1. Tê tay nguyên nhân do đâu?
1.1. Tê tay do hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng ống cổ tay là bệnh nhân thường đau, dị cảm, tê cứng ở ba ngón rưỡi do thần kinh giữa chi phối, nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay.
Hội chứng ống cổ tay xuất hiện là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Ở cổ tay, dây thần kinh giữa đi trong một bao, gọi là ống cổ tay (carpal tunnel). Ống cổ tay được tạo bởi phía dưới và hai bên là các xương của cổ tay, phía trên có một tấm gân rộng gọi là cân ngang của cổ tay. Dây thần kinh giữa có chức năng nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ, ngón giữa và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó và điều khiển vận động các cơ của các ngón tay. Do ống cổ tay khá chật, khi nó chít hẹp lại thì dây thần kinh giữa bị chèn gây ra hội chứng ống cổ tay. Bệnh thường gặp ở những người lao động dùng nhiều động tác lắc cổ tay như băm chặt, quay guồng dây câu cá…
1.2. Viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cả hai tay cùng một lúc. Các ngón tay thường có cảm giác căng cứng, nhất là buổi sáng. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tùy thuộc và mức độ viêm ở các khớp xương và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp viêm khớp dạng thấp bị nặng, các khớp ngón tay, cổ tay bị biến dạng.
Một số nguyên nhân khác như bệnh như chấn thương vùng cổ tay, viêm đa dây thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cũng gây hội chứng ống cổ tay.
2. Mắc triệu chứng tê tay phải làm sao?
Tùy theo mức độ tổn thương và thời gian bị bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị như sau:
– Điều trị nội khoa: sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm uống; dùng thuốc corticoid tiêm vào trong ống cổ tay để chống viêm, kết quả bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện càng sớm thì thời gian càng khỏi được lâu. Chú ý điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân có thể gây ra hội chứng ống cổ tay như: viêm đa dây thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cổ tay.
– Điều trị phẫu thuật: khi điều trị nội khoa không kết quả hoặc kết quả rất hạn chế nên phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh ra khỏi ống cổ tay. Thủ thuật này chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể không cần nằm viện, kết quả đa số bệnh nhân khỏi vĩnh viễn.
Khám chuyên khoa cơ xương khớp ngay khi có triệu chứng tê tay
Khi có các dấu hiệu tê tay, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán chính xác triệu chứng tê tay nguyên nhân do đâu, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh