✅ Các biện pháp khắc phục tình trạng da khô

Da khô là tình trạng gì?

Da khô là tình trạng da thô ráp, nhám, khô khi chạm vào. Sự thiếu độ ẩm ở lớp sừng của da gây nên các vết nứt nẻ trên bề mặt da.

Những ai thường bị khô da?

Da khô có thể gặp ở cả nam và nữ ở mọi độ tuổi.

  • Da khô xuất hiện từ nhỏ có thể chỉ điểm một trong các thể da vảy cá. Bệnh nhân có tình trạng này thường có tiền căn gia đình;
  • Da khô thường gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh da như viêm da cơ địa, vảy nến;
  • Càng lớn tuổi, da càng trở nên mỏng và khô hơn. Từ 40 tuổi trở đi, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm mỗi ngày;
  • Da khô xuất hiện muộn hơn có thể gặp trong một số tình trạng hay bệnh lý như: phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh, nhược giáp, bệnh thận mạn, suy dinh dưỡng, hay do sử dụng một số thuốc (ví dụ như retinoid uống, thuốc lợi tiểu, thước ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng thượng bì);

Bạn cũng có thể bị khô da khi tiếp xúc với môi trường khô như:

  • Môi trường độ ẩm thấp: ở sa mạc hoặc môi trường gió, lạnh;
  • Mở máy điều hoà quá mức;
  • Tiếp xúc nhiệt toả ra trực tiếp từ lò sưởi;
  • Tắm quá nhiều, công việc tiếp xúc nước nhiều như các ngành điều dưỡng, làm tóc, v.v..;
  • Tiếp xúc nước hồ bơi, có chứa nhiều clo;
  • Tiếp xúc trực tiếp xà phòng, chất tẩy rửa;
  • Sử dụng thuốc thoa không phù hợp như cồn;
  • Cọ xát với quần áo thô ráp.

Nguyên nhân nào gây khô da?

Da bị khô do chức năng bảo vệ của lớp sừng bị suy giảm. Ở những bệnh nhân khô da người ta thấy giảm lượng lipid trong lớp sừng, tỉ lệ ceramide, cholesterol và các acid béo tự do có thể thay đổi hoặc bình thường. Các tế bào sừng cũng giảm tăng sinh. Kết quả là khả năng giữ nước của lớp sừng bị giảm đi.

Ngoài ra, khô da trong thể di truyền có thể là do đột biến mất chức năng của một số gien quy định thành phần cấu tạo và chức năng thượng bì.

          dưỡng ẩm cho da khô

Đặc điểm da khô là như thế nào?

Da khô là làn da với bề mặt sần sùi, thô ráp, bong vảy, ngứa. Nặng hơn có thể xuất hiện các vết nứt nẻ, chảy máu. Khi da nứt nẻ, các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào dẫn đến nhiễm trùng da. Lúc này, biểu hiện trên da có thể là các nốt đỏ hay mụn nước.

Da khô có thể ở nhiều vị trí nhưng thường gặp nhất là ở cẳng chân, mặt trước xương chày.

Biến chứng của khô da là gì?

Da khô có thể trở nên ngứa, lúc này có thể tình trạng viêm da đang tiến triển như viêm da cơ địa, chàm khô, chàm đồng tiền, v.v..

Da khô ở người lớn tuổi có thể ngứa mà không có biểu hiện thương tổn trên da, đây gọi là tình trạng ngứa ở người già.

Da khô cũng có thể gây một số biến chứng khác như:

  • Nhiễm trùng da, khi tác nhân vi trùng xâm nhập qua kẽ nứt trên da;
  • Viêm da tiếp xúc do hàng rào bảo vệ da bị suy giảm.

Chẩn đoán da khô thế nào?

Để chẩn đoán loại khô da, xem tình trạng khô da của bạn có phải là một triệu chứng chỉ điểm bệnh da cần điều trị hay không, các bác sĩ da liễu cần dựa vào hỏi bệnh sử và thăm khám kĩ lưỡng.

  • Ở trẻ em, bác sĩ sẽ quan tâm đến tiền căn gia đình, tuổi khởi phát, vị trí da khô và các bất thường khác về lông, tóc, răng, khả năng nghe, nhìn, v.v..;
  • Ở người lớn: tiền sử bệnh lý, các thuốc thoa và thuốc uống đang sử dụng, thói quen tắm và sử dụng xà phòng và các yếu tố môi trường xung quanh.

Đôi khi để chẩn đoán một số thể bệnh phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Điều trị da khô thế nào?

  • Dưỡng ẩm: Điều trị chính yếu cho tình trạng da khô hay da vảy cá là chất dưỡng ẩm. Bôi đúng và đủ chất dưỡng ẩm giúp giảm ngứa, cải thiện hàng rào bảo vệ da, ngăn ngừa xâm nhập của vi khuẩn, chất gây dị ứng và làm giảm mất nước qua thượng bì. Với da rất khô, dưỡng ẩm có chứa thành phần urea hoặc axit lactic có thể hữu ích. Các thành phần này có thể có trong cả các dưỡng ẩm kê toa hay không kê toa. Tuy nhiên, nhược điểm là các chất này có thể gây châm chích da chàm hay da nứt nẻ. 
  • Thuốc: khi da bạn rất khô và có biểu hiện bệnh lý, bác sĩ có thể điều trị bằng các thuốc kháng viêm giúp giảm tình trạng ngứa và viêm da như thuốc thoa corticosteroid hay ức chế calcineurin.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: nếu nguyên nhân khô da là do những sinh hoạt như tiếp xúc tay với nước nhiều trong ngày, nên ngưng việc này trong vài ngày. Khi bắt đầu lại công việc, nên sử dụng găng tay và thoa dưỡng ẩm cả ngày.

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng khô da?

Để phòng ngừa tình trạng khô da, nên tránh các yếu tố thức đẩy hay làm nặng thêm tình trạng khô da như:

  • Giảm số lần tắm, không nên tắm quá 1 lần/ngày nếu không thật sự cần thiết;
  • Dùng máy tạo ẩm vào mùa đông và máy điều hoà vào mùa hè;
  • Không ngâm mình lâu trong nước và xà phòng, mỗi lần tắm bồn không nên kéo dài quá 5-10 phút;
  • Sử dụng nước ấm, không sử dụng nước nóng;
  • Thay thế xà phòng bằng sản phẩm dịu nhẹ phù hợp không chứa xà phòng;
  • Thoa dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt sau khi tắm và khi ngứa. Nên lưu ý cần thoa đủ lượng dưỡng ẩm, da khô nhiều thì thoa nhiều và dày hơn, nhất là vùng bàn tay;
  • Nên làm ẩm và làm mềm da trước khi cạo râu và lông. Bôi kem cạo râu khoảng 3 phút trước khi cạo để giảm kích ứng khi cạo.

Kết luận

Da khô là một tình trạng mạn tính, dai dẳng cần được chăm sóc để giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da, giảm ngứa và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn. Nếu tình trạng da khô nhiều kèm theo các biểu hiện khác bất thường, gây lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn kĩ hơn.

 

ThS. BS. Trần Thị Thuý Phượng          

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

   

return to top