Hội chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ

Có một sự thật rằng chứng tự kỷ đang ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần quan tâm để có thể nhận biết và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Dấu hiệu để nhận biết chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ là gì?

Tự kỷ là tình trạng rối loạn hành vi thần kinh phức tạp gồm những suy giảm về tương tác xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Do được biểu hiện bằng nhiều triệu chứng nên tình trạng này hiện nay được gọi với cái tên 'Rối loạn phổ tự kỷ' (Autism Spectrum Disorder – ASD).

Tự kỷ bao gồm rất nhiều triệu chứng, hành vi và mức độ suy giảm, từ việc chỉ là một số khuyết tật gây ra những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày cho đến các biểu hiện suy nhược nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế.

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp, đây thường được coi là biểu hiện rõ ràng nhất. Chúng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể hiểu được những gì người đối diện đang nghĩ gì và cảm nhận như thế nào. Điều này khiến chúng rất khó trong việc diễn tả bằng lời nói, cử chỉ hay biểu cảm bằng khuôn mặt.

Có những đứa trẻ tự kỷ nhưng lại rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, đây cũng được coi là một trong những biểu hiện của tự kỷ. Những đứa trẻ này sẽ gặp rất nhiều rắc rối, thậm chí là đau đớn bởi chúng có cảm giác rất mạnh mẽ với các động chạm, mùi vị, âm thanh hay hình ảnh rất đỗi thông thường.

Trẻ em bị tự kỷ thường có những hành vi, chuyển động lặp đi lặp lại như lắc lư người, bước đi hay vỗ tay. Chúng có thể có một số hành vi bất thường với người khác hay với đồ vật xung quanh, thậm chí là những cơn giận dữ hay tự gây thương tích. Đôi khi trẻ bị tự kỷ sẽ không chú ý hay để ý đến người, đồ vật hay những chuyển động trong môi trường xung quanh.

Một số trẻ mắc tình trạng tự kỷ có thể bi co giật. Trong vài trường hợp, hiện tượng co giật sẽ không xảy ra cho đến tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, có những trẻ tự kỷ bị khiếm khuyết về nhận thức, tất nhiên là chỉ đến một mức độ nào đó. Trái ngược với tình trạng suy giảm nhận thức thông thường với biểu hiện rõ rệt là tư duy chậm trễ trong mọi lĩnh vực, trẻ mắc tự kỷ chỉ có biểu hiện là phát triển nhận thức không đồng đều ở các vấn đề khác nhau chứ không phải là hạn chế nhận thức toàn bộ.

Chúng có thể gặp khó khăn với một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là giao tiếp xã hội nhưng chúng lại có thể phát triển một cách bất thường các kỹ năng khác như hội họa, sáng tác âm nhạc, toán học hay ghi nhớ. Vì thế mà một số trẻ tự kỷ thường đạt được kết quả khá cao, trung bình hoặc thậm chí là trên mức trung bình, trong các thử nghiệm về trí tuệ phi ngôn ngữ.

Nhiều trẻ được phát hiện mắc tự kỷ ngay từ khi sinh ra nhưng thông thường các biểu hiện nêu trên của trẻ tự kỷ sẽ xuất hiện trong 3 năm đầu đời. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển bình thường nhưng sau đó các biểu hiện của bệnh sẽ dần dần bộc lộ, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 18 đến 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay, y học đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ mắc tự kỷ nhưng việc gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội không xuất hiện cho đến khi yêu cầu của môi trường sống vượt quá khả năng của các em.

 

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ?

Kết luận ban đầu của hầu hết các nghiên cứu cho thấy tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển bẩm sinh. Điều này có nghĩa là, từ khi sinh ra, trẻ đã có những biểu hiện của hội chứng này, hoặc trẻ có tiềm ẩn chứng tự kỷ từ bên trong, đến độ tuổi nào đó (thường từ 2-3 tuổi) mới bắt đầu biểu hiện ra. Nhưng nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tự kỷ đến thời điểm hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nền khoa học y tế.

Không nên vội vàng kết luận con bị tự kỷ khi chưa đưa trẻ đi các bác sĩ, chuyên gia thăm khám, tư vấn (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, có thể do những nhân tố tác động làm gia tăng mức độ tự kỷ ở trẻ dưới đây:

- Sinh con ở độ tuổi cao sẽ làm gia tăng triệu chứng tự kỷ của con cái.

- Phụ nữ khi mang thai tiếp xúc với một số loại hóa chất, thuốc (chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm).

- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì hay tiểu đường.

 

Điều trị chứng tự kỷ

Tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Hiện nay, chưa có thuốc chữa hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm thì vẫn có thể phát triển tương đối bình thường, hòa nhập được với cộng đồng. Với trường hợp nặng hơn, các biện pháp can thiệp chỉ có thể giúp trẻ ổn định và biết cách giao tiếp hơn.

Hội chứng tự kỷ dễ bị nhầm với tình trạng chậm nói, chậm phát triển hay một số bệnh khác như khuyết tật thính giác, hội chứng mất ngôn ngữ dạng động kinh… Do đó, để xác định chính xác trẻ có bị tự kỷ không, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên ngành, không nên tự mình đưa ra kết luận vội vàng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top