✅ Điều trị mụn cóc như thế nào?

Nội dung

Ai dễ bị mụn cóc?

Mụn cóc thường gặp ở:

  • Trẻ em tuổi đi học, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi
  • Bệnh nhân viêm da cơ địa, do hàng rào da không toàn vẹn

Nguyên nhân nào gây ra mụn cóc

Nguyên nhân của mụn cóc là do nhiễm human papillomavirus (HPV), một virus có vật chất di truyền là DNA. Có hơn 100 chủng HPV đã được tìm thấy, gây nên biểu hiện lâm sàng đa dạng. Nhiễm HPV trong lớp nông của thượng bì sẽ kích thích tăng sinh các tế bào sừng và tăng hiện tượng sừng hóa gây nên mụn cóc. Các chủng HPV thường gây nên mụn cóc nhất là 2, 3, 4, 27, 29, và 57.

HPV là virus chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, nhưng HPV cũng lây lan do tiếp xúc trực tiếp da-da (khi chạm vào mụn cóc của người khác) hoặc tự tiêm nhiễm. Điều này có nghĩa rằng nếu cào gãi hay bóc, gỡ mụn cóc, các mảnh vụn virus có thể lan ra vùng da khác trên cơ thể. Giai đoạn nhiễm HPV tiềm ẩn có thể kéo dài đến 12 tháng.

Mụn cóc thậm chí cũng có thể xuất hiện sau khi chạm vào các bề mặt từng tiếp xúc với sang thương mụn cóc. HPV là virus có sức chịu đựng rất cao, có thể sống sót trong thời gian dài trên mọi bề mặt.

Biểu hiện lâm sàng của mụn cóc

Mụn cóc ở da có bề mặt cứng, sừng hóa. Trung tâm những điểm tăng sừng có thể quan sát thấy điểm đen nhỏ do hiện tượng chảy máu trong lớp gai.

Mụn cóc thông thường

Mụn cóc thông thường là những sẩn bề mặt sần sùi, nhiều u nhú, tăng sừng kích thước từ 1mm đến hơn 1cm. Vị trí thường gặp nhất ở mặt lưng các ngón tay ngón chân, quanh móng – có thể làm biến dạng móng – và trên gối. Đôi khi mụn cóc có hình dạng giống bông cải.

Mụn cóc lòng bàn chân

Mụn cóc lòng bàn chân bao gồm những khối tăng sinh vào bên trong da, gây cảm giác căng và đau ở gót chân, và cả những đám mụn cóc “khảm” ít gây đau hơn. Nang dạng thượng bì (epidermoid cyst) lòng bàn chân thường đi kèm mụn cóc. Mụn cóc lòng bàn chân dai dẳng hiếm khi tiến triển thành ung thư tế bào gai.

Mụn cóc phẳng

Mụn cóc phẳng có bề mặt trơn láng. Vị trí thường gặp nhất là mặt, bàn tay, và bắp chân. Số lượng thường là nhiều sang thương. Mụn cóc phẳng có thể do HPV bị tiêm nhiễm sau cạo râu/lông hay do cào gãi nên chúng có phân bố dạng đường thẳng (hiện tượng Koebner giả). Mụn cóc phẳng thường do chủng HPV 3 và 10.

Mụn cóc dạng sợi

Mụn cóc dạng sợi có hình dáng giống như một cái gai, một ngón tay, hay có cuống mảnh như sợi chỉ. Chúng thường xuất hiện ở mặt, gần mắt, mũi, miệng.

Mụn cóc niêm mạc

Mụn cóc ở miệng có thể xuất hiện trên môi và trong niêm mạc má, còn được gọi là u nhú tế bào gai. Mụn cóc niêm mạc thường mềm hơn mụn cóc ở da.

điều trị mụn cóc

Biến chứng thường gặp

Mụn cóc lan tỏa trên những bệnh nhân mắc hội chứng di truyền hiếm gặp loạn sản thượng bì dạng mụn cóc (epidermodysplasia verruciformis).

Biến chuyển ác tính hiếm gặp ở mụn cóc thông thường và có thể dẫn đến ung thư tế bào gai

Những chủng HPV sinh ung gây mụn cóc ở vùng sinh dục và hầu họng có thể gây nên các sang thương tân sinh trong biểu mô hoặc xâm lấn xuống các lớp sâu hơn, bao gồm ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, và âm hộ.

Chẩn đoán mụn cóc

Hiếm khi cần đến xét nghiệm để chẩn đoán mụn cóc vì chúng quá thường gặp và biểu hiện lâm sàng quá đặc hiệu.

Khi loại bỏ mụn cóc, nền mô bên dưới xuất hiện những chấm xuất huyết bằng đầu ghim (do đông các mao mạch nhỏ)

Khám da bằng dermoscope đôi khi hữu ích để phân biệt mụn cóc với những sang thương sừng hóa khác như dày sừng tiết bã hay ung thư da.

Đôi khi mụn cóc được chẩn đóa dựa trên sinh thiết da. Mô học của mụn cóc thông thường khác với mụn cóc phẳng.

Khi nào nên đến khám bác sĩ Da Liễu?

Nếu mụn cóc gây đau, chảy máu, rỉ dịch, hoặc lan rộng đến vùng da khác trên cơ thể, thay đổi màu sắc, kích thước, hay cấu trúc, và mụn cóc tái phát nhanh sau khi được loại bỏ, hãy đến khám bác sĩ.

Các phương pháp điều trị

Những mụn cóc nhỏ, không triệu chứng có thể không cần điều trị, và trong một số trường hợp có thể diễn tiến tự thoái lui. Tuy vậy, những mụn cóc gây đau, gây mất thẩm mỹ nên được loại bỏ. Để loại trừ mụn cóc, chúng ta phải kích thích miễn dịch cơ thể tấn công virus gây mụn cóc. Tuân thủ điều trị và kiên nhẫn là tối cần thiết!

Bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà, nhưng tốt nhất nên đến bác sĩ tư vấn, đặc biệt các trường hợp mụn cóc ở mặt. Bác sĩ có thể hướng dẫn điều trị hiệu quả và an toàn nhất cho mụn cóc. Nên lưu ý rằng các thuốc điều trị mụn cóc thường chứa các chất gây kích ứng như salicylic acid, do đó không bao giờ nên để thuốc dây vào gần mắt, mũi, miệng.

Điều trị tại nhà

Đến khoảng hai phần ba mụn cóc tự lành mà không cần điều trị. Điều này xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể chiến đấu thành công chống lại chủng HPV gây mụn cóc. Tuy nhiên, cần phải đến một năm hay hơn thì mụn cóc mới biến mất hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân sẽ không thể đợi được mụn cóc biến mất tự nhiên, nhất là mụn cóc trên mặt, mà phải tìm các biện pháp điều trị khác để loại bỏ mụn cóc.

Salicylic acid là một lựa chọn điều trị phổ biến để loại bỏ mụn cóc. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho các mụn cóc vùng mặt.

Vitamin A thoa có thể là một điều trị thay thế hiệu quả. Theo một nghiên cứu năm 2019, tretinoin — một dẫn xuất vitamin A — có thể điều trị mụn cóc phẳng. Đây vẫn là một điều trị off-label.

Hơn nữa, vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã báo cáo một trường hợp điều trị thành công mụn cóc với vitamin A chiết tách từ dầu gan cá, bằng cách thoa trực tiếp dầu này lên mụn cóc. Đây cũng là một điều trị off-label.

Điều trị tại cơ sở y tế

Bác sĩ có thể áp dụng các điều trị sau để loại bỏ mụn cóc:

Thuốc thoa: Các chế phẩm điều trị mụn cóc thường chứa salicylic acid hay các hợp chất tương tự, hoạt động thông qua cơ chế loại bỏ các lớp tế bào chết trên bề mặt sang thương. Thoa hoặc chấm thuốc mỗi ngày một lần. Điều trị thường làm mụn cóc nhỏ hơn, ít triệu chứng bất tiện hơn. 70% mụn cóc lành trong vòng 12 tuần thoa thuốc mỗi ngày. Các bước thoa thuốc nên được thực hiện như sau:

  • Ngâm mụn có trong bồn tắm hoặc chậu nước ấm để làm mềm mụn cóc

  • Chà xát bề mặt mụn cóc bằng đá mài hoặc cây giũa

  • Thoa hay chấm thuốc điều trị lên mụn cóc, giới hạn đúng sang thương mụn cóc, chờ khô

  • Băng bịt lại bằng màng bọc thực phẩm hay băng keo

  • Nếu thuốc điều trị làm da đau, rát, ngưng điều trị cho đến khi cảm giác khó chịu nguôi ngoai hẳn, sau đó bắt đầu lại. Lưu ý không để thuốc lan ra vùng da lành xung quanh.

Liệu pháp làm lạnh: thực hiện lặp lại mỗi một đến hai tuần. Có thể gây khó chịu và có thể dẫn đến phồng nước da trong nhiều ngày hay nhiều tuần. 70% điều trị thành công sau 3-4 tháng điều trị.

Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây sẹo hay mất sắc tố vĩnh viễn, cũng như gây tê, mất cảm giác tạm thời. Bệnh nhân có type da quá sáng hoặc quá sậm màu không nên điều trị áp lạnh, đặc biệt cho các mụn cóc trên mặt.

Xịt lạnh bằng hỗn hợp dimethyl ether và propane (DMEP) có thể áp dụng cho mụn cóc thông thường và mụn cóc lòng bàn tay chân. Thuốc có bán dưới dạng không kê đơn, nhưng cần đọc và theo đúng hướng dẫn sử dụng một cách cẩn thận.

Phối hợp liệu pháp miễn dịch và liệu pháp làm lạnh làm giảm số lần điều trị làm lạnh.

Cắt đốt điện: áp dụng điều trị những mụn cóc lớn, kháng trị. Sau khi gây tê tại chỗ, sang thương được cắt bằng dao mổ hay đốt bằng điện hay laser bốc bay; sau đó đốt cầm máu nền mô bên dưới sang thương. Vết thương lành sau hai tuần hay hơn, nhưng 20% có thể tái phát trong vòng vài tháng. Điều trị này để lại sẹo vĩnh viễn.

Các biện pháp khác đang được nghiên cứu để điều trị mụn cóc tái phát, lan rộng, hay kháng trị bao gồm:

  • Retinoids thoa như tretinoin cream hay adapalene gel

  • Thuốc điều hòa miễn dịch như imiquimod cream, fluorouracil cream

  • Thoa cantharidin – một tác nhân gây phồng nước da. Thuốc được rửa đi sau 3-4 giờ hoặc khi gây đau/phồng nước. Thường tránh điều trị mụn cóc vùng mặt. Điều trị này chưa được FDA chấp thuận.

  • Tiêm bleomycin trong sang thương

  • Retinoids uống

  • Pulsed dye laser phá hủy mạch máu nuôi mụn cóc

  • Liệu pháp quang động học

  • Đốt bốc bay bằng laser

  • Đồng vận thụ thể H2 uống

  • Kẽm oxide và kẽm sulfate uống

  • Kích thích miễn dịch bằng diphencyprone, hay squaric acid

  • Liệu pháp miễn dịch với Candida albicans hay tuberculin PPD: dành cho các sang thương kháng trị

  • Tăng nhiệt tại chỗ, như chườm ấm

Các biện pháp phòng ngừa

Vaccine HPV sẵn có có thể bảo vệ khỏi các chủng HPV vùng hậu môn sinh dục. Đã có y văn báo cáo về hiệu quả làm sạch các sang thương mụn cóc ngoài sinh dục trên vài đối tượng bệnh nhân, dù chưa có bằng chứng chắc chắn là nhờ vào vaccine. Ở New Zealand, tất cả các trẻ em trai và gái 12 tuổi đều được tiêm ngừa 9 chủng HPV phổ biến.

Để giảm nguy cơ mắc mụn cóc, mỗi cá nhân cần:

  • Tránh chạm vào mụn cóc của người khác

  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, đồ bấm móng tay với người bị mụn cóc

  • Che chắn mụn cóc bằng băng keo cá nhân đến khi chúng lành

  • Không cắn móng tay khi bị mụn cóc quanh móng

  • Không cào gãi, gỡ bỏ mụn cóc

  • Điều trị các vết cắt, vết xước trên da càng sớm càng tốt

  • Diễn tiến và tiên lượng của mụn cóc

Không có điều trị nào có hiệu quả hoàn toàn loại bỏ vĩnh viễn mụn cóc. Ở trẻ em, 50% mụn cóc biến mất trong vòng 6 tháng dù không điều trị, và 90% tự lành trong 2 năm. Ở người lớn mụn cóc dai dẳng hơn, nhưng cuối cùng cũng tự lành. Mụn cóc thường dễ tái phát ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ghép tạng. Tái phát cũng thường xuyên hơn ở bệnh nhân hút thuốc lá.

 

 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

 

return to top