✴️ Bị chuột rút vào ban đêm

Bị chuột rút vào ban đêm khi đang ngủ không phải là hiện tượng hiếm. Chuột rút gây co thắt dữ dội ở bắp chân, thường kéo dài vài giây hoặc vài phút nhưng sau đó triệu chứng đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng chuột rút vào ban đêm lại kéo theo tình trạng khó chịu, mất ngủ. Sau đây là một số nguyên nhân và lời khuyên để ngăn chặn chuột rút vào ban đêm.

Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng chuột rút vào ban đêm lại kéo theo tình trạng khó chịu, mất ngủ

 

7 nguyên nhân phổ biến gây chuột rút vào ban đêm

Chuột rút có thể xảy ra với bất cứ phần cơ bắp nào, không chỉ ở chân và bàn chân, mặc dù đây là hai vị trí gây ra sự khó chịu nhiều nhất.

Thiếu nước: tình trạng thiếu nước có thể là “thủ phạm” gây ra những cơn chuột rút vào ban đêm. Điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, làm việc đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước.

Chế độ dinh dưỡng thiếu chất khoáng: sự cân bằng các chất điện giải (canxi, natri, kali và magiê) là cần thiết cho sự co giãn của cơ bắp. Vì thế thiếu hụt các chất điện giải có thể dẫn tới tình trạng chuột rút khó chịu. Với những ai đang ở trong tình huống này, các chuyên gia y tế khuyên rằng không nên chỉ điều trị với chất bổ sung mà cần thay đổi chế độ ăn uống. Tăng cường tiêu thụ các loại rau quả, trái cây như chuối, rau có màu xanh đậm… sẽ giúp căn bằng chất điện giải cho cơ thể, hạn chế nguy cơ bị chuột rút.

Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc như statin và furosemide có thể gây chuột rút cơ bắp. Cơn chuột rút thường xuất hiện đột ngột sau khi bắt đầu dùng thuốc. Nếu gặp phải tác dụng phụ này, cần thông báo với bác sĩ để thay thế bằng loại thuốc khác.

Nên dành thời gian để tập kéo giãn cơ mỗi ngày, kể cả khi khởi động trước khi tập thể dục hoặc sau khi tắm xong

 

Ít khi vận động kéo giãn cơ bắp: nên dành thời gian để tập kéo giãn cơ mỗi ngày, kể cả khi khởi động trước khi tập thể dục hoặc sau khi tắm xong. Các bài tập kéo giãn cơ sẽ giúp cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn.

Cố gắng quá sức: tập thể dục, vận động quá sức so với ngày thường một cách đột ngột có thể khiến cơ bắp trở nên mệt mỏi, dễ dẫn tới chuột rút. Tốt nhất nên tăng tốc độ và cường độ luyện tập một cách từ từ để cơ thể kịp thích nghi.

Tuần hoàn máu kém: nếu chuột rút tăng lên khi đi bộ, nhiều khả năng  nguyên nhân là do tuần hoàn máu kém.

Đi giày sai kích cỡ: một nguyên nhân gây chuột rút cơ bắp mà nhiều người ít biết là do đi sai kích cơ giày, đặc biệt là khi chuyển từ giày đế bệt lên giày cao gót.

 

Nên làm gì để ngăn chặn tình trạng chuột rút vào ban đêm?

Dưới đây là một số cách đơn giản để đối phó với tình trạng chuột rút ở chân và bàn chân:

Nếu bị chuột rút khi đang nằm, cố gắng đứng lên và dồn lực xuống phần chân hoặc bàn chân bị ảnh hưởng.

Chườm nóng để tăng cường lưu thông máu đến các cơ bắp và thư giãn. Ngâm mình trong bồn tắm cũng là một cách để giảm bớt căng thẳng.

Nếu cơn chuột rút gây khó chịu và đau, có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen.

 

Lời khuyên giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân và bàn chân:

Uống nhiều nước là một cách đơn giản để phòng chống chuột rút vào ban đêm

 

Uống nhiều nước hàng ngày

Tập kéo giãn cơ mỗi ngày, đặc biệt là trước khi tập thể dục

Hạn chế hoặc tránh uống rượu

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các loại thực phẩm có chứa canxi, kali và magie.

Tăng dần mức độ hoạt động thể chất, không nên tăng quá đột ngột.

Nếu tình trạng chuột rút chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và các triệu chứng không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu bị chuột rút thường xuyên và càng ngày càng tồi tệ, nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top