✅ Viêm da thần kinh

Tổng quan

Viêm da thần kinh là gì?

Viêm da thần kinh là một thể của bệnh chàm – một tên khác của tình trạng da này là lichen đơn dạng mạn tính. Bệnh khởi phát với triệu chứng ngứa, hầu hết mọi bệnh nhân bắt đầu với một hoặc hai mảng ngứa, chúng thường xuất hiện trên một cánh tay hoặc chân, vùng sau cổ, da đầu hoặc vùng sinh dục. Khi mảng ngứa xuất hiện ở vùng sinh dục chúng có khuynh hướng phát triển ở hậu môn, bìu hoặc âm hộ.

Việc cào gãi những mảng ngứa trên da là nguyên nhân gây ra viêm đỏ vùng da. Tuy nhiên đây là một bệnh không lây nhiễm.

Những mảng thương tổn này có thể rất ngứa, cơn ngứa thường xuất hiện và tự giảm. Một số bệnh nhân cho rằng cảm giác ngứa thường xuất hiện khi họ thư giãn và trở nên dữ dội ngay trước khi ngủ. Nếu không được điều trị, tình trạng ngứa có thể trở nên tệ hơn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Mặc dù cảm giác ngứa có thể dữ dội nhất khi nghỉ ngơi thư giãn, nhưng bệnh thường bùng phát lúc tinh thần thật sự căng thẳng. Nhiều bệnh nhân cho biết rằng cảm giác căng thẳng, chán nản hoặc thất vọng – một số khác nói rằng khi họ thật sự lo lắng –  thường xảy ra trước khi cơn ngứa bắt đầu và còn kéo dài ngay cả khi cảm giác căng thẳng đã giảm dẫn đến việc thường xuyên cào gãi gây ra tình trạng nhiễm trùng da và chảy máu.

Ngoài ra, việc cào gãi liên tục sẽ làm da tại mảng ngứa trở nên dày hơn, đây là một cách tự bảo vệ của cơ thể để ít bị chảy máu và nhiễm trùng hơn. Tuy nhiên việc da trở nên dày dơn không những không  giúp giảm cảm giác ngứa mà còn làm cơn ngứa trở nên dữ dội hơn và thật nguy hiểm khi bệnh nhân dần sẽ không còn ý thức được việc mình đang cào gãi nữa.

Viêm da thần kinh thường không thể tự hết mà không điều trị và chìa khoá trong việc điều trị là cắt đứt vòng xoắn bệnh lý ngứa – gãi – ngứa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh khác gây ra vòng xoắn bệnh lý này, và phác đồ điều trị các bệnh là khác nhau nên việc đến thăm khám trực tiếp cùng bác sĩ da liễu là điều hết sức cần thiết giúp điều trị thành công.

Những dấu hiệu cho biết bạn có thể bị viên da thần kinh gồm:

  • Cào gãi liên tục hoặc chà xát một vài mảng da ngứa.
  • Cơn ngứa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, chẳng hạn như mất ngủ vì ngứa hoặc ảnh hưởng đến việc chơi thể thao, hẹn hò.
  • Xuất hiện những mảng đỏ hoặc mảng đau chảy máu.

 

Triệu chứng

Ngứa dữ dội

Viêm da thần kinh khởi đầu với những mảng ngứa trên da và xảy ra thành nhiều đợt. Khi cào gãi hoặc chà xát những mảng ngứa này, chúng càng trở nên ngứa nhiều hơn. Các bác sĩ da liễu mô tả quá trình này là chu kì ngứa – gãi và rất khó để cắt đứt.

Hầu hết mọi bệnh nhân xuất hiện viêm da thần kinh có một hoặc hai mảng ngứa, cũng có thể nhiều mảng ngứa hơn nhưng hiếm.

Đau

Ở những bệnh nhân cào gãi quá nhiều sẽ gây ra đau. Một nghiên cứu cho thấy khi viêm da thần kinh xuất hiện trên da đầu, bệnh nhân thường có cả triệu chứng ngứa và đau.

Những mảng nhám màu tím (ở vùng da tối màu) hoặc màu đỏ (ở vùng da sáng màu)

Khi cào gãi nhiều sẽ làm thay đổi màu da, xuất hiện vảy và chuyển sang màu tím hoặc đỏ.

Thường đau và chảy máu

Nếu thường xuyên cào gãi hoặc chà xát vùng da bị viêm da thần kinh có thể gây ra đau và chảy máu, gây ra vết thương hở sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng xảy ra khi dùng tay có mang nhiều vi khuẩn ở móng tay và cào gãi lên vùng da tổn thương, đưa vi khuẩn đi vào cơ thể.

Da dày lên trông giống thuộc da

Da sẽ có xu hướng dày lên như một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể khi cào gãi hoặc chà xát quá nhiều. Những mảng ngứa có thể chuyển sang màu nâu, xám hoặc đỏ. Những mảng này khô, gồ sần sùi và bong vảy.

Rụng hoặc đứt gãy tóc

Khi mảng ngứa nào ở vùng da đầu có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc và ngay cả khi mảng ngứa trên da thì cũng trở nên mất lông do cào gãi nhiều.

Sẹo

Cào gãi gây ra những vết thương sâu có thể để lại sẹo.

 

Nguyên nhân

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh viêm da thần kinh?

Nguyên nhân của bệnh không thật sự rõ ràng. Những gì các nhà nghiên cứu biết cho đến hiện tại là có một số người mang nguy cơ mắc bệnh cao hơn .

Kết quả thừ những nghiên cứu cho thấy rằng những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có một trong những tình trạng sau đây trên gây ngứa da:

  • Viêm da cơ địa
  • Viêm da tiếp xúc
  • Da rất khô
  • Vảy nến
  • Viêm da ứ đọng
  • Tình trạng bên trong cơ thể dẫn đến ngứa da, ví dụ như bệnh thận.

Nguy cơ cũng có thể tăng cao hơn nếu bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn lo âu.

OCD, theo tổ chức OCD quốc tế, là một tình trạng sức khoẻ tâm thần gây ra những ý tưởng và suy nghĩ không mong muốn, không thể kiểm soát. Với những ý tưởng và suy nghĩ này dẫn đến những sự căng thẳng và lo lắng. Và để giải toả những suy nghĩ không mong muốn này, bệnh nhân thường cần lập lại một số hành vi nhất định, ví dụ như kiểm tra cửa đã được khoá chưa nhiều lần.

Một người cũng tăng nguy cơ mắc viêm da thần kinh hơn nếu:

  • 30 đến 50 tuổi
  • Phụ nữ
  • Người Mỹ gốc Phi hoặc người Châu Á.

Viêm da thần kinh thường hiếm ở trẻ em, tuy nhiên một vài trẻ em mắc bệnh chàm có thể xuất hiện viêm da thần kinh.

 

Viêm da thần kinh thường khởi phát khi nào?

Cảm giác ngứa thường bắt đầu khi bệnh nhân trải qua một thời kì khó khăn trong cuộc sống như:

  • Lo lắng dữ dội
  • Áp lực rất nhiều
  • Chán nản, suy sụp

Khi đời sống cải thiện hơn thì tình trạng ngứa của viêm da thần kinh thưỡng vẫn tiếp diễn.

 

Nguyên nhân của viêm da thần kinh là gì?

Mặc dù những nhà nghiên cứu đã tìm ra những người tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da thần kinh, thì nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa thật sự được hiểu rõ.

Bệnh có thể xuất hiện khi các thần kinh trên da phản ứng quá mức. Tình trạng này có thể giải thích tại sao viên da thần kinh thường khởi phát khi bệnh nhân bị áp lực như lo lắng hoặc tuyệt vọng dẫn đến phản ứng giữa tâm trí và cơ thể.

Thần kinh có thể cũng tăng phản ứng khi:

  • Bị dị ứng
  • Côn trùng cắn
  • Tổn thương thần kinh
  • Da rất khô
  • Viêm da cơ địa hoặc vảy nến
  • Thiếu máu nuôi

Bác sĩ da liễu thường gọi những điều trên là yếu tố thúc đẩy, có nghĩa là để bệnh khởi phát phải có một yếu tố thúc đẩy.

Một số yếu tố thúc đẩy có thể khác bao gồm:

  • Mặc quần áo chật, đặc biệt nếu chất liệu là len, tơ hoặc polyester.
  • Tiếp xúc nhiều với vấn đề ùn tắc giao thông
  • Đổ mồ hôi hoặc nóng

Nếu nghĩ rằng mình có thể mắc viêm da thần kinh, thì bạn cần phải được chẩn đoán chính xác. Không điều trị, tình trạng ngứa có thể trở nên dữ dội và kéo dài. Đến thăm khám cùng bác sĩ da liễu để có chẩn đoán chính xác.

 

Điều trị

Làm thế nào để bác sĩ da liễu chẩn đoán bệnh viêm da thần kinh?

Để chẩn đoán một bệnh nhân mắc bệnh viêm da thần kinh các bác sĩ da liễu sẽ:

  • Thăm khám các mảng ngứa trên da: việc thăm khám cho phép các bác sĩ da liễu tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh
  • Đặt câu hỏi: rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho bác sĩ bao gồm cảm giác ngứa bắt đầu từ khi nào, cảm giác ngứa luôn luôn hiện diện hay tự đến và tự hết, cách để bạn làm giảm cảm giác ngứa.
  • Cấy da (nếu da của bạn có dấu hiệu nhiễm trùng): việc này giúp bác sĩ da liễu lựa chọn được phương pháp điều trị chính xác nếu bạn bị nhiễm trùng.
  • Thực hiện (hoặc giới thiệu bạn đến nơi có) xét nghiệm dị ứng: nếu bác sĩ cho rằng cảm giác ngứa là do tình trạng dị ứng gây ra, thì việc xét nghiệm dị ứng có thể tìm ra tác nhân.

Hãy chỉ cho bác sĩ mọi vị trí làm bạn ngứa. Một số bệnh nhân cảm thấy bối rối về việc ngứa ở vùng hậu môn hoặc sinh dục. Nhưng đừng lo lắng vì các bác sĩ hiểu rằng viêm da thần kinh thường xuất hiện ở những vùng này và việc biết rõ các vị trí ngứa của bệnh nhân cho phép các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

Bác sĩ da liễu của bạn có thể thực hiện sinh thiết da tại phòng khám, bác sĩ sẽ lấy một mảnh da nhỏ khi bạn vẫn tỉnh táo.

 

Tại sao phải gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán viêm da thần kinh?

Viêm da thần kinh có thể xuất hiện cùng nhiều tình trạng da khác như chàm hoặc vảy nến. Chính vì lí do này, tốt nhất là gặp bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị được hiệu quả.

Phương pháp điều trị viêm da thần kinh?

Nếu bạn bị viêm da thần kinh thì việc điều trị là rất quan trọng, bệnh rất hiếm khi tự hết mà không cần điều trị.

Bác sĩ da liễu sẽ lên kế hoạch điều trị dựa trên dấu hiệu, triệu chứng và nhu cầu của từng bệnh nhân khách nhau. Một kế hoạch điều trị có thể gồm:

Chấm dứt tình trạng ngứa: để điều trị có hiệu quả, cần phải chấm dứt việc cào gãi, chà xát và đụng chạm vào vùng da ngứa. Để giảm cảm giác ngứa bạn có thể cần sử dụng một hoặc nhiều hơn các phương pháp sau:

  • Corticosteroid: chúng ta thường thoa thuốc này trực tiếp lên vùng da bệnh. Đôi khi bác sĩ da liễu sẽ tiêm trực tiếp thuốc này vào vùng da ngứa. Corticosteriod giúp giảm sưng, nóng, ngứa, đau cũng như làm mềm vùng da dày.
  • Gạc mát: đặt một miếng gạc mát hoặc ướt lên da trong 5 phútc trước khi thoa corticosteroid có thể giúp thuốc thấm vào vùng da dày dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp giảm ngứa.
  • Kháng histamine giúp bạn dễ ngủ: thuốc này giúp bạn giảm ngứa và ngủ say hơn.
  • Dưỡng ẩm giúp da giảm khô da từ đó làm giảm ngứa.
  • Than đá tinh chế: có thể thoa lên da hoặc cho vào bồn tắm.
  • Kem capaicin hoặc kem doxepin: những loại kem này có thể giảm ngứa.

Có thể cần che kín vùng thoa thuốc trước khi đi ngủ để thuốc thấm tốt hơn ở những vùng da dày đồng thời bảo vệ da khỏi việc cào gãi trong lúc ngủ.

Nếu những phương pháp điều trị kể trên không hiệu quả, bác sĩ có thể lựa chọn một phương pháp điều trị ít truyền thống hơn. Những phương pháp điều trị sau đây, được kê toa bởi bác sĩ da liễu, cũng đã được báo cáo trên những tạp chí y khoa là có hiệu quả cho một số bệnh nhân mắc viêm da thần kinh.

  • Dung dịch chứa aspirin và dichloromethane thoa lên vùng da ngứa.
  • Thuốc mỡ tacrolimus hoặc kem pimecrolimus thoa lên vùng da ngứa.
  • Tiêm botulinum toxin.

Chúng ta thường biết botulinum toxin dùng để điều trị nếp nhăn, nhưng thật ra thuốc còn có thể giảm ngứa. Trong một nghiên cứu gồm có 3 bệnh nhân viêm da thần kinh, thì tất cả họ đều giảm ngứa sau một tuần điều trị với botulinum toxin. Trong vòng hai đến bốn tuần, những mảng viêm da thần kinh biến mất.

Chữa lành vùng da bị tổn thương: ở bệnh nhân viên da thần kinh, lớp trên cùng của da cần được chữa làm, nếu không sẽ làm dây thần kinh bên dưới lộ ra ngoài và kích thích cơn ngứa khiến bạn cào gãi. Để làm việc này, các bác sĩ da liễu có thể cho bạn::

  • Ngâm nước: cách này có thể đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân bị viêm da thần kinh vùng hậu môn hoặc sinh dục. Ngân nước có thể giảm ngứa, kích ứng hoặc đau.
  • Dưỡng ẩm: thoa dưỡng ẩm sau khi ngâm nước để giúp khoá ẩm.

Khi da bắt đầu lành lại, dưỡng ẩm có thể là thứ duy nhất bạn cần để điều trị duy trì. Hãy chắc chắn dùng đúng loại dưỡng ẩm mà bác sĩ khuyên dùng. Một số loại dưỡng ẩm có thể gây kích ứng những vùng da nhạy cảm và làm tệ hơn tình trạng viêm da thần kinh.

Loại bỏ vùng da dày: Nếu vùng da bệnh trở nên dày hơn, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc thoa để giảm bề dày của da.

Điều trị nhiễm trùng: khi nhiễm trùng xảy ra, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh thoa hoặc uống.

Điều trị vết thương: việc cào gãi thường xuyên đôi khi gây ra vết thương và những vết thương này cần được điều trị bằng một trong những các sau đây:

  • Chăm sóc vết thương tại nhà
  • Điều trị bằng phẫu thuật
  • Liệu pháp điều trị áp lực âm (có thể làm tại nhà)
  • Liệu pháp oxy cao áp (cần phải đến bệnh viện)

Giảm lo âu và stress: khi bệnh viêm da thần kinh thất bại trong việc điều trị bằng thuốc, thì việc nghĩ về những chuyện đang xảy ra trong cuộc đời của họ có thể mang lại hiệu quả

Cuộc sống của có quá sức căng thẳng không? Bạn có cảm thấy lo lắng quá nhiều không? Cả việc căng thẳng và lo lắng đều có thể khởi phát cơn ngứa – ngay cả khi bạn đang được điều trị thuốc giảm ngứa. Nếu căng thẳng và lo lắng là một vấn đề khó thay đổi trong cuộc sống của bạn, các điều sau đây có thể cần để điều trị giảm ngứa cho bạn:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Tâm lý liệu pháp, bạn có thể trò chuyện về những áp lực và lo âu và tìm ra cách giải quyết chúng một cách hiệu quả.

 

Câu chuyện thành công của bệnh nhân

Một câu truyện được in trên tạp chí y khoa cho thấy rằng điều trị tâm lý có thể hiệu quả. Câu chuyện này bắt đầu với một phụ nữ 60 tuổi có một mảng ngứa dữ dội trên da đầu.

Mảng ngứa này đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Đôi khi da đầu ngứa dữ dội đến mức khiến bà ấy gãi cho đến khi chảy máu. Sau hai năm gãy liên tục, vùng da đầu nơi có mảng ngứa bị hói hoàn toàn.

Khi đến khám cùng một bác sĩ da liễu, bà ấy biết mình bị viên da thần kinh và được bác sĩ kê toa và lên kế hoạch điều trị:

  • Tiêm corticosteroid vào mảng ngứa mỗi tuần trong 4 tuần
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Tâm lý liệu pháp

Bà ấy đã tuân thủ theo kế hoạch điều trị. Trong ba tháng, tất cả triệu chứng đã biến mất và tóc bắt đầu mọc lại. Sang tháng thứ ba, bà ấy ngưng thuốc chống trầm cảm. Khi tái khám vào tháng thứ sáu với bác sĩ da liễu, bà không còn dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh viêm da thần kinh nữa.

Không có một kế hoạch điều trị nào phù hợp với tất cả bệnh nhân. Đó là lý do vì sao các bác sĩ da liễu vẫn tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị mới.

Nếu bạn vẫn còn ngứa nhiều, hãy trao đổi với bác sĩ, sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác có thể đưa ra dành cho bạn.

Một vài bệnh nhân đã điều trị thành công với phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Đây là mổ phương pháp điều trị giúp mọi người kiểm soát các phản ứng nhất định, chẳng hạn như mong muốn cào gãi vùng da ngứa mà bạn có thể thử.

TENS là một lựa chọn khác. TENS là viết tắt của kích thích điện thần kinh qua da và gồm có sử dụng một dụng cụ truyền xung điện tới da để giảm ngứa.

Trong một nghiên cứu nhỏ với 22 bệnh nhân thất bại với điều trị corticosteroid thì TENS lại có hiệu quả.  Sau 4 tuần, 80% bệnh nhân giảm ngứa đáng kể.

Liệu pháp ánh sáng có thể là một lựa chọn khác. Để điều trị bằng ánh sáng, bạn cần đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế có cung cấp dịch vụ này.

 

Kết quả của một bệnh nhân mắc bệnh viêm da thần kinh là gì?

Viêm da thần kinh có thể điều trị hết hoàn toàn. Tuy nhiên, cần thời gian để lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Một bệnh nhân có thể có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau và mỗi lần tái khám đều cần thiết tuân theo kế hoạch điều trị của mình.

Viêm da thần kinh hiếm khi tự hết nếu không điều trị, và cả khi đã điều trị thành công thì bệnh vẫn có thể tái phát nếu có yếu tố thúc đẩy. Yếu tố thúc đẩy phổ biến là căng thẳng, lo lắng và bất cứ thứ gì kích ứng da của bạn. Nếu bị bùng phát, bạn cần phải điều trị lại.

Vài người nhận ra rằng họ cần điều trị dự phòng để ngừa tái phát.

 

Chăm sóc bản thân

Tự chăm sóc bản thân cũng luôn là một vấn đề quan trọng trong việc điều trị viêm da thần kinh. Hãy cũng xem bạn có thể tự làm gì cho bản thân nhé.

10 lời khuyên từ bác sĩ da liễu dành cho bệnh nhân viêm da thần kinh

Để điều trị sạch viêm da thần kinh việc đầu tiên là phải ngưng cào gãi, chà xát và đụng chạm thường xuyên vào vùng da ngứa. Điều này nghe dường như không thể. Chính vì vậy các bác sĩ đã gợi ý cho các bệnh nhân những lời khuyên sau đây:

  1. Tuân thủ nghiêm túc kế hoạch điều trị. Nếu kế hoạch điều trị của bạn bao gồm thuốc để giảm ngứa thì để thuốc phát huy hết tác dụng bạn phải sử dụng đúng cách.

Kể cả khi sử dụng thuốc đúng cách, da bạn cũng có thể ngứa một chút. Khi cơn ngứa bắt đầu, bạn có thể làm dịu bớt một cách tạm thời bằng cách:

  • Đắp một khăn mát lên vùng ngứa. Dùng khăn sạch thấm ẩm bằng nước mát sau đó đặt lên vùng ngứa 10 – 15 phút một vài lần một ngày.
  • Tắm bằng bột yến mạch keo. Bạn có thể mua được bột yến mạch keo tại các nhà thuốc.
  • Uống thuốc kháng histamin có chứa diphenhydramine. Thuốc này có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa. Sau khi uống thuốc bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và giảm cảm giác ngứa.
  1. Dưỡng ẩm. Viêm da thần kinh làm da trở nên rất khô. Thoa kem dưỡng ẩm không mùi ít nhất một lần mỗi ngày sau khi tắm, lúc da còn ẩm sẽ tăng tác dụng dưỡng ẩm hơn.

Tiếp tục thoa dưỡng ẩm sau khi da đã hồi phục. Dưỡng ẩm có thể giúp chống viêm da thần kinh quay trở lại.

  1. Nếu không thể ngừng việc cào gãi, chà xát hoặc thường xuyên đụng chạm vào vùng da bị viêm da thần kinh, hãy che phủ vùng da này lại. Ở một số người đã cào gãi lâu ngày khiến họ không còn nhận ra là mình đang cào gãi. Một số khác gãi vô thức trong lúc ngủ.

Hãy che chắn vùng da ngứa bằng cách mặc quần áo không chật che phủ hoặc sử dụng băng co giãn hoặc băng cuộn có corticosteroid.

  1. Trao đổi với bác sĩ  của bạn về việc sử dụng băng quấn y tế quanh tay hoặc chân (Unna boot hoặc Unna sleeve) nếu che phủ bằng quần áo không đủ để bảo vệ vùng da tổn thương. Và nhất là khi việc cào gãi xảy ra trong lúc ngủ (hoặc không thể ngưng cào gãi), dụng cụ này có thể bảo vệ da của bạn ở vùng tay và chân, để vùng da được lành tốt.

Nếu lựa chọn sử dụng băng quấn y tế thì, nhân viên y tế sẽ gắn cũng như tháo bỏ cho bạn. Chúng được làm từ gặc có chứa các thành phần như oxit kẽm để thúc đẩy quá trình lành thương. Ban đầu gạc sẽ ướt sau đó khô cứng lại.

  1. Cắt ngắn móng tay. Khi móng tay ngắn , mức độ tổn thương da sẽ giảm khi bạn cào gãi.
  2. Giảm căng thẳng. Khi cơ thể bị căng thẳng và lo lắng, bệnh viên da thần kinh có thể tái phát. Kể cả khi sang thương trên da đã khỏi hoàn toàn thì căng thẳng cũng có thể gây ra một mảng ngứa mới.
  3. Hãy cố duy trì cuộc sống trong nhiết độ thoải mái. Nóng hoặc ẩm ướt có thể kích ứng da, đây là nguyên nhân khiến da bạn bị ngứa.
  4. Mặc quần áo cotton rộng rãi, sờ vào có cảm giác mịn màng. Quần áo chật cũng là nguyên nhân gây kích ứng da dẫn đến ngứa. Tốt nhất là hạn chế mặc quần áo bằng len hoặc vải tổng hợp như polyester hoặc rayon.

Nếu bị viêm da thần kinh ở vùng bẹn, hãy lựa chọn đồ lót rộng rãi bằng satin. Lụa và vải tổng hợp như polyester có thể kích ứng làn da nhạy cảm. Hãy tránh mặc quần quần lót định hình vì đồ bó sát có thể cọ xát gây kích ứng và ngứa da.

  1. Tránh những tác nhân khởi phát bệnh viêm da thần kinh của bản thân. Một số tác nhân phổ biến như nóng và đổ mồ hôi, căng thẳng, da khô. Nếu có bất cứ điều gì chưa rõ ràng, hãy xin ý kiến bác sĩ của bạn.
  1.  Hãy tái khám đúng hẹn. Việc này giúp đạt được hiệu quả cao nhất của kế hoạch điều trị. Ví dụ, bác sĩ của bạn kê toa thuốc thoa trong vài tuần và sau đó bạn cần phải sử dụng một loại thuốc thoa khác.

Đôi khi, chỉ một phương pháp điều trị có thể không hiệu quả và bạn cần phải tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ thăm khám trực tiếp và quyết định bước điều trị tiếp theo.

Nếu gặp bất kì vấn đề gì trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể cùng bạn giải quyết điều đó.

Viêm da thần kinh hiếm khi khỏi hoàn toàn mà không được điều trị bằng thuốc.

Mặc dù bạn có thể muốn tự mình điều trị các mảng ngứa trên cơ thể, những đối với bệnh viêm da thần kinh thì thường đòi hỏi dùng thuốc theo kê toa của bác sĩ để điều trị được hiệu quả. Một số bệnh nhân cũng cần các bác sĩ tư vấn để tránh và giảm thiểu việc cào gãi từ đó giúp vùng da ngứa có thể được chữa lành.

Nếu xuất hiện những mảng ngứa trên da, hãy dành thời gian đến khám và điều trị cùng bác sĩ da liễu. Có nhiều vấn đề khác nhau gây ra tình trạng ngứa da, chính vì vậy cần có một bác sĩ da liễu có chứng chỉ hành nghề thăm khám, tìm ra nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau.

--  Bs Phan Vũ Lam Phương  --

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709

  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

return to top