Bệnh động kinh là chứng bệnh hệ thần kinh có nguyên nhân từ những xáo trộn lặp đi lặp lại của một số nơron trong vỏ não, tạo nên nhiều triệu chứng rối loạn hệ thần kinh. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về bệnh động kinh.
Bệnh động kinh là trạng thái bệnh lý của não bộ do sự phóng điện đột ngột quá mức của tế bào thần kinh, gây ra các cơn co giật cục bộ hoặc lan tỏa trong thời gian rất ngắn (vài giây đến vài phút), có tính chất lặp đi lặp lại. Bệnh động kinh chiếm từ 0,4-0,5% dân số.
Bệnh có thể gây ra chậm phát triển trí tuệ gây trở ngại đến việc học tập, lao động của người bệnh. Về lâu dài, động kinh có thể làm thay đổi nhân cách, tính tình của người bệnh.
Những biểu hiện lâm sàng của bệnh động kinh?
Khi lên cơn động kinh, người bệnh thường kêu lên 1 tiếng rồi ngã lăn ra và mất kiểm soát ý thức ngay sau đó. Một cơn động kinh thường có các biểu hiện lâm sàng, như: Co cứng các cơ, hai tay co quắp, chân duỗi, tím tái mình mẩy, co giật, miệng sùi bọt mép, hai mắt trợn trừng, có thể cắn vào lưỡi, đái trong quần, hôn mê sâu…
Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh động kinh. Có thể kể đến các nguyên nhân, như: Ảnh hưởng di truyền, chấn thương đầu do tai nạn, các bệnh lý về thần kinh, đột quỵ hoặc đau tim, bệnh viêm màng não, AIDS và viêm não virus, bị thương trước khi sinh con, rối loạn phát triển… Bên cạnh đó còn có các yếu tố nguy cơ, gồm: Tuổi tác, giới tính, lịch sử gia đình, thương tích, đột quỵ và các bệnh mạch máu khác, nhiễm trùng não, cơn co giật ở trẻ em…
Các biến chứng của bệnh động kinh?
Bệnh động kinh về lâu dài có thể làm biến đổi nhân cách, tính tình của người bệnh. Người bệnh sẽ trở nên dễ giận dữ, sống ích kỷ, độc ác, có tính thù vặt, mất trí nhớ. Điều đáng nói hơn, nếu không kiểm soát được cơn động kinh, người bệnh có thể lên cơn trong bất kỳ trường hợp nào, té ngã gây chấn thương đầu, gãy xương, tai nạn giao thông… và có thể tử vong nếu không có người cứu kịp thời. Phụ nữ mang thai bị bệnh động kinh làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi.
Làm thế nào để chẩn đoán bệnh động kinh?
Chẩn đoán bệnh động kinh thông qua các kiểm tra, chẩn đoán sau đây: Kiểm tra thần kinh và hành vi thông qua kiểm tra khả năng vận động, hành vi và năng lực trí tuệ của người bệnh. Xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc chì, thiếu máu hoặc bệnh tiểu đường có thể gây co giật. Thực hiện các xét nghiệm để phát hiện những bất thường trong não, bao gồm: Kiểm tra bệnh học thần kinh, điện não (EEG), vi tính cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), MRI chức năng (fMRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), phát xạ cắt lớp vi tính (SPECT)…
Các biện pháp khắc phục một cơn động kinh?
Cần cho người bệnh uống thuốc đầy đủ và chính xác, không được tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc, tự ý dừng việc uống thuốc hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần ngủ đủ giấc. Người bệnh động kinh nên đeo vòng y tế cảnh báo. Ngoài ra, cần tạo dựng cuộc sống lành mạnh, có biện pháp quản lý căng thẳng, hạn chế đồ uống có cồn và tránh thuốc lá.
Những phương pháp điều trị bệnh động kinh
Các phương pháp được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh, gồm: Điều trị bằng thuốc và các liệu pháp điều trị khác. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Chữa bệnh động kinh cần lưu ý những gì
Cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám chuyên khoa, tìm nguyên nhân bệnh, đánh giá mức độ nặng – nhẹ của bệnh, từ đó có phương án điều trị phù hợp nhất. Gia đình tuyệt đối không nên mê tín chữa bệnh bằng cúng bái, bùa phép tránh tiền mất tật mang. Không nên để người bệnh động kinh làm các công việc nguy hiểm như trèo cao, lái xe, vận hành máy móc, công việc liên quan đến sông nước…
Xây dựng lối sống chừng mực, điều độ, không được làm việc, học tập quá mức, không được uống rượu bia. Người bệnh động kinh không nên xem tivi, chơi vi tính quá lâu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh