✴️ Bệnh tinh hoàn ẩn

Nội dung

Tinh hoàn ẩn là gì?

Trong thời kỳ bào thai, hai tinh hoàn nằm ở vị trí phía sau sát hai thận. Khi thai nhi được 8 tháng tuổi, cả hai tinh hoàn đã di chuyển từ bụng qua bẹn rồi xuống bìu trước khi trẻ chào đời. Tinh hoàn ẩn là tình trạng mà lúc sinh ra một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu nhưng nằm ở bụng hoặc chỉ xuống bìu một phần. Thường chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn.
Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không nằm trong bìu cho đến khi 6 tháng tuổi, rất khó để tinh hoàn tự động đi xuống và cần được điều trị.

Trẻ có tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị có thể gặp các nguy cơ như ung thư hoá tinh hoàn, thoát vị bẹn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn hoặc tổn thương về tâm sinh lý do không có hay chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.

Có hai dạng tinh hoàn ẩn:

  • Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn lò xo.
  • Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu, trong ổ bụng, không sờ thấy tinh hoàn.

Tinh hoàn ẩn và tinh hoàn lạc chỗ là hai thuật ngữ thường dễ bị nhầm lẫn với nhau:

  • Tinh hoàn ẩn: tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm dọc theo đường đi của tinh hoàn (trong bụng, lỗ bẹn sâu, ống bẹn, lỗ bẹn nông).
  • Tinh hoàn lạc chỗ: sau khi ra khỏi lỗ bẹn nông, tinh hoàn đi lạc tới một vị trí khác mà không đến bìu (tầng sinh môn, dây chằng bẹn, cân đùi). 80% các trường hợp xảy ra ở một bên tinh hoàn, kích thước và chức năng thường bình thường.

Sự di chuyển từ bụng xuống bìu của tinh hoàn chịu sự tác động của rất nhiều cơ chế. Nếu những cơ chế này bị ảnh hưởng sẽ làm tinh hoàn không xuống được tới bìu và gây tinh hoàn ẩn.

     tinh hoàn ẩn

Những nguyên nhân gây tinh hoàn ẩn thường gặp:

  • Rối loạn trục hạ đồi- tuyến yên- tuyến sinh dục: suy tuyến yên làm thiếu gonadotropin gây tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ.
  • Sai lệch tổng hợp testosterone: do thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase,… làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường.
  • Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen: do giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen cho nên dù là trẻ trai nhưng sự phát triển các chức năng sinh dục nam bị ảnh hưởng, trong đó có sự đi xuống của tinh hoàn.
  • Estrogen cũng có ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh hoàn tới bìu: mẹ mang thai nhi nam dùng diethylstilbestrol nhiều hay thuốc kháng androgen thì thai nhi có nguy cơ bị tinh hoàn ẩn.
  • Phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn-bìu: làm cho tinh hoàn nằm lơ lửng trên đường di chuyển, không xuống được tới bìu.
  • Các yếu tố cơ học gây cản trở sự di chuyển của tinh hoàn như: cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn, …
    Triệu chứng tinh hoàn ẩn ở bé trai: không nhìn thấy hoặc sờ thấy tinh hoàn ở vị trí bình thường ở bìu

Chẩn đoán

Lâm sàng:

Người bệnh có thể tự sờ nhưng không thấy tinh hoàn ở dưới bìu hoặc sờ thấy ở ống bẹn có khối u nổi lên.

Thăm khám vùng bẹn bìu: bìu kém phát triển, tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển. Trong khoảng 80% trường hợp, bác sĩ có thể sờ thấy tinh hoàn nằm ở trên trong ống bẹn. Tuy nhiên tinh hoàn ẩn thể trong ổ bụng hoặc lỗ bẹn sâu khi khám không sờ thấy tinh hoàn.

Cận lâm sàng:

Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng là các phương tiện thăm dò từ thấp đến cao nhằm xác định chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, còn có thể phát hiện những bất thường khác của tinh hoàn như u tinh hoàn, vôi hóa nhu mô tinh hoàn,…

Xét nghiệm nhiễm sắc thể: nên được tiến hành một cách hệ thống để phát hiện các trường hợp giới tính không xác định.

Nghiệm pháp HCG: là một nghiệm pháp được sử dụng để xác định xem tinh hoàn có hay không có trong trường hợp cả hai tinh hoàn đều không sờ thấy.

Các xét nghiệm nội tiết tố: LH, FSH, prolactin, estradiol và testosterone.

Các xét nghiệm chỉ điểm khối u: αFP, β-HCG nên làm để phát hiện các trường hợp ác tính.

Điều trị

Trẻ cần phát hiện sớm và điều trị trước 2 tuổi. Nếu có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn thường tự di chuyển xuống mà không cần điều trị. Nếu tới lúc trẻ được 6 tháng tuổi mà tinh hoàn vẫn không tự di chuyển xuống, có thể cần một số biện pháp can thiệp.

Bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc, có thể điều trị tinh hoàn ẩn bằng phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, đảm bảo các nguyên tắc:

  • Đưa tinh hoàn ra ngoài lớp phúc mạc, đóng phúc mạc.
  • Phẫu tích, bóc tách, kéo dài cuống tinh hoàn để chuyển tinh hoàn vào bìu.
  • Phẫu thuật điều trị bệnh tinh hoàn ẩn là một phẫu thuật bảo tồn, do vậy nên được tiến hành khi có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm.
  • Thời gian phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ được 1-2 tuổi.

Đối với nam giới trưởng thành, cần phải tiến hành phẫu thuật ngay nếu tinh hoàn chưa bị ung thư hóa thì tiến hành phẫu thuật hạ tinh hoàn, kết hợp với cân bằng nội tiết tố

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top