✅ Bỏng độ II và cách điều trị

Nội dung

Bỏng độ II là gì?

Bỏng độ II là vết thương bỏng trên da gây ra do nhiệt, bức xạ, điện, hoá chất hoặc ma sát. Những vết bỏng độ II này còn được gọi là bỏng một phần.

Bỏng độ II chia làm hai loại dựa vào độ sâu của vết thương:

  • Tổn thương trên bề mặt: vết bỏng gây tổn thương 2 lớp trên cùng của da (thượng bì và bì), thường gây ra bởi nước nóng hoặc vật nóng. Vùng da xung quanh vết bỏng chuyển sang màu trắng khi tác động lực nhấn lên và trở lại màu đỏ sau đó. Vết bỏng ẩm ướt, đau với các bóng nước và sưng thường kéo dài ít nhất 48h.
  • Tổn thương sâu: Vết bỏng gây tổn thương lớp da sâu hơn với những vùng da trắng và đỏ, thường được gây ra bởi dầu nóng, mỡ, súp hoặc chất lỏng nấu trong lò vi sóng.  Vùng da bị bỏng không đau nhưng có thể gây ra cảm giác như bị đè nén. Da có những vết lốm đốm, vẫn trở thành màu trắng khi tác dụng lực nhấn lên và có thể nhạt màu ở một số vị trí, vết thương khô và ít ẩm. Vấn đề nhiễm trùng có thể xảy ra và là một vấn đề quan trọng của mức độ bỏng này.

Có thể cần vài ngày trước khi triệu chứng xuất hiện và trở nên rõ ràng để xác định chính xác độ sâu của vết bỏng.

Việc điều trị khác nhau đối với các vết bỏng độ II tuỳ theo kích thước, độ sâu, tuổi bệnh nhân và sức khoẻ tổng quát. Với tất cả mức độ bỏng điều quan trọng nhất là phải luôn theo dõi và điều trị kịp thời nếu nhiễm trùng xảy ra. Bỏng độ II có thể để lại sẹo sau khi vết bỏng lành.

 

Làm thế nào để điều trị vết bỏng độ II?

Hầu hết tất cả các vết bỏng độ II đều cần được điều trị để chữa lành và phòng chống những biến chứng có thể xảy ra.

Rửa vết bỏng nhẹ nhàng

  • Rửa vết bỏng bằng nước mát cho đến khi hết cảm giác đau. Việc rửa nước lên vết thương thường sẽ làm giảm cảm giác đau sau 15 – 30 phút. Nước mát giúp giảm nhiệt độ trên da và ngăn chặn tình trạng bỏng trở nên nặng hơn. Hãy:
    • Để cánh tay, bàn tay, ngón tay, chân, bàn chân hoặc các ngón chân vào chậu nước mát.
    • Đắp gạc mát lên vết bỏng trên mặt hoặc thân mình.
  • Không sử dụng đá hoặc nước đá vì có thể làm tổn thương mô.
  • Gỡ bỏ trang sức, nhẫn hoặc quần áo có thể gây cản trở cử động hoặc trở nên quá chật khi vết bỏng sưng lên.

Làm thế nào để điều trị vết bỏng độ II

Làm sạch vết bỏng

  • Rửa sạch tay trước khi làm sạch vết bỏng. Không chạm vào vết bỏng bằng tay hoặc vật dụng không sạch vì các bóng nước khi vỡ sẽ dễ bị nhiễm trùng.
  • Tránh không làm vỡ bóng nước
  • Rửa nhẹ nhàng vùng da bị bỏng với nước sạch. Một số vùng da bỏng có thể bị bong ra trong khi rửa. Hãy vỗ nhẹ vùng da giúp khô bằng một miếng vải hoặc sạc sạch.
  • Không xịt thuốc hoặc thoa bơ lên vết bỏng vì sẽ làm giữ nhiệt dưới vết bỏng.

Băng vết bỏng

  • Nếu vùng da bỏng hoặc bóng nước chưa bị vỡ thì không cần phải băng. Tuy nhiên, nếu vùng da này nguy cơ bị nhiễm khuẩn hoặc kích ứng bởi quần áo thì hãy băng vết thương lại.
  • Khi vùng da bỏng hoặc bóng nước bị vỡ ra thì việc băng lại là cần thiết. Để dự phòng nhiễm trùng, hãy thay băng khi băng bị ướt và dơ. Nếu băng bị dính chặt vào vết bỏng, hãy ngâm vào nước ấm để gỡ dễ dàng hơn. Khi có thể hãy sử dụng băng chống dính. Hiện có nhiều loại băng trên thị trường, hãy đảm bảo đọc kĩ hướng dẫn để sử dụng đúng cách.
  • Băng lỏng, không quá chặt để tránh gây áp lực lên vết bỏng.
  • Không quấn băng quanh bàn tay, cánh tay hoặc chân vì có thể gây sưng.

Có nhiều loại băng vết bỏng không cần bác sĩ kê toa. Hãy làm theo đúng hướng dẫn sử dụng để chăm sóc vết thương đúng cách.

Nếu vết bỏng nằm trên chân hoặc cánh tay, hãy nâng cao hết mức trong 24 – 48 tiếng để giúp giảm sưng. Di chuyển tay và chân bình thường để giúp vùng da bỏng khi lành không làm hạn chế vận động.

--  BS Phan Vũ Lam Phương  --  

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top