Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Điều đáng lo ngại là suy giãn tĩnh mạch khiến cho máu ứ đọng trong tĩnh mạch làm cho chân bị phù nề, hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn quá trình lưu thông bình thường của máu, từ đó gây ra nhiều bệnh lý về tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Mặc dù nguyên nhân chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên suy giãn tĩnh mạch được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Những yếu tố gây tổn thương các van này đó là:

Tư thế sinh hoạt, làm việc: Những công việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, phải mang vác nặng... khiến cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều.

Giới tính: Theo thống kê có đến 70% người bị suy giãn tĩnh mạch là nữ. Sở dĩ nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn nam giới là do ảnh hưởng của nội tiết tố, do thai nghén, do đặc điểm của một số ngành nghề đặc biệt có lực lượng lao động nữ tham gia đông như bán hàng, thợ may, chế biến thủy, hải sản…

Yếu tố di truyền: Theo thống kê thì khoảng 80% người bị giãn tĩnh mạch có cha hoặc mẹ mắc bệnh.

Độ tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ giãn tĩnh mạch càng lớn.

Khối lượng cơ thể: Gây tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân. Những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch.

Các yếu tố khác: Các bệnh lý nhiễm trùng, khối u, sau phẫu thuật có biến chứng tắc mạch, viêm mạch và các thủ thuật khác như bó bột hay phải nằm bất động lâu khi bị gãy xương... cũng có thể dẫn tới bệnh giãn tĩnh mạch.

 

Dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh diễn tiến “âm thầm” và đa phần người bị suy giãn tĩnh mạch thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh này ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng người bệnh mới tìm cách điều trị.

Sau đây là những dấu hiệu thường gặp của bệnh suy giãn tĩnh mạch bạn nên lưu ý:

- Cảm giác tức nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng quá lâu

- Thỉnh thoảng xuất hiện phù nề ở cẳng chân và bàn chân

- Đau khi đi lại nhiều

- Sưng và tím ở cẳng chân và mu bàn chân

- Cảm giác tê, ngứa ở chân, nặng hơn có thể viêm da, xơ cứng, lở loét.

Khi thấy những biểu hiện bất thường ở chân, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có được những lời khuyên hữu ích.

 

Cách phòng ngừa và khắc phục suy giãn tĩnh mạch

Phòng ngừa và khắc phục giãn tĩnh mạch chủ yếu là thay đổi thói quen sinh hoạt, kết hợp với các phương pháp y học.

Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch:

- Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, hạn chế đi giày cao gót

- Khi nằm ngủ, nghỉ ngơi, nên kê chân cao

- Ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước

- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày

- Có thể xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.

Các phương pháp xử lý:

Dùng vớ (tất) Y khoa: Đây là phương pháp không dùng thuốc rất thông dụng và hiệu quả. Loại vớ này tạo ra áp lực lên từng phần của chân, phù hợp với sinh lý bình thường: chặt hơn ở gần cổ chân và lỏng dần khi lên cao, luôn ôm lấy chân và đẩy máu theo các tĩnh mạch đi về tim, đồng thời làm tăng tốc độ tuần hoàn máu, giảm thiểu nguy cơ hình thành huyết khối do tốc độ dòng máu chảy chậm gây ra. Tác dụng làm khép kín các van tĩnh mạch và tạo áp lực phù hợp là hai đặc tính quan trọng của vớ Y khoa mà không loại thuốc nào có thể thay thế được.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top