Nhiệt miệng còn được biết đến với những tên gọi khác như loét Aphthous hay loét miệng. Đây là một trong những bệnh lý lành tính phổ biến mà hầu như ai cũng sẽ trải qua một vài lần ở trong đời. Mặc dù bệnh nhiệt miệng không nguy hiểm nhưng sẽ khiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị xáo trộn, đặc biệt là trong giao tiếp và ăn uống.
Thông thường, các vết loét miệng sẽ xuất hiện ở những mô mềm trong miệng như dưới lưỡi, bên trong môi, má hoặc trên nướu với kích cỡ nhỏ, nông, khoảng dưới 1cm. Căn bệnh này có tính lặp lại gần giống nhau và mỗi lần xuất hiện thường kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Những người bị nhiệt miệng có thể thấy 1 hoặc 1 vài đốm nhỏ có màu trắng hoặc vàng, xung quanh có viền đỏ ở trong miệng gây đau rát.
Không giống với những biểu hiện của viêm loét miệng hay mụn nước do Herpes Virus gây ra, các vết loét của bệnh nhiệt miệng không nổi ở phía ngoài hay trên bề mặt miệng. Hơn nữa, căn bệnh này hoàn toàn không có tính lây lan. Những vết loét miệng sẽ không ăn sâu vào lớp biểu mô miệng và khi có sự cọ xát, chúng sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, nhất là khi ăn các loại thực phẩm chua cay, mặn và khi giao tiếp.
Nhiệt miệng không phải là căn bệnh nghiêm trọng và vết loét có thể tự hết mà không phải dùng thuốc, cũng như không để lại sẹo. Tuy nhiên, trong quá trình bị nhiệt miệng, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn và gặp nhiều điều bất tiện.
Để nhanh chóng cải thiện được tình trạng nhiệt miệng, các bạn có thể thử những cách đơn giản như sau:
Nước muối có tính sát khuẩn rất cao, vừa an toàn lại vừa dễ pha chế. Do đó, khi bị nhiệt miệng, bạn nên pha 1 thìa cà phê nước muối vào 2/3 ly nước lọc rồi khuấy đều cho muối tan hết.
Kế tiếp, các bạn nên ngậm 1 ngụm nước muối trong miệng khoảng 10 giây và lặp đi lặp lại vài lần rồi ngửa cổ lên cao ở mức độ vừa phải để súc vùng cổ. Tuy nhiên, các bạn phải nhớ là không được nuốt nước muối súc miệng này xuống cổ họng. Thực hiện liên tục ngày 2 – lần, các bạn sẽ thấy rõ hiệu quả của phương pháp này.
– Cung cấp cho cơ thể tối thiểu 2 lít nước/ ngày. Ngoài ra, các bạn cũng nên sử dụng thêm các loại nước ép rau củ tự nhiên, đặc biệt là nước ép cà chua, rau má, củ cải trắng,… Đây là những loại nước ép rất tốt cho bệnh nhiệt miệng.
– Tránh ăn những loại thực phẩm cay nóng, đồ chua hoặc đồ nướng để hạn chế các tổn thương ở vùng miệng bị loét. Đồng thời, đây cũng là cách hiệu quả để các bạn bảo vệ dạ dày và đại tràng.
– Ăn chè từ những loại đậu như đậu xanh, đậu đen đều có tác dụng giải độc và thanh lọc cơ thể hiệu quả.
– Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất khoáng, vitamin như rau diếp cá, rau má, cà chua, rau ngót và các loại thịt như thịt vịt,…
– Các bạn nên ăn 1 hộp sữa chua mỗi ngày vì các vi sinh vật có lợi ở trong sữa chua có thể chữa lành các vết loét và vị thanh mát của sữa chua sẽ giúp giảm đau các vết loét trong miệng.
– Bổ sung thêm các loại vitamin C, B và sắt qua thức ăn hoặc thuốc bổ.
– Các bạn cũng có thể dùng mật ong bôi lên vết loét miệng hàng ngày. Bởi vì mật ong có công dụng trị loét miệng nhanh chóng.
Bệnh nhiệt miệng sẽ được phòng ngừa hiệu quả nhất bằng cách hạn chế tối đa những nguy cơ mắc bệnh. Trong số đó, không thể bỏ qua những biện pháp hữu hiệu sau:
– Tránh làm việc quá sức và duy trì chế độ nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp.
– Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn ít chất béo bão hòa và bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu Omega 3.
– Tập yoga, bài thiền, thái cực quyền hoặc hít thở sâu để giảm căng thẳng trong cuộc sống và hạn chế nguy cơ mắc phải các căn bệnh khác nhau, trong đó có nhiệt miệng.
Mặc dù nhiệt miệng không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng cho cơ thể. Nếu vết loét ngày càng lan rộng, khoét sâu vào trong hoặc kéo dài hơn 2 tuần mà không khỏi và không biết bị nhiệt miệng phải làm sao, các bạn nên nhanh chóng đi gặp bác sĩ để được thăm khám, can thiệp kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh