✴️ Những điều cần biết về viêm loét dạ dày hành tá tràng

Nội dung

Viêm loét dạ dày hành tá tràng là bệnh lý khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và đang dần có xu hướng trẻ hóa. Khi bệnh mới nhen nhóm khởi phát thường khó phát hiện và dễ bị bỏ qua vì nhầm lẫn với đau bụng thông thường. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về viêm loét dạ dày tá tràng để giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm. 

 

1. Khái niệm về viêm loét dạ dày hành tá tràng

Viêm loét dạ dày hành tá tràng là bệnh gây tổn thương, viêm loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày hoặc hành tá tràng. Các tổn thương gây bào mòn lớp niêm mạc dạ dày tá tràng làm lộ lớp thành ruột bên dưới. Có 95% vết loét xuất hiện ở tá tràng, 60% xảy ra loét ở dạ dày. 

Viêm loét dạ dày hành tá tràng là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa

 

2. Viêm loét dạ dày hành tá tràng và các nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày hành tá tràng. Các nguyên nhân phổ biến:

2.1  Viêm loét dạ dày hành tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori 

Một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày hành tá tràng là do vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống trong lớp nhầy của niêm mạc. Chúng tiết ra độc tố tấn công niêm mạc dạ dày gây ra viêm loét.

2.2 Thường xuyên sử thuốc giảm đau, kháng viêm

Nguyên nhân phổ biến sau vi khuẩn HP là do người bệnh thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Các loại thuốc này khi sử dụng trong thời gian dài sẽ làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày vì thế khi lượng chất này bị sụt giảm sẽ dễ gây viêm loét. 

2.3  Sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn 

Trong thuốc lá có chứa tới hơn 200 chất gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt chất nicotine sẽ gây kích thích cơ chế tiết ra nhiều cortisol tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. 

2.4 Stress

Những người thường xuyên sống trong áp lực, căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa. Nguyên nhân do stress ảnh hưởng tới hệ thần kinh kéo theo kích thích dạ dày bài tiết ra nhiều acid. 

2.5 Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học

Một số người có thói quen sinh hoạt cá nhân không khoa học: Thức khuya, bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ giấc,…sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tá tràng dạ dày. Việc ăn nhiều các thức ăn chua cay, đồ chiên rán,…cũng dễ gây viêm loét dạ dày. 

 

3. Các dấu hiệu cơ bản khi bị viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng ở mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Một số trường hợp khi bị bệnh sẽ có các dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên cũng có những bệnh nhân không có biểu hiện gì khi dạ dày bị viêm loét vì vậy mọi người cần hết sức lưu ý tới những thay đổi dù là nhỏ nhất của cơ thể.  

3.1 Đau vùng thượng vị là dấu hiệu viêm loét dạ dày hành tá tràng

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là các cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị. Đây là phần nằm phía trên bụng, ở giữa phía dưới xương ức. Cơn đau có thể xuất hiện âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào mức độ viêm loét. Thời gian đau thường phổ biến vào lúc đói hoặc lúc nửa đêm. Cơn đau cũng có thể lan ra khắp vùng bụng, sau lưng. 

3.2  Chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn hay nôn

Người bệnh thường xuyên có cảm giác đầy bụng mặc dù ăn rất ít. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do dạ dày bị tổn thương sẽ kéo theo các chức năng trong hệ tiêu hóa bị chậm lại. Thức ăn sau khi đưa vào dạ dày không được tiêu hóa hết tích tụ lại, lên men tạo thành hơi đẩy lên họng gây ra buồn nôn. 

3.3  Ợ hơi, ợ chua, hoặc nóng rát thượng vị

Phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng này tuy nhiên nhiều người thường lầm tưởng đây chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể. Ợ rát có thể xảy ra khi người bệnh bị viêm loét kèm trào ngược dạ dày thực quản. 

3.4 Rối loạn tiêu hóa

Dạ dày hành tá tràng là một phần của hệ tiêu hóa vì vậy khi chúng gặp vấn đề sẽ gây ra rối loạn hệ tiêu hóa. Triệu chứng dễ nhận thấy là người bệnh sẽ bị táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 

Tuy nhiên các triệu chứng trên chỉ mang tính gợi ý chứ không thể chẩn đoán chính xác tuyệt đối. Vì vậy khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên bạn cần theo dõi sau đó tới bệnh viện để thăm khám cụ thể. 

Đau vùng thượng vị là dấu hiệu phổ biến nhất

 

4. Phương pháp chữa viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả nhất

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng khi phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ điều trị dễ dàng. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ khó điều trị dứt điểm và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày hành tá tràng phổ biến nhất chính là sử dụng thuốc. Điều trị nội khoa thường sử dụng các loại thuốc như:

– Thuốc kháng sinh áp dụng cho trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP

– Thuốc có tác dụng kháng acid

– Thuốc giúp giảm tiết acid 

– Thuốc gây ức chế bơm Proton đồng thời ngăn chặn bài tiết dịch HCL

– Thuốc tạo hàng rào bảo vệ quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạc dạ dày

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau thì cần ngưng sử dụng ngay. 

 

5. Hệ quả của viêm loét dạ dày hành tá tràng

Bệnh dạ dày tá tràng nếu không được điều trị sớm và dứt điểm dễ trở thành mạn tính. Khi này bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe: 

– Thủng dạ dày hành tá tràng: Người bệnh sẽ đau bụng đột ngột và dữ dội 

– Xuất huyết hệ tiêu hóa: Các ổ viêm loét ăn sâu vào niêm mạc và rỉ máu. Nếu không phát hiện sớm để ngăn chặn sẽ khiến người bệnh mất nhiều máu, nguy hiểm tới tính mạng. Dấu hiệu nhận biết là người bệnh bị nôn hoặc đi ngoài ra phân đen, lẫn máu. 

– Hẹp môn vị: Mô xơ phát triển trên ổ loét gây hẹp lòng ruột dưới dạ dày. Do vậy thức ăn rất khó đi qua đường tiêu hóa. Biểu hiện của hẹp môn vị là người bệnh thường xuyên đầy bụng, sút cân nhanh, hay buồn nôn.

Các biến chứng kể trên đều rất nguy hiểm vì vậy nếu bạn gặp phải một trong các dấu hiệu trên cần tới bệnh viện để xử lý kịp thời.

 

6. Các biện pháp phòng bệnh

Thay vì để có bệnh mới chữa bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ gây bệnh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn bảo vệ cả những người thân xung quanh. 

– Hạn chế tối đa việc uống rượu bia ( Mỗi ngày chỉ nên uống tối đa không quá 2 ly)

– Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Rau xanh, trái cây tươi, sữa chua,…

– Hạn chế ăn các thức ăn có vị chua cay dễ gây kích thích dạ dày 

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn để ngăn ngừa nhiễm khuẩn

– Nên tạo thói quen ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn hàng quán

– Thực phẩm nên được chế biến bằng cách luộc, hấp, thái nhỏ, nấu mềm để giảm bớt gánh nặng lên dạ dày

– Thức ăn sau khi chế biến nên ăn ngay, tránh để lâu sẽ làm mất chất dinh dưỡng

– Bạn cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc trong thời gian dài bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn sử dụng loại thuốc ít ảnh hưởng tới dạ dày.

Viêm loét dạ dày hành tá tràng tuy không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng sẽ mang đến nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh. Vì vậy khi không may nhiễm bệnh bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để điều trị triệt để.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top