Trước tiên, về khái niệm, viêm mũi xoang hay còn được biết đến với tên gọi viêm xoang, viêm xoang mũi là tình trạng viêm của một hoặc nhiều loại xoang mũi cùng lúc như: Xoang hàm trên, gốc mũi, trán và xoang bướm. Lúc này, niêm mạc mũi xoang bị viêm dẫn đến xung huyết, phù nề, các lỗ thông xoang cũng bị tắc nên không thực hiện được chức năng dẫn lưu và vận chuyển niêm dịch.
Do xoang có sự liên hệ mật thiết với mũi, và mũi lại là bộ phận của cơ thể tiếp xúc thường xuyên và phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường bên ngoài. Với kiểu khí hậu gió mùa đặc trưng như Việt Nam, viêm xoang có tỷ lệ vô cùng cao. Bởi khí hậu ẩm ướt sẽ tạo điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng sinh sôi và phát triển. Do đó, cao điểm cao viêm xoang là thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa đông-xuân. Bệnh rất dễ tái phát, dễ gây biến chứng nên thường phải điều trị trong khoảng một thời gian dài.
Như đã đề cập ở trên, viêm xoang bao gồm nhiều loại xoang mũi. do đó, tùy tình trạng bệnh mà cũng sẽ có những nguyên nhân khác nhau, cụ thể:
– Viêm xoang do dị ứng: Xuất phát từ việc người bệnh dị ứng với những dị nguyên trong không khí, bệnh gặp nhiều vào thời điểm chuyển giao giữa các mùa.
– Viêm xoang dị ứng theo mùa: Nguyên nhân là do cơ thể phản ứng với phấn hoa, hoặc cây cỏ tùy theo mùa. Viêm xoang dạng này thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi. Ở một số trường hợp, đây cũng có thể là biểu hiện khởi phát của bệnh hen phế quản.
– Viêm xoang dị ứng quanh năm với các dị nguyên: Một số dị nguyên như bụi bẩn, lông động vật… khiến người bệnh gặp các phản ứng dị ứng, bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm.
– Viêm xoang vận mạch: Người bệnh xuất hiện biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi mỗi khi có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc độ ẩm trong không khí. Đôi khi, cũng có thể là do nguyên nhân bệnh nhân hít phải khói bụi, các hóa chất độc hại hoặc khi gặp vấn đề stress tâm lý.
– Viêm xoang nhiễm khuẩn: Thường xuất phát từ nguyên nhân do cảm lạnh, nhiễm siêu vi kèm biến chứng hoặc nhiễm khuẩn mũi xoang kéo dài trong hơn 6 tuần. Bệnh có những triệu chứng khởi đầu là đau rát họng, cổ họng, sau đó là sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau đầu, nước mũi đặc màu xanh, có mùi hôi nặng…
– Viêm mũi mạn tính do lạm dụng thuốc xịt mũi: Đây là trường hợp viêm mũi do lạm dụng thuốc nhỏ mũi lâu ngày. Triệu chứng phổ biến là nghẹt mũi liên tục, chảy dịch tiết từ mũi xuống họng.
– Viêm xoang do vi nấm, hoặc người bệnh có những bất thường về cấu trúc giải phẫu như: Vẹo vách ngăn, polyp mũi…
Việc phát hiện viêm xoang là tương đối khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh thường không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn khởi phát. Một số dấu hiệu đặc trưng của viêm xoang thường bao gồm:
– Đau nhức ở vùng xoang bị viêm
Tùy thuộc vào vị trí vùng xoang bị viêm mà người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng đó. Ví dụ với xoang hàm thì bạn sẽ đau nhức ở vùng má, xoang trán thì đau nhức ở vị trí giữa 2 lông mày, viêm xoang sàng trước có triệu chứng đau nhức giữa 2 mắt, viêm xoang sàng sau và xoang bướm thường gây ra cảm giác đau nhức trong vùng gáy.
– Chảy dịch từ mũi xuống họng
Hiện tượng chảy dịch là triệu chứng điển hình của xoang bị viêm, dịch có thể chảy ra xuống mũi hoặc xuống họng tùy vào vị trí xoang bị viêm. Khi chảy dịch, mũi của người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu, phải khịt mũi thường xuyên, cảm giác khó chịu lan đến cả cổ họng, muốn khạc nhổ liên tục. Dịch thường có màu trắng, vàng, đục, xanh và mùi hôi rất khó chịu.
– Nghẹt mũi
Người bệnh có thể bị nghẹt ở một hoặc cả hai bên, gây khó chịu, khó thở và mệt mỏi trong người.
– Điếc mũi
Xoang bị viêm nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây phù nề, người bệnh mất khả năng phân biệt do dây thần kinh khứu giác không còn cảm nhận được mùi.
Ngoài ra, ở một số trường hợp viêm xoang còn có một số dấu hiệu khác như: Đau đầu, sốt nhẹ, sốt cao, khi nằm nghiêng thường có cảm giác chóng mặt và choáng váng, đau ở vùng mắt theo từng cơn, mạch đập nhanh.
Viêm mũi xoang thường diễn biến rất nhanh thành viêm xoang mạn tính nếu như không được điều trị đúng cách, do đó, người bệnh cần hết sức cẩn thận với những biến chứng như:
– Các biến chứng ở mắt: Viêm kết mạc, áp xe tuyến lệ, viêm thần kinh hậu nhãn cầu, viêm tấy tổ chức liên kết hốc mắt…
– Các biến chứng ở tai: Viêm tai giữa do dịch mũi xoang đi qua vòi tai vào tai giữa
– Các biến chứng ở xương: Viêm xương hàm trên, xương thái dương
– Các biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạng xoang hang
– Một số biến chứng khác như viêm thận, viêm khớp
Phương pháp điều trị viêm mũi xoang phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tốt hơn hết, bạn nên thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa từ sớm để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác cũng như lên phương án điều trị kịp thời.
Nếu là viêm xoang do vi trùng, bác sĩ có thể chỉ định uống kháng sinh
Nếu là viêm xoang do cảm cúm nên sử dụng thêm một số loại thuốc cảm cúm thông thường như Paracetamol. Tùy vào từng tình trạng cụ thể mà bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng hoặc sử dụng biện pháp phun khí dung để đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.
Nếu việc điều trị bằng thuốc không đạt được hiệu quả hoặc bệnh đã tiến triển thành mạn tính, lúc này thì bệnh nhân cần được can thiệp bằng phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật nội soi được sử dụng phổ biến hơn mổ hở vì tính hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên lưu ý, ở một số trường hợp phẫu thuật không thể điều trị dứt điểm bệnh, bệnh nhân vẫn bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng dị ứng sau thời gian phẫu thuật cũng như tránhf tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, trường hợp viêm xoang do răng, bác sĩ cũng có thể đưa ra chỉ định nhổ răng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh