Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau. Các chất dinh dưỡng sau khi được hấp thu sẽ đưa về gan để thanh lọc, chuyển hóa chất dinh dưỡng, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Men gan là chất xúc tác sinh học quan trọng trong các hoạt động chuyển hóa, được sản sinh từ các tế bào gan. Bình thường có 4 loại men gan như: AST (Aspart transaminase), ALT (Alanin transaminase) có trong tế bào gan, ALP (Alkaline phosphatase) có trong màng tế bào gan, GGT (Gamma Glutamyl Transpeptidase) có trong thành tế bào ống mật.
Ở người bình thường, khi xảy ra quá trình lão hóa, các tế bào gan chết sẽ giải phóng lượng men gan vào máu với nồng độ khoảng 40U/l. Nhưng vì lý do nào đó, nồng độ men gan vượt mức giới hạn bình thường. Các tế bào gan bị phá hủy nhiều làm cho men gan ALT, AST bị rò rỉ vào máu dẫn tới men gan cao. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy gan của người bệnh bị viêm, tổn thương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới men gan tăng cao, có thể kể đến như:
Trong số các nguyên nhân gây men gan cao thì viêm gan do virus viêm gan A, B, C, D, E là nguy hiểm hơn cả. Các loại virus này sau khi xâm nhập vào cơ thể, dần phá hủy tế bào gan và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt virus viêm gan B, C còn gây ra viêm gan cấp tính, mãn tính tăng khả năng gây xơ gan, thậm chí nguy hiểm hơn là ung thư gan.
Một trong những nguyên nhân phổ biến khác dẫn tới men gan cao là do thói quen của người Việt tự ý mua và dùng thuốc kháng viêm, giảm đau,… Mà những loại thuốc này đều chuyển hóa tại gan, việc tự ý sử dụng không đúng phác đồ, liều lượng phù hợp sẽ khiến gan quá tải, gây những tổn thương cho các tế bào gan.
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gan. Tuy nhiên khi ăn phải thực phẩm không được đảm bảo vệ sinh, dư thừa lượng thuốc bảo vệ, lượng độc tố xâm nhập cơ thể tăng lên, khiến gan phải hoạt động nhiều lên để xử lý và đào thải chất độc ra ngoài. Từ đó khiến các tế bào gan chết nhiều hơn, gây men gan tăng cao, xơ gan thậm chí ung thư gan.
Bệnh lý men gan tăng cao thường xuyên được nhắc đến và thường gặp ở những người sử dụng rượu bia nhiều, trong thời gian dài. Các chất kích thích có chứa cồn ở nồng độ cao khiến gan bị tổn thương, dần suy giảm chức năng gan.
Men gan tăng cao có thể do một số bệnh lý khác gây ra như: Suy tim, đái tháo đường, sốt rét, nhiễm trùng đường mật,… làm quá trình chuyển hóa tế bào gan bị ảnh hưởng.
Các dấu hiệu nhận biết của men gan tăng cao thường không rõ dàng.
Vàng da là dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường đầu tiên khi men gan tăng cao. Nguyên nhân do gan không thể chuyển hóa và xử lý được sắc tố bilirubin, các tế bào gan chết giải phóng vào máu gây ra hiện tượng vàng da. Thông thường trên lâm sàng, vàng kết mạc mắt xuất hiện sớm và dễ nhận thấy nhất.
Nếu phát hiện nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, kèm theo phân có màu nhạt thì rất có thể men gan của bạn đang tăng cao hơn bình thường. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do gan bị tổn thương khiến các dịch tiêu hóa đi vào máu, phân nhạt màu, xuất hiện các biểu hiện đầy hơi.
Da nổi mẩn ngứa, mức độ nhẹ hay nặng phụ thuộc vào chỉ số men gan tăng. Nguyên nhân do các độc tố không được gan đào thải ra bên ngoài mà tích tụ trong da gây ngứa, khó chịu.
Men gan tăng khiến chức năng gan suy giảm, quá trình chuyển hóa thanh lọc trong cơ thể bị ảnh hưởng, các chất độc và cặn bã không được đào thải ra bên ngoài, tích tụ gây phù nề. Các vị trí phù nền thường thấy ở phần dưới của cơ thể như mắt cá chân, bàn chân.
Ngoài những triệu chứng kể trên, còn xuất hiện thêm một số dấu hiệu nhận biết khác như: Buồn nôn, đi ngoài, mệt mỏi, chán ăn, giảm ham muốn tình dục,…
Để phòng ngừa bệnh lý men gan cao, bạn cần bảo vệ tốt lá gan của mình bằng cách thực hiện những nguyên tắc sau đây:
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hàng ngày nên bổ sung các loại thực phẩm giúp hạ men gan, có tác dụng bảo vệ chức năng gan như thực phẩm giàu vitamin A, B1, B6, có nhiều trong lòng đỏ trứng, gan, thịt nạc, ngũ cốc, rau xanh, nước ép trái cây,… Hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, gia vị cay nóng. Kiêng uống rượu bia, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất gây kích thích khác.
– Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ giấc, ngủ sớm, tránh thức quá khuya làm việc căng thẳng, stress. Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng, tăng quá trình đào thải, đốt cháy năng lượng, bảo vệ và ổn định chức năng gan.
– Bổ sung nhiều nước: Việc bổ sung đủ nước mỗi ngày ít nhất 2l nước sẽ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, tăng cường hoạt động gan, giúp quá trình đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn và hiệu quả hơn.
– Kiểm tra sức khỏe: Bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện, theo dõi và điều trị nhanh chóng, hiệu quả.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về tăng men gan. Hãy luôn theo dõi các dấu hiệu của cơ thể để kịp thời nhận biết, phát hiện sớm bệnh và có phương hướng điều trị kịp thời bạn nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh