✅ Viêm da tiếp xúc: Hiểu đúng để phòng ngừa

Nội dung

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng là gì?

Viêm da tiếp xúc kích ứng là một dạng của viêm da tiếp xúc. Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da bị tổn thương bởi cọ xát, hay tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường như lạnh, tiếp xúc nước quá nhiều, hoá chất như axit hay kiềm, hoặc các chất tẩy rửa. Ví dụ như viêm da tiếp xúc kích ứng lòng bàn tay hay gặp ở những người làm nghề lau dọn hay làm tóc, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng. Ở trẻ nhỏ, viêm da tiếp xúc kích ứng thường gặp là viêm da tã lót.

Tại sao xảy ra viêm da tiếp xúc kích ứng?

Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra  khi các hoá chất hay các tác nhân vật lý phá huỷ bề mặt da. Những thương tổn này gây suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da mà khả năng sửa chữa thương tổn của da chưa bù đắp kịp thời. Khi các chất gây kích ứng lấy đi lớp chất giữ ẩm trên bề mặt da, các hoá chất có thể xâm nhập dễ dàng và vào sâu trong da hơn gây thương tổn cho da.

Do đó, độ nặng của viêm da tiếp xúc kích ứng phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Liều lượng chất gây kích ứng;
  • Thời gian và tần suất tiếp xúc;
  • Tính chất da (da dày hay mỏng, có bị tổn thương trước đó hay không);
  • Các yếu tố môi trường (nhiệt độ hay độ ẩm cao hay thấp).

Các chất nào thường gây kích ứng nhất?

Bất cứ chất nào trong đời sống hằng ngày đều có thể gây kích ứng, đặc biệt khi ở nồng độ cao như các chất tẩy rửa, nước, kiềm, axit, các loại dung môi, v.v..

          Viêm da tiếp xúc

Đặc điểm của viêm da tiếp xúc kích ứng?

Thường trong lần đầu tiếp xúc, thương tổn da thường xuất hiện ngay vị trí tiếp xúc. Đó là những mảng màu đỏ, giới hạn rõ, có thể có mụn nước hay bóng nước trên bề mặt, sưng nề và có thể rất ngứa.

Trong một số trường hợp đặc biệt, biểu hiện có thể khác:

  • Khi tiếp xúc với kiềm hay axit mạnh, có thể làm nổi bóng nước trên da, phù nề và đau;
  • Khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng nhẹ như nước và xà phòng, da có thể khô, ngứa, nứt nẻ tiến triển trong nhiều tuần. Sau đó những vết nứt có thể đóng mài và tróc vảy.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng là gì?

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra do phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với các dị nguyên. Với người không dị ứng, các dị nguyên này dường như vô hại. Hầu như tất cả các tác nhân từ môi trường đều có thể là nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng, mà thường gặp nhất có thể kể đến là niken, nước hoa, cao su, chất nhuộm tóc, chất khử mùi, v.v..

Tại sao xảy ra viêm da tiếp xúc dị ứng?

Viêm da tiếp xúc dị ứng là một phản ứng miễn dịch của cơ thể xảy ra khi có dị nguyên trên da. Do đó phản ứng này không liên quan đến nồng độ chất dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng. Với người bị dị ứng, dù tiếp xúc ít hay nhiều dị nguyên cũng đều gây ra phản ứng.

Đặc điểm của viêm da tiếp xúc dị ứng là gì?

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với vật liệu gây dị ứng. Thương tổn da là những mảng đỏ, ngứa, phù nề có thể có mụn nước hoặc không, xảy ra tại vị trí tiếp xúc và đặc biệt có thể lan rộng ra vùng da khác.

Chẩn đoán viêm da tiếp xúc thế nào?

Thông thường, các bác sĩ da liễu dựa vào hỏi bệnh, khám lâm sàng để chẩn đoán viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên trong một số trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiệm lẫy da, xét nghiệm máu, v.v..) để chẩn đoán chính xác chất gây dị ứng, kích ứng.

Điều trị viêm da tiếp xúc thế nào?

Quan trọng là nhận biết đã tiếp xúc với chất gì có khả năng gây kích ứng hay dị ứng. Nếu có thể, hãy ngưng tiếp xúc ngay với các chất này.

Để giảm khả năng bị viêm da tiếp xúc, nên bảo vệ da tránh các chất gây kích ứng và các dị nguyên đã biết; dưỡng ẩm da đầy đủ để giúp hàng rào bảo vệ da khoẻ mạnh, tránh bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài; mang găng tay phù hợp để bảo vệ da khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng hay kích ứng.

Một số thuốc thường được dùng để điều trị viêm da tiếp xúc bao gồm:

  • Kem dưỡng ẩm;
  • Steroid thoa;
  • Kháng sinh thoa hoặc uống khi có nhiễm trùng;
  • Steroid uống ngắn ngày trong trường hợp nặng;
  • Pimecrolimus, tacrolimus thoa.

Kết luận

Viêm da tiếp xúc là một bệnh lý da cấp tính, có thể điều trị khỏi không để lại biến chứng khi điều trị sớm và đúng cách. Khi có dấu hiệu bị viêm da tiếp xúc, hãy ngưng ngay việc tiếp xúc với chất nghi ngờ và đến khám với bác sĩ da liễu ngay để có thể được tư vấn và điều trị phù hợp nhất.

 

 -- ThS. BS. Trần Thị Thuý Phượng -- 

 

Có thể bạn quan tâm: Người bị viêm da cơ địa thì có xăm hình được không?

   

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top