Biến chứng của bệnh sỏi bàng quang

Triệu chứng của sỏi bàng quang

Đôi khi tình trạng sỏi bàng quang – ngay cả khi có các viên sỏi lớn – cũng không gây ra vấn đề gì nếu chúng không ngăn dòng chảy của nước tiểu. Khi chúng ảnh hưởng đến sự đào thải nước tiểu, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau bụng dưới
  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên, nhiều lần
  • Khó đi tiểu hoặc dòng nước tiểu bị gián đoạn
  • Có máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường

 

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng sỏi bàng quang?

Sỏi bàng quang có thể phát triển khi bàng quang không rỗng hoàn toàn. Khi nước tiểu còn tồn đọng trong bàng quang một thời gian dài, nó sẽ bị cô đặc và từ đó có thể kết tinh và tạo thành sỏi.

Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Đôi khi một vấn đề tiềm ẩn nào đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ, lưu trữ hoặc khả năng thải bỏ nước tiểu, và có thể dẫn đến hình thành sỏi. Bất kỳ vật chất lạ nào xuất hiện trong bàng quang đều có xu hướng gây sỏi bàng quang.

Một số điều kiện phổ biến nhất gây ra sỏi bàng quang bao gồm:

  • Phì đại tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hoặc BPH) có thể gây sỏi bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến bàng quang không thể rỗng hoàn toàn.
  • Các dây thần kinh bị tổn thương. Thông thường, các dây thần kinh mang tín hiệu từ não đến cơ bàng quang, hướng các cơ bàng quang thắt chặt hoặc giải phóng nước tiểu. Nếu các dây thần kinh này bị tổn thương - do đột quỵ, chấn thương tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác - bàng quang có thể không rỗng hoàn toàn. 

Các nguyên nhân khác có thể gây ra sỏi bàng quang bao gồm:

  • Tình trạng viêm nhiễm. Viêm bàng quang, đôi khi do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu, có thể dẫn đến sỏi bàng quang.
  • Các thiết bị y tế. Ống thông bàng quang có thể gây sỏi bàng quang. Các tinh thể khoáng chất sau này trở thành sỏi có xu hướng hình thành trên bề mặt của các thiết bị này.
  • Sỏi thận. Sỏi hình thành trong thận không giống như sỏi bàng quang, chúng phát triển theo những cách khác nhau. Nhưng những viên sỏi thận nhỏ có thể đi xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được tống ra ngoài, và từ đó có thể phát triển thành sỏi bàng quang.

 

Các yếu tố nguy cơ

Nam giới, đặc biệt là những người trên 50 tuổi là những người có nhiều khả năng gặp phải sỏi bàng quang nhất. Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ sỏi bàng quang bao gồm:

  • Chướng ngại vật nào đó. Bất kỳ tình trạng nào cản trở dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang đến niệu đạo và đào thải ra ngoài đều có thể dẫn đến hình thành sỏi bàng quang. Có một số nguyên nhân của tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là do tuyến tiền liệt phì đại.
  • Tổn thương thần kinh. Đột quỵ, chấn thương tủy sống, bệnh Parkinson, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm và một số vấn đề khác có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát chức năng của bàng quang.
  • Kết hợp của cả 2 yếu tố trên cùng nhau càng làm tăng nguy cơ bị sỏi bàng quang.

 

Các biến chứng gặp phải

Sỏi bàng quang tồn đọng ngay cả khi không gây ra triệu chứng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như:

  • Các vấn đề bàng quang mãn tính. Sỏi bàng quang không được điều trị có thể gây ra những khó khăn về đường tiểu trong thời gian dài, chẳng hạn như đau hoặc đi tiểu thường xuyên. Sỏi bàng quang cũng có thể nằm ở vị trí lỗ nước tiểu thoát ra từ bàng quang vào niệu đạo, làm chặn dòng chảy của nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng nhiễm vi khuẩn lặp đi lặp lại trong đường tiết niệu có thể do sỏi bàng quang.

 

Chẩn đoán sỏi bàng quang

Chẩn đoán sỏi bàng quang có thể gồm các phương pháp:

  • Khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ có thể sẽ khám vùng bụng dưới để xem bàng quang có căng hay không, hoặc có thể tiến hành khám trực tràng để xác định xem tuyến tiền liệt có bị phì đại hay không. Nên thảo luận về bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng tiết niệu nào đang gặp phải với bác sĩ thật chi tiết.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu có thể được thu thập để kiểm tra. Một lượng nhỏ máu, vi khuẩn và khoáng chất kết tinh có thể được đánh giá qua xét nghiệm. Xét nghiệm nước tiểu cũng để tìm nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Chụp cắt lớp. CT sử dụng tia X và máy tính để quét và cung cấp hình ảnh rõ ràng về bên trong cơ thể, phát hiện ngay cả những viên sỏi rất nhỏ. Đây là một trong những xét nghiệm nhạy cảm nhất để xác định tất cả các loại sỏi bàng quang.
  • Siêu âm. Sóng âm thanh phản ánh từ các cơ quan và cấu trúc trong cơ thể để tái tạo hình ảnh, giúp phát hiện sỏi bàng quang.
  • Tia X. Chụp X-quang thận, niệu quản và bàng quang giúp bác sĩ xác định có sỏi bàng quang hay không. Tuy nhiên, một số loại sỏi không thể nhìn thấy trên tia X thông thường.

 

Điều trị sỏi bàng quang

Uống nhiều nước có thể giúp viên sỏi nhỏ đào thải ra ngoài một cách tự nhiên qua đường tiểu. Tuy nhiên, vì sỏi bàng quang thường gây ra do khó đi tiểu, nên lượng nước uống thêm có thể không đủ để mang đến hiệu quả.

Đa phần, sỏi sẽ cần phải lấy ra khỏi bàng quang bằng một số phương pháp như:

Nội soi tán sỏi

Đầu tiên, gây mê toàn thân hoặc gây tê sẽ được tiến hành trên bệnh nhân. Sau đó, một ống nhỏ có camera ở cuối được đưa vào bàng quang, cùng với tia laser, sóng siêu âm hoặc các thiết bị khác sẽ phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ và đẩy chúng ra khỏi bàng quang.

Phẫu thuật mở

Đôi khi, sỏi bàng quang lớn hoặc quá cứng để vỡ ra khi nội soi. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy sỏi ra khỏi bàng quang.

 

Dự phòng tình trạng sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang thường do một tình trạng tiềm ẩn khó có thể ngăn ngừa, nhưng hoàn toàn có thể giảm nguy cơ bằng những lời khuyên dưới đây:

  • Thông báo với bác sĩ về các triệu chứng tiết niệu bất thường càng sớm càng tốt. Chẩn đoán và điều trị sớm phì đại tuyến tiền liệt hoặc một bệnh lý nào đó có thể làm giảm nguy cơ phát triển sỏi bàng quang.
  • Uống nhiều nướcUống nhiều chất lỏng hơn, đặc biệt là nước có thể giúp ngăn ngừa sỏi bàng quang, vì chất lỏng làm loãng nồng độ khoáng chất trong bàng quang. Nên uống bao nhiêu nước tùy thuộc vào độ tuổi, kích thước cơ thể, sức khỏe và mức độ hoạt động của mỗi người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có chế độ hợp lý.

 

Tổng kết

Sỏi bàng quang là một tình trạng không hiếm gặp, với nguyên nhân chủ yếu do sự tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu khi đào thải dẫn đến tích tụ nước tiểu, tạo môi trường cho khoáng chất và cặn hình thành sỏi trong bàng quang. Sỏi có thể không gây các triệu chứng gì, nhưng khi chúng ảnh hưởng đến quá trình đào thải nước tiểu, một số dấu hiệu có thể xuất hiện.

Khi có bất cứ dấu hiệu gì bất thường, nên đi khám tại các cơ sở y tế. Sỏi bàng quang tương đối dễ phát hiện và có thể điều trị bằng các biện pháp phẫu thuật an toàn, hiệu quả. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chi tiết để được hỗ trợ khi có bất cứ dấu hiệu nào bất thường để được xử trí kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top