✴️ Bài giảng chàm bàn tay (HAND DERMATITIS)

ĐẠI CƯƠNG

Chàm bàn tay hay còn gọi là viêm da bàn tay là bệnh thường gặp, tỉ lệ hiện mắc khoảng 4% dân số người lớn.

Nguyên nhân bệnh sinh rất đa dạng, các tác nhân kích ứng (xà bông, các chất tẩy rửa, hóa chất…) là nguyên nhân thường gặp nhất.

Đây là bệnh lý liên quan đến các nghề nghiệp: thợ hồ, thợ làm tóc, người giúp việc nhà, nhân viên vệ sinh, công nhân trong các ngành tiếp xúc hóa chất…

Lâm sàng rất đa dạng: Hồng ban, phù, mụn nước, tróc vảy, nứt da, tăng sừng, loét…

Điều trị rất khó lành, bệnh thường diễn tiến mạn tính và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

 

NGUYÊN NHÂN

Viêm da tiếp xúc kích ứng:

Tiếp xúc với các chất kích ứng lặp đi lặp lại nhiều lần (xà bông, các chất tẩy rửa, hóa chất…). Chưa có xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân, chỉ loại trừ các chất dị ứng bằng patch test.

Do viêm da cơ địa:

Bệnh nhân thường có bệnh cảnh của Viêm da cơ địa. Chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán viêm da cơ địa của Hanifin và Rajka.

Viêm da tiếp xúc dị ứng:

Do phản ứng type IV của miễn dịch qua trung gian tế bào. Các nguyên nhân thường gặp như protein từ thức ăn, nickel sulfate, Neomycin sulfate, nhựa Peru, phức hợp chất tạo mùi (Fragrance mix), vàng, quaternium-15, formaldehyde, bacitracin, và cobalt chloride…Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, bệnh sử tiếp xúc các chất dị ứng và patch test.

Chàm bàn tay do nhiều nguyên nhân:

Kết hợp giữa viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.

Chàm bàn tay không rõ nguyên nhân

 

CHẨN ĐOÁN

Lâm sàng

Tổ đĩa: Mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt bên các ngón tay.

Chàm dày sừng bàn tay: Mảng dày sừng lòng bàn tay, tróc vảy, có đường nứt đau, không có mụn nước.

Viêm da các ngón tay mạn tính: Viêm da các ngón tay tróc vảy, có đường nứt, đôi khi có mụn nước từng đợt.

Chàm đồng tiền ở bàn tay: Mảng hồng ban hình đồng tiền trên mu bàn tay.

Chẩn đoán phân biệt

Vảy nến

Nấm bàn tay

Lichen phẳng

Ghẻ

U hạt vòng

 

ĐIỀU TRỊ

  • Thuốc bôi corticoid: Thuốc bôi corticoid được sử dụng điển hình trong trị căn bệnh chàm cũng như một số bệnh da liễu mãn tính. Thuốc có tác dụng giảm viêm da, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch ở tại vùng da được dùng. Tuy nhiên để tránh các tác dụng không mong muốn, phải bắt buộc điều chỉnh liều lượng thuốc theo từng ở tại vùng da cụ thể và chỉ được sử dụng tối đa trong 20 ngày.
  • Thuốc kháng histamine H1: bệnh chàm đặc trưng bởi hiện tượng ngứa ngáy – dấu hiệu có thể kéo dài từ giai đoạn cấp đến giai đoạn mãn tính. Để kiểm soát biểu hiện này, b.sĩ thường chỉ định một số dòng thuốc kháng histamine H1tổng hợp như Loratadin, Chlorpheniramine,…
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin: Nhóm thuốc này thường được dùng xen kẽ với corticoid nhằm giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ khi dùng. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tổng hợp cytokine (thành phần tiền gây ra viêm), kích hoạt bạch cầu trung tính, ức chế hoạt tính của calcineurin và tế bào mast, từ đấy làm giảm tổn thương da và các triệu chứng cơ năng của căn bệnh.
  • Thuốc kháng nấm: Da tay và chân có khả năng bị nhiễm nấm Candida hay nấm Malassezia. Bởi thế trong một số hiện tượng, chuyên gia có khả năng chỉ định một số mẫu thuốc kháng nấm dạng bôi hay dạng uống như Griseofulvin, Clotrimazole, Ketoconazole,…

Ghi chú:

Thoa corticoids là lựa chọn đầu tay trong điều trị chàm bàn tay. Thoa corticoids tấn công trong từ 4 – 8 tuần, duy trì 3 lần/tuần, có thể kéo dài 36 tuần.

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh Tacrolimus hiệu quả hơn corticoids trong điều trị chàm bàn tay.

UVB và PUVA (tại chỗ) được xem là lựa chọn hàng thứ 1 trong điều trị chàm bàn tay mà không đáp ứng với thuốc thoa. Dùng 3 lần / tuần, liên tục 10 – 12 tuần.

Acitretin và Alitretinoin được Châu Âu và Canada công nhận trong điều trị chàm bàn tay nặng, có tăng sừng, kháng trị với thuốc bôi (Mỹ chưa công nhận). Liều 10 - 30 mg/ngày, liên tục từ 3 đến 6 tháng, hiệu quả khoảng 40 – 50 %.

Các thuốc ức chế miễn dịch đường uống chưa được công nhận trong điều trị chàm bàn tay. Hiệu quả còn hạng chế, cân nhắc các tác dụng phụ khi dùng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Antoine Amado, Apra Sood, & James S. Taylor (2012). Irritant Contact Dermatitis.Fitzpatrick’s dermatology in general medicine, 8th, 7(48), 499-506.

Thomas Bieberand Caroline Bussmann (2012). Atopic Dermatitis. Dermatology (Bolognia), 3rd, 3(12), 203-219.

English, J., Graham-Brown, R., de Sica Chapman, A., Alexandroff, A. B. (2011). Everyday clinical experience of alitretinoin in the treatment of severe chronic hand eczema: seven case studies. Clinical and experimental dermatology, 36 Suppl, 1-2.

Fisker, M. H., Agner, T., Lindschou, J., Bonde, J. P., Ibler, K. S., Gluud, C., et al. (2013). Protocol for a randomised trial on the effect of group education on skin- protective behaviour versus treatment as usual among individuals with newly notified occupational hand eczema - the Prevention of Hand Eczema (PREVEX) Trial. BMC dermatology, 13, 16.

Lynde, C., Cambazard, F., Ruzicka, T., Sebastian, M., Brown, T. C., Maares, J. (2012). Extended treatment with oral alitretinoin for patients with chronic hand eczema not fully responding to initial treatment. Clinical and experimental dermatology, 37(7), 712-717.

Menne, T., Johansen, J. D., Sommerlund, M., Veien, N. K. (2011). Hand eczema guidelines based on the Danish guidelines for the diagnosis and treatment of hand eczema. Contact dermatitis, 65(1), 3-12.

Sezer, E., Etikan, I. (2007). Local narrowband UVB phototherapy vs. local PUVA in the treatment of chronic hand eczema. Photodermatology, photoimmunology & photomedicine, 23(1), 10-14.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top