trong vòng 3 tháng mà chỉ ở một bên, rất có thể bạn đã bị Hemicrania Continua. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm: Mắt đỏ hoe, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, con ngươi nhỏ,…

 

3. Đau đầu mãn tính do nguyên nhân nào gây ra?

Tình trạng bị đau đầu mãn tính thường xảy ra ở một số người bị rối loạn đau đầu cụm, thường là đau nửa đầu, đau do căng thẳng thần kinh hoặc do dùng quá nhiều thuốc giảm đau. Ngoài ra, nguyên nhân gây đau đầu mãn tính còn có thể do:

– Viêm hoặc các vấn đề khác xảy ra với mạch máu não, chẳng hạn như đột quỵ

– Do áp lực nội sọ quá cao hoặc quá thấp

– Chấn thương sọ não

– Nhiễm trùng viêm màng não

– Các khối u trong não

Không chỉ vậy, hội chứng này còn có thể do các yếu tố ngoài bệnh lý gây ra như: Phiền muộn, béo phì, rối loạn giấc ngủ, ngáy, sử dụng cà phê quá nhiều, lạm dụng rượu bia…

Bị đau đầu mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh có nguy cơ bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng cũng như các vấn đề về tâm lý hay thể chất khác.

 

4. Phòng ngừa đau đầu mãn tính bằng cách nào?

Để có thể phòng ngừa tình trạng đau đầu mãn tính, người bệnh nên chủ động áp dụng các biện pháp như:

– Tạo 1 cuốn nhật ký đau đầu, ghi lại toàn bộ các yếu tố gây đau đầu của bạn và từ đó tránh xa các yếu tố ấy

– Tránh lạm dụng thuốc: Khi người bệnh uống thuốc đau đầu trong thời gian dài có thể làm tăng mức độ đau đầu và tần suất đau

– Ngủ đủ giấc: Đối với người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Tốt nhất là thời điểm đi ngủ và thức dậy cần giống nhau với mỗi ngày. Nếu bạn đang bị rối loạn giấc ngủ, cần nói chuyện vs bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.

– Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện khả năng trao đổi chất, cải thiện tinh thần và giảm căng thẳng, mệt mỏi. Hãy lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe để có thể cải thiện tình trạng đau đầu tốt nhất.

– Giảm căng thẳng: Stress là một trong những nguyên nhân phổ biến. Chính vì vậy, để giảm stress, bạn nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi rõ ràng, đơn giản hóa lịch trình và áp dụng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, thiền, yoga…

Ghi chép nhật ký các cơn đau đầu là biện pháp hữu hiệu giúp người bệnh chủ động phòng tránh các yếu tố gây đau đầu mãn tính

Bị đau đầu mãn tính không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người bệnh, mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị từ sớm. Chính vì thế, người bệnh cần chủ động thăm khám ngay từ khi xuất hiện chứng đau đầu để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top