✴️ Khái niệm và cách kiểm soát viêm da cơ địa

Nội dung

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa?

Mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra được nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa, nhưng với những ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín cho rằng bệnh có thể do nhiều yếu tố cấu thành lên, chúng bao gồm: yếu tố cơ địa mỗi người, sự suy giảm của các chức năng miễn dịch trong cơ thể, yếu tố di truyền học, tác động của môi trường sống.

Bên cạnh đó, từ những nghiên cứu bệnh từ các bệnh nhân bị viêm da cơ địa lâu năm cho thấy một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và cũng là tác nhân khiến bệnh dễ trở nặng hơn:

  • Người bệnh có tiền sử bị dị ứng với các loại thuốc, thức ăn, hóa chất, bụi, phấn hoa, côn trùng,...
  • Những người có bệnh lý nền liên quan đến dị ứng như: viêm mũi dị ứng, vảy nến, viêm da dị ứng, hen phế quản,...
  • Tỉ lệ người hút thuốc lá hoặc bị hít phải khói thuốc lá thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa cao hơn bình thường.
  • Những bệnh nhân bị mắc các chứng bệnh nhiễm trùng, các căn bệnh cấp tính hay các bệnh lý khiến hệ miễn dịch suy yếu.
  • Sống trong môi trường thường xuyên bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Những người sống trong môi trường thường xuyên bị ô nhiễm dễ mắc bệnh viêm da cơ địa

  • Trong gia đình có người bị viêm da cơ địa thì khả năng cao người thân cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

2. Viêm da cơ địa có lây nhiễm không?

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường không rõ rệt mà sẽ gần giống như triệu chứng của các bệnh dị ứng da thông thường. Chính vì vậy, người bệnh thường chủ quan và không điều trị ngay, dẫn tới tình trạng bệnh trở nặng và khó kiểm soát.

Bệnh viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào và ở mỗi đối tượng bị bệnh lại có những biểu hiện phát bệnh khác nhau. Viêm da cơ địa có thể bắt gặp ở những trẻ em sơ sinh mấy tuần tuổi cho tới người trưởng thành và người cao tuổi. Hơn thế nữa, bệnh có nguy cơ tái bệnh nhiều lần chứ khó có thể mất hẳn sau một lần điều trị.

Viêm da cơ địa được chia làm 2 giai đoạn chính đó là: Viêm da cơ địa dạng dị ứng (thông thường sẽ dễ dàng được chữa trị) và giai đoạn viêm da cơ địa bội nhiễm (biến chứng nặng do viêm da cơ địa dị ứng gây ra mà không được điều trị đúng cách, khó điều trị).

Một trong những câu hỏi luôn được rất nhiều người quan tâm chính là “bệnh viêm da cơ địa có lây được không?”

Mặc dù viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý gây tổn thương da trầm trọng và mức độ xuất hiện bệnh ngày càng tăng, tuy nhiên, căn bệnh này đã được kiểm chứng là không lây nhiễm được. Thậm chí, bề mặt da bị bệnh có thể xuất hiện nhiều nốt mủ, vết trầy xước rỉ máu nhưng cũng không thể lây nhiễm cho người khác thông qua việc tiếp xúc.

Bệnh viêm da cơ địa không thể lây nhiễm từ người sang người, mặt khác bệnh có thể được di truyền qua nhiều thế hệ, đặc biệt đối với tình trạng cả bố và mẹ của người bệnh đã có tiền sử mắc căn bệnh này. Theo một số nghiên cứu uy tín cho thấy rằng, trong một gia đình nếu cả người bố và người mẹ đều đã từng bị viêm da cơ địa thì khả năng người con sẽ bị bệnh chiếm tới 80%.

Viêm da cơ địa có thể không lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc nhưng lại có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái

3.Viêm da cơ địa và biến chứng

3.1. Ngứa mạn tính, bong tróc da

Viêm da cơ địa có thể tiến triển đến viêm da thần kinh, nó khiến cơn ngứa kéo dài hơn trên một vùng da nhất định của cơ thể. Ngứa khiến tay bạn không ngừng gãi và càng gãi cơn ngứa càng nặng hơn. Kèm theo đó, vùng da do chà xát mạnh và kéo dài cũng bị đổi màu, cứng và dày hơn.

3.2. Nhiễm trùng da

Gãi ngứa liên tục khiến da bị chà xát nhiều, đặc biệt nếu bạn để móng tay dài, sắc nhọn. Điều này sẽ khiến da bị tổn thương, chảy máu, dễ bị nhiễm trùng nếu vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Nếu da xuất hiện những vệt đỏ, có mủ hoặc vết tróc da màu vàng thì bạn cần đi khám da liễu để được điều trị nhiễm trùng tránh bội nhiễm.

3.3. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Tình trạng này rất phổ biến với người viêm da cơ địa, khi làn da yếu hơn, dễ bị kích ứng và dị ứng khi tiếp xúc với nhiều dị nguyên.

3.4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Khi cảm giác ngứa kéo dài, không thuyên giảm và còn nặng hơn về ban đêm, nó khiến người bệnh muốn gãi liên tục và không thể ngủ được. Chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Lúc này bạn cần điều trị nghiêm túc với những biện pháp giảm nhanh triệu chứng như thuốc bôi chống ngứa.

4. Có thể chữa trị viêm da cơ địa bằng cách nào?

Viêm da cơ địa được coi là một bệnh lý có nguy cơ tái phát khá cao bởi đến nay chưa có bất kì một phương pháp chữa trị nào có thể điều trị bệnh một cách triệt để. Hầu hết các cách điều trị chỉ có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng có thể gây biến chứng, giảm các triệu chứng đau nhức khó chịu và giúp tăng sức đề kháng của các tế bào trong da.

Tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh và tình hình sức khỏe của người bệnh mà các y bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau. Có thể sử dụng một số loại thuốc bôi trực tiếp lên bề mặt da bị tổn thương hoặc thuốc uống chống viêm nhiễm hoặc kết hợp cả 2 hình thức bôi và uống.

Thông thường, người bệnh sẽ được các bác sĩ chẩn đoán bệnh đang rơi vào giai đoạn nào rồi mới đưa ra các phương hướng điều trị cụ thể. Thuốc kháng Histamin và thuốc chống viêm corticoid dạng bôi có thể được chỉ định sử dụng cùng nhau để có hiệu quả chữa trị tốt nhất. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng các sản phẩm kem dưỡng ẩm toàn thân để giữ cho làn da luôn được cấp ẩm, tránh khô rát gây ngứa ngáy khó chịu. Một số loại kháng sinh sẽ được chỉ định nếu như tình trạng bệnh có chuyển biến xấu dần, viêm nhiễm, lở loét,...

Một điều đặc biệt lưu ý là người bệnh viêm da cơ địa tuyệt đối không nên tự tiện tìm các loại thuốc chữa viêm da cơ địa khi chưa có sự chỉ dẫn từ các bác sĩ chuyên môn. Đã có không ít trường hợp bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn bị tác dụng phụ của thuốc làm ảnh hưởng tới các hệ cơ quan khác trong cơ thể.

Viêm da cơ địa dễ bị nhầm lẫn với các trường hợp ghẻ nước rôm sảy, zona. Cần xác định và phân biệt rõ ràng, nếu gặp khó khăn trong điều này, hãy cho bác sĩ biết. Dựa trên thăm khám lâm sàng, test dị ứng và các phương pháp chẩn đoán khác, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân bệnh lý, từ đó lên liệu trình điều trị thích hợp.

Bên cạnh việc tìm hiểu phương pháp chữa bệnh hợp lý nhất thì mỗi chúng ta cũng nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt cá nhân, khả năng mắc bệnh sẽ giảm bớt đi đáng kể. Tuyệt đối giữ gìn vệ sinh thân thể một cách khoa học nhất, hạn chế tắm nước quá nóng vì da sẽ dễ bị khô, hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm (đặc biệt là các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc), luôn giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ,...

Xem thêm: Viêm da tiếp xúc

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top