✴️ Hội chứng Raynaud: nguyên nhân gây bệnh, cách nhận biết

Nội dung

Hội chứng Raynaud là hiện tượng hệ tuần hoàn động mạch các ngón tay ngừng đột ngột và thoáng qua và có thể gây biến chứng loét da hoặc hoại tử các đầu chi. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị hội chứng Raynaud trong bài viết dưới đây.

 

1. Tìm hiểu về hội chứng Raynaud

1.1. Khái niệm

Hội chứng Raynaud được mô tả đầu tiên bởi một bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud vào năm 1862 và tên ông được sử dụng để đặt tên cho hội chứng.

Đây là hiện tượng ngừng đột ngột và thoáng qua của hệ tuần hoàn động mạch các ngón tay. Hội chứng này thường gặp ở lứa tuổi trẻ, xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam với tỷ lệ chiếm tới 80-90%.

Hội chứng này gây tác động phổ biến nhất đến các vùng như các đầu chi (ngón tay, ngón chân), vùng tai, núm vú và chóp mũi . Hội chứng có các biểu hiện đặc trưng như thay đổi màu sắc da từ hồng hào sang trắng hoặc tím xanh, da bị tê rần, rối loạn cảm giác, thay đổi cảm giác… và có thể gây biến chứng hoại tử nếu tình trạng co thắt mạch diễn ra trong thời gian dài.

Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là tình trạng bệnh lý do co thắt mạch máu ngoại vi kèm theo các yếu tố bất lợi (lạnh, stress, các yếu tố làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng mô và tế bào vùng ngón tay hoặc hiếm hơn là ở ngón chân).

1.2. Phân loại hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud được chia thành hai nhóm:

Raynaud nguyên phát: được gọi là bệnh Raynaud, trường hợp này thường hiếm gặp hơn và ít các dấu hiệu lâm sàng. Nguyên nhân gây bệnh Raynaud hiện chưa được xác định rõ ràng.

Raynaud thứ phát: Tình trạng này được gọi là hội chứng Raynaud.

 

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud

Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud bao gồm những yếu tố gây ra sự co thắt mạch máu và các dây thần kinh chi phối mạch máu cụ thể như sau:

Điều kiện sống ở khí hậu lạnh: Người thường xuyên sống ở vùng khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp cũng có nguy cơ gặp phải hội chứng Raynaud.

Các bệnh hệ thống  như xơ cứng bì, lupus ban đỏ, viêm da cơ…: Người bị mắc các bệnh lý này có nguy cơ bị hội chứng cao hơn.

Các bệnh lý tuyến giáp cũng làm tăng khả năng mắc hội chứng  Raynaud.

Chấn thương, bệnh nghề nghiệp: Các hành động lặp đi lặp lại như đánh máy, chơi đàn piano có thể gây tổn thương động mạch ở tay và gây ra hội chứng này.

Tiếp xúc các loại thuốc và hóa chất: Một số loại hóa chất có thể gây ra hội chứng này ngoài ra các thuốc như thuốc giảm đau, thuốc điều trị ung thư, dị ứng…cũng có thể gây ra hội chứng Raynaud.

Nghiện thuốc lá hoặc rượu: Người thường xuyên hút thuốc, uống rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng này.

 

3. Các biểu hiện lâm sàng

Khi bị hội chứng Raynaud người bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình có thể nhận biết cụ thể như sau:

Thay đổi màu da: Dấu hiệu nổi bật có thể nhận thấy của hội chứng này là tình trạng thay đổi màu da từ hồng hào sang trắng bệch hoặc tím xanh, tê tay hoặc giảm cảm giác, các dấu hiệu này sẽ nặng lên khi gặp thời tiết lạnh. Tình trạng thay đổi màu da từ hồng hào sang trắng bệch hoặc tím xanh ở người bị hội chứng Raynaud có thể gặp ở tai, ở chóp mũi hoặc núm vú. Tuy nhiên ở thể nhẹ thì màu sắc da sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau một thời gian ngắn.

Đau nhức đầu chi hoặc rối loạn cảm giác: Ngoài dấu hiệu thay đổi màu da thì người gặp hội chứng Raynaud còn cảm thấy đau nhức ở vùng đầu chi hoặc rối loạn cảm giác, tê.

Ở thể nặng người bị hội chứng này có thể gặp phải tình trạng loét da hoặc hoại tử các đầu chi do tình trạng giảm tưới máu kéo dài và lặp đi lặp lại.

Biểu hiện đặc trưng của hội chứng raynaud là sự thay đổi màu da

4. Chẩn đoán bệnh

Các hiện tượng như co thắt mạch ngoại biên, viêm động mạch đầu chi có biểu hiện khá tương tự như hội chứng Raynaud và cần phải phân biệt hội chứng này với các hiện tượng nói trên.. Vì vậy để chẩn đoán hội chứng Raynaud bác sĩ sẽ thực hiện đồng thời việc khai thác tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình người bệnh và thăm khám trực tiếp thông qua triệu chứng lâm sàng như:

Các dấu hiệu biến đổi màu da ở ngón tay, ngón chân.

Kích thích bằng tác nhân lạnh tới sự đổi màu da.

Các xét nghiệm sinh hóa và huyết học: ít có giá trị trong chẩn đoán hội chứng này.

 

5. Cách điều trị hội chứng Raynaud

Để điều trị hiệu quả hội chứng Raynaud cần phải có sự kết hợp giữa việc phòng ngừa và các phương pháp điều trị. Cụ thể:

5.1. Hạn chế, kiểm soát các tác nhân gây bệnh

Loại bỏ tác nhân gây bệnh khi đã tìm được nguyên nhân: Khi đã xác định được tác nhận gây bệnh cần loại bỏ như tránh hút thuốc lá, uống rượu, có các biện pháp bảo vệ bàn tay và bàn chân khỏi các chấn thương, tránh tình trạng căng thẳng stress, duy trì tâm lý thoải mái lạc quan.

Chống lạnh cho cơ thể, đặc biệt là bàn tay và bàn chân: Cần tránh lạnh cho cơ thể đặc biệt là vùng bày tay bàn chân bằng cách giữ ấm, sử dụng tất, gang tay khi thời tiết lạnh, sưởi ấm tay chân, tắm bằng nước ấm.

5.2. Điều trị hội chứng Raynaud

Ngoài việc loại bỏ các tác nhân gây bệnh, để điều trị bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng kết hợp các loại thuốc có tác dụng giảm co thắt mạch máu, cải thiện toàn hoàn (thuốc giãn mạch, chẹn dòng canxi). Tuy nhiên, cần lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc điều trị nội khoa bằng thuốc, thì còn có điều trị ngoại khoa bằng cách áp dụng phương pháp cắt dây thần kinh giao cảm hoặc tháo khớp khi có hoại tử chi. Tuy nhiên hiện tại các phương pháp này ít áp dụng vì hiệu quả không rõ ràng.

Trên đây là các kiến thức về hội chứng Raynaud như định nghĩa, nguyên nhân gây bệnh, cách chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị. Hi vọng qua bài viết trên bạn đã có được những thông tin hữu ích về bệnh để có thể chủ động phòng tránh và kiểm soát bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra bệnh cần được khám và tư vấn các phương pháp điều trị vì vậy khi thấy có các dấu hiệu của bệnh hoặc nghi ngờ về bệnh bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán từ đó đưa ra lời khuyên, cách điều trị hiệu quả, phù hợp nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top